.
TRUYỆN NGẮN

Mùa xuân trên đồng làng

.

1. Bác xe ôm thả Xanh xuống ngay rặng tre đầu làng. Rặng tre như cột mốc của làng, xanh ngút ngát, lúc nào cũng rì rầm trò chuyện, đang nghiêng mình soi bóng xuống dòng sông, con sông nở đầy hoa lục bình tím ngát ấp lấy làng.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Một chiếc xe máy phóng qua, anh Thể nhận ra Xanh, mời lên xe, nhưng Xanh mỉm cười lắc đầu, cô muốn thong dong đi bộ dọc đường làng. Xanh còn áy náy chuyện anh Thể đã để ý chị Mùa, nhưng vì cái vụ ao cá, bác Pha, bố anh Thể đã yêu cầu thày chặt bụi tre đi để tre đỡ ngả xuống ao làm trút lá, che nắng, xói mòn bờ ao cá nhà bác. Thày nói ngang, tre mọc trên vườn đất nhà tôi, tôi không chặt. Thế là cuộc cãi vã diễn ra kịch liệt, chị Mùa chỉ biết chui vào buồng rấm rứt khóc.

- Tao sống nhờ tre, chết vì tre. Mẹ con chúng mày đòi phá tre khác nào chúng mày muốn chặt chân, chặt tay tao. Cả lũ cùng cuốn xéo ngay!

Những bọc quần áo rơi phịch phịch xuống sân, chiếc đòn gánh của u liệng lộc cộc trên nền gạch, tiếng kêu khóc nức nở của chị Mùa, chị Xuân. Hốt hoảng, Xanh chạy vào. Sau cánh cổng tre sập sệ, u đang đứng bất động, chân tay u dính đầy bùn đất, quần ống thấp, ống cao, mặt u sần sần nổi nốt đỏ, cạnh đó là anh Mộc, trông anh rũ rượi, tướp bơ như tàu lá chuối bị gió giật.

- U, đã xảy ra chuyện gì?

U nhìn Xanh, nước mắt ứa ra. Anh Mộc nhìn vào trong nhà vẻ thất thần. Cửa nhà vẫn mở, những tiếng đổ vỡ vẫn vọng ra. Chị Xuân kể trong tiếng nấc, dạo này hàng đan của thày bán chậm, chẳng ai thiết tha với đồ đan bằng tre, họ chuyển sang dùng hàng nhựa hết, đến việc cày cấy cũng có máy móc phục vụ nên gầu, thúng, nong, nia của thày cứ ế dài. Nhiều nhà trong làng đã chuyển hướng làm ăn, phá hết tre. Cả làng chỉ còn mỗi thày là vẫn nhất tâm với nghề thủ công đan lát truyền thống, cứ cậm cạch vót vót, đan đan. Đã nhiều lần anh Mộc bàn với u, muốn xin thày ngả vãn tre trong vườn xuống để anh cải tạo vườn tạp, chuyển đổi sang trồng cây cảnh, hoa. Nhưng thày không nghe. Lần này, anh vừa đi ăn cỗ cưới về, chẳng hiểu lấy đâu ra gan, dám cãi nhau tay đôi với thày, còn nói thày là bảo thủ, lạc hậu, rồi anh hùng hổ cầm dao đi ra vườn đòi phá tre. Thày rút chiếc đòn gánh trên gác bếp chạy ra, may mà u và hai chị vừa đi làm đồng về kịp, lao vào can. Thày nổi giận lôi đình, quay ra tát u một cái như trời giáng, chửi u là đồ không biết dạy con, rồi thày đập, ném, đuổi cả nhà lên đồng Đa.

- Đi!

U quệt nước mắt, vào trái bếp kéo xe bò ra sân, bê mấy chậu cây cảnh, chậu hoa lên xe, anh Mộc chạy lại đỡ u, rồi anh cầm càng xe, vắt thừng bò lên vai.

Xanh giữ tay u lại:

- Thày con tính nóng thế thôi.

U lắc đầu dứt khoát.

- U không thể nhịn thày hơn được nữa. Con có đi cùng mọi người không?

Xanh loạng choạng đổ vào cánh cổng, mắt nhòa đi.

2. Rón rén bê bát cháo hành vào đầu giường, Xanh mời thày ăn cháo, thày quay đầu vào tường. Xanh xót xa, mới có hai ngày trôi qua mà người thày tóp lại như cái phoi phoi.

- Thày ăn ít cháo đi!

- Thày đắng miệng lắm.

Sân gạch đỏ au au dưới nắng. Xanh bê những mê, nan, dây mây tãi đầy sân. Lúc vào chỗ hố cạp thúng định ôm nốt mấy cái mê thúng đang lên mốc ra phơi chợt Xanh khựng lại khi nhìn thấy có một cây mạ đang nhú hai lá mầm vàng vọt dưới lòng hố. Vội vàng Xanh nhổ ngay đi, chắc lâu nay thày không cạp thúng…

Còn nhớ một buổi, thày đi vắng, ở nhà anh Mộc bị cảm cúm, chẳng muốn ăn gì cả, chỉ thèm ăn măng chua ngâm giấm. Mà thày thì có một bình măng, mỗi bữa, thày chỉ gắp hai lát măng ngâm ra ăn với mấy bát cơm, còn thức ăn như món tép, tôm, cá hay ít thịt kho với đầu hành khô đổi bữa thì chẳng mấy khi thày động đũa, thày bảo dành cho lũ trẻ, thày ăn măng đậm miệng ngon hơn. Anh Mộc từng thò tay ăn trộm măng của thày để ăn cơm nguội, kêu ngon. U bê bình măng ngâm của thày ra, may có vài miếng măng còn lại với đám tỏi, ớt. Anh Mộc ăn dè được hai bát cơm. U liền xắn quần ra vườn, chui vào gốc tre tìm mấy cái măng cụ chặt về thái ngâm tiếp. Tối đến, măng đã lên men, anh Mộc lại đánh những bốn bát cơm với măng giấm. Nhưng tới đêm thì anh Mộc bị sốt, tào tháo đuổi liên tục, u phải soi đèn ra vườn nhổ nhọ nhồi, rau má, rau dấp cá giã nước cho uống, sáng hôm sau mới cầm. Thày về, biết chuyện, thày vào nhà, túm áo u lôi ra vườn, mắng chửi u là đồ giết người, con ốm dám cho ăn măng giấm, lại còn tự tiện chặt măng. Người ta có chặt cũng phải lựa cái còi cái lép, còn đằng này ai đời cứ nhè cái măng to, ở ngoài mà chặt thì bằng hủy diệt bụi tre đi. U cãi lại vài câu. Thày vào bê cái hòm quần áo của u ném ra sân, đuổi cút đi, thày đá cả rổ bát xuống sân vỡ tan tành.        

Đợt dân làng rục rịch dồn điền đổi thửa để xây dựng cánh đồng mẫu lớn, u đi họp, ký ngay vào bản cam kết mà trưởng thôn đưa ra, đồng ý đổi các mảnh ruộng ở đồng Ngấu, đồng Xe, đồng Gạo sang nhận bốc ruộng trên đồng Đa, gần đường tàu. Thày đi ăn cỗ xa về, biết chuyện, điên tiết, thày chửi u là đồ ngu, dám vượt cả mặt thày. Ruộng đồng Ngấu, đồng Xe là bờ xôi ruộng mật, lại tiện nước, tiện đường mà nhả ra đi vơ lấy hết ruộng trên đồng Đa cạnh đường tàu, là cái ngữ thổ tả, chó ăn đá gà ăn sỏi, đồng cao nước hiếm. U bảo, đây là chủ trương của Nhà nước nhằm phát triển nông nghiệp nông thôn, cả dân làng đều ký để công việc chuyển đổi cánh đồng mẫu lớn hoàn tất. Chỉ có người phụ đất chứ đất không phụ người. Thày gầm lên, hóa ra con gà bằng con lợn à, ngữ thợ cấy như bà thì chết đói, ăn phải bả nhà Pha sao mà lúc nào cũng ao với cá. Thày cậy quyền lực truyền đời của đàn ông, đuổi u cút đi với cánh đồng mẫu lớn của u, thày lại đá mâm, vứt bọc to bọc nhỏ của u con ra cổng.
Nhưng u không cút, u cứ ngồi lì sau cánh cổng tre, mặc cho lũ con đã chạy bạt vía. U kiên nhẫn đợi thày hết nóng giận thì u lại vào nhà nhặt đám quần áo tung tóe, thu dọn đống bát đĩa vỡ trên sân.

3. Một lần, anh Mộc cùng đám bạn đến nhà thầy Văn chủ nhiệm chơi, nhìn thấy vườn cảnh nhà thầy đẹp quá, anh như bị thôi miên, mê ngay từ đó. Anh hay lân la đến nhà thầy xem thầy làm cây và học mót, thầy giáo cho mấy bầu cây non về trồng, anh thích lắm.

Nghỉ học rồi, những sáng thồ hàng ra chợ giúp u, trong lúc đợi u bán hàng, anh lang thang vào các xóm, ngõ, bờ bụi, gặp cây gì có thể cho lên chậu làm cảnh được là anh xin, rồi xoay trần hì hục đánh về.
Có lần, đứng bên này xếp đồ cho u, anh nhìn thấy giữa đầm phía tây chợ, chỗ doi đất nhô, thấp thoáng có mấy tán lá dâu lẫn trong lau sậy. Anh bơi ngay ra thám thính, quả đúng có mấy cây dâu ta thân đã sần lên vì già. Anh vét đất, xắn bùn, đào được ba gốc dâu ta mang về.

Thày đang ngồi chẻ tre gốc nhãn, nhìn thấy con trai lấm láp như trâu đằm thì bĩu môi, thợ cây gì ngữ mày có mà thợ đốn củi thì có, cẩn thận kẻo có ngày chết vì mảnh chai, mảnh sành. Thày lại đe, chơi gì thì chơi phải học nghề đan cho giỏi, nhớ là làng mình, nhà mình là thợ đan tre.

Hàng đan lát bắt đầu ế ẩm. U kể cho Xanh biết, đến nửa năm nay u đi chợ, xếp hàng vào một chỗ, u phải tranh thủ chạy ra mua mớ rau, nải chuối, vài chục trứng gà bán kèm thêm tiền mua mắm muối. Số tiền gửi cho Xanh đóng học phí lần này là của anh Mộc bán ba cái cây dâu ta. U nói thẳng với thày, thằng Mộc  thích làm cây, trồng hoa thì ông ủng hộ cho nó. Thày Xanh cau mặt, chỉ là ăn may mà gặp mấy thằng dở hơi, ngày xưa, triền đê có mà bạt ngàn dâu, ai thèm.

4. Xanh lên đồng Đa.

U đang trộn đất cho anh Mộc ươm bầu cây, chị Mùa, chị Xuân đang cắt bờ cỏ dại mọc cao tới bụng quanh cái ao cá. Căn lều cá hai gian thấp lè tè đã được anh Mộc tốc mái, xây lên mét nữa cho thoáng mát làm phòng ngủ cho bốn u con. Thấy Xanh cứ ngắm nghía không rời mắt hai cây sung, anh Mộc hỏi:

- Cô cử nhân tương lai, trông thấy gì?

- Như dáng hai chú rồng sắp bay lên.

- Khá lắm. Tác phẩm này gọi là lưỡng long chầu nguyệt, chỉ đợi vài tháng nữa sẽ trình làng.

Xanh xuống ruộng ngắm hoa, nhìn thấy góc bờ có trồng một bụi tre thấp lè tè, nhưng đốt tròn, màu vàng óng, bóng như bôi mỡ, Xanh ngạc nhiên:

- Muốn thày phá tre mà ra đây anh còn trồng tre?

- Cứ từ từ rồi em sẽ biết.

Lúc về, u đưa cho Xanh một làn thức ăn, bảo:

- Cầm về hai thày con ăn.

- U về nhà đi !

- Thày mày đuổi u rồi. U về làm gì!

- Hồi trước, thày cũng hay đuổi mà u có bỏ đi đâu?

- Giờ khác, thày mày dám đánh u, hơn nữa là thày mày không chịu thay đổi.

U quấy quả đi vào.

5.  Trời mới lờ mờ sáng, Xanh đã nghe có tiếng lục đục trong buồng, cả tiếng ho húng hắng của thày, Xanh chạy vào, thấy thày đang chằng buộc rổ, rá, sảo, thúng vào cây cột cái sau xe, đằng trước ghi-đông cũng đã treo lủng lẳng những chùm rế bắc nồi.

- Thày đi chợ?

- Hôm nay phiên chính chợ Lai.

- Nhưng thày đã bao giờ đi chợ đâu, thày lại đang ốm…

- Từ giờ thày sẽ đi.

- Vậy cho con đi cùng thày.

Xanh cầm ghi-đông xe, nhưng thày bảo con gái chân yếu tay mềm, ra sau giữ hàng cho thăng bằng. Cột hàng cao quá đầu Xanh che khuất cả tầm nhìn. Hai thày con ra tới đường nhựa, gặp những chiếc xe máy chạy vèo vèo ngược xuôi, ánh đèn pha chói mắt, gió lạnh thấm vào da thịt, khiến Xanh rùng mình. Phía trước, bánh xe bỗng va phải hòn đá, loạng choạng, đổ rầm, những chùm rổ, rá, thúng, sảo, rế… bật tung, lăn ra giữa đường, thày vội chạy ra nhặt, thì chợt từ sau một chiếc xe máy lao đến, rầm, Xanh chỉ biết ôm mặt kêu thét lên.

 Thày bị gãy xương, đứt gân, anh Thể đến thăm bảo phải đưa thày lên tuyến trên, thày không nghe, thày sợ tốn kém, phiền hà tới vợ con. Nhưng rồi cái chân gãy vẫn đau và sưng đẫn, hành hạ thày khốn khổ, khi chuyển được thày lên tuyến trên thì bác sĩ lắc đầu, bảo đã hoại tử, phải cắt đến đầu gối ngay không thì nguy hiểm tính mạng. Mấy mẹ con ôm nhau khóc. Tỉnh dậy hay tin dữ, thày thở dài, có gì mà khóc, cũng chỉ như chặt một cây tre thôi.

Thày được ra viện, anh Mộc cho xe đánh thẳng lên đồng Đa, thày nhận ra không phải đường về làng, thều thào :

- Cho thày về làng.

- U con đang cho thợ sửa lại mái, xong con sẽ đưa thày về.

Hoàng hôn dần xuống, thày ngồi trên chõng tre, mắt nhìn ra xa xa ngắm cánh đồng rộng mênh mông, bờ vùng bờ thửa đã chỉnh trang, rồi thày lại ngắm những luống hoa đang chúm chím nụ, những chậu cây kê chen chúc trong vườn, dưới ánh hoàng hôn đang nhạt dần, mắt thày chợt ánh lên một tia sáng kì lạ. Khi anh Mộc bê cho thày cốc nước vối, thày khẽ khàng:

- Ngẫm kỹ, thợ đan như thày, thợ cấy như u hay thợ trồng cây như con thì chúng ta đều là thợ của đất. Con hãy cứ làm cho đất đồng làng mãi xanh tươi như mùa xuân về đi.

6. Cuộc triển lãm cây cảnh nghệ thuật và hoa mừng Đảng mừng Xuân diễn ra trong hai tuần lễ tại trung tâm thành phố mà từ ngày khai mạc cho đến giây phút bế mặc, người xem vẫn đến đông nườm nượp. Ai cũng dừng chân lại rất lâu và chụp ảnh lưu niệm bên những tác phẩm như Chùa một cột, Cổng nhà quê… của nghệ nhân Bùi Mộc, người làng Gianh. Tất cả đều tạo tác bằng cây cảnh, cây hoa như sanh, tầm xuân, hoa hồng ta, găng, hoa giấy, tre, có sự hỗ trợ khung hình bên trong của tre, trúc, mây, các tác phẩm chứng tỏ sự công phu, tỉ mỉ và sáng tạo độc đáo của người nghệ nhân. Thích nhất là mấy bé gái theo ông  bà đi ngắm cây cứ chạy ra chạy vào cái Cổng nhà quê có bụi tre và vòm hoa giấy tím rập rờn như cánh bướm. Lại cũng có những tác phẩm bon sai, một tay người nhấc nổi, như cái gốc tre khô được đánh bóng vàng óng kia, trên chứa cả một ngọn núi, trên núi lại có cây sanh bé bằng bàn tay, bện chặt rễ vào đá, rêu đã mốc từ rễ tới ngọn, gợi dòng suy tưởng về thế sự nhân sinh…

Anh họ của tôi từ Úc trở về, sau nhiều lần đi đến đây cùng tôi ngắm cây cảnh, hoa của nghệ nhân Mộc, nghe chuyện kể từ cô em gái tên Xanh kia, cuối cùng đã quyết định mua hai tác phẩm cây cảnh nghệ thuật Chùa một cột và Cổng nhà quê để trưng trong khu du lịch sinh thái “ Cội nguồn” ven bờ biển của gia đình mình.

Theo lời hẹn, chúng tôi đến thăm vườn của nghệ nhân trẻ vào một buổi chiều xuân, người đầu tiên chúng tôi gặp là thày Mộc, ông cụ đang ngồi vót nan thấy khách ngừng tay chào hỏi niềm nở. Mộc hồ hởi giới thiệu:

Thày tôi đấy, ông vẫn cứ thong thả đan lát.

Anh họ tôi nhìn thấy một cái hài khá to được đan từ nan tre, bên trong trồng cây thị cao khoảng hai gang tay, gốc rễ, nổi cuộn vào nhau như những ngón tay bện chặt, cành thì rụt rịt, lắc đều, anh vẫy tôi lại cùng ngắm rồi thốt lên, đẹp quá, độc đáo quá. Nghệ nhân Bùi Mộc hân hoan: “ Chẳng biết ông cụ nghĩ ra và đan nó lúc nào, mấy bữa trước có mưa xuân lắc rắc bay, thày tôi mang đưa cho tôi chiếc hài này bảo, hài cô Tấm để anh trồng cái cây thị kia”.

NGUYỄN THU HẰNG

;
.
.
.
.
.