.
TRUYỆN NGẮN

Ở xa mỏi chân

.

Trời bữa nay có giông. Đang nắng chang chang mà mây đen hầm hầm kéo tới phủ ngang dọc, gió giật muốn bay nóc nhà. Mưa ngang xương như một người trở chứng. Phải, chỉ có thể so sánh sự thay đổi đột ngột này với người, chứ ngoài con người ra thì còn con gì lật mặt tráo trở vậy.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Thằng Hậu nhìn mưa quất rách bươm mấy tàu chuối non vừa ra mơn mởn xanh, lầm bầm chửi trời chửi đất. Nó đang bực mình quá nên kiếm chỗ trút giận. Gì cũng được, cục đá hay đống rơm, hay bụi cỏ mần trầu, hay con gà xù lông ấp con, hay con cá thòi lòi theo nước lớn nhảy bồm bộp trong sân ngang ngổn bóng mưa. Nó thấy cái gì cũng ngứa mắt, như ai đó đang gí cái lông gà vô mặt chọc ngoáy. Bực quá, quay qua con chó phèn nằm dưới chân, nó tính co giò đá một cái. Nhưng nhớ ra chỉ có con phèn chịu bầu bạn với nó, ở không nghe nó cằn nhằn cử nhử bất cứ chuyện gì mà không phàn nàn một lời, nó lại thôi.

Con phèn hình như đoán được chủ bực, ngóc đầu lên nhìn thằng Hậu rồi rên ư ử như hỏi: Ê bực gì kể nghe chơi coi cậu chủ? Chắc chỉ chờ có vậy, Hậu ngồi thụp xuống, tay ôm đầu con phèn mà kể lể. Lời bò ra tứ tung, câu này cắn đuôi câu kia, bởi sự tức của nó đã bốc lên tới đầu.

Chứ hỏi sao mà không tức cho được. Tự nhiên biệt tăm biệt tích mười mấy năm trời, giờ đột ngột gọi điện về kêu đi đám giỗ. Làm như thân tình dữ lắm vậy đó. Con phèn ngó chủ, lại ư ử rên như thắc mắc ủa ai điện. Ai hả? Cậu Hai của thằng Hậu. Tức là anh ruột của má thằng Hậu.

Phải Hậu mau quên như con người ta thì nó đã không thấy tức. Còn đằng này những kí ức hồi nhỏ xíu còn nguyên thinh trong đầu nó như được viết ra sách, muốn nhớ trang nào lật liền trang đó. Nhớ hết. Kỹ càng. Nhớ in hệt như học trò thuộc lòng bài thơ lục bát.

Nhớ, nên nó nằm lòng câu cậu Hai bỏ lại trước khi bứng nhà dọn đi chỗ khác. Cậu kêu không có anh anh em em gì hết, mạnh ai nấy sống. Rồi cậu đi dễ ợt như con trâu ăn hết cỏ bãi này thì tung tăng bò qua bãi khác. Má không nói gì, nhưng Hậu biết lòng má có một nỗi đau sâu hoắm mà không gì lấp đầy nổi được nữa. Sâu hơn cả cái móng nhà và những chỗ đào lỗ chỗ trên mảnh đất cũ chỗ hồi xưa là nhà cậu Hai.

 Đó, cỡ đó mà lúc nhận điện thoại của cậu Hai má mừng húm như nghe tin thịt heo giảm giá còn ba chục ngàn một ký. Chắc cậu mới mời lơi má đã dạ dạ bữa đó em chắc ăn đi mà, bữa đó em rảnh. Rảnh khỉ mốc chớ rảnh – Hậu vừa lẩm bẩm vừa ôm con phèn khóc. Kêu má đi họp phụ huynh thì má nói bận nấu đám cho người ta. Kêu má đi coi Hậu diễn văn nghệ trường thì má nói kẹt canh mẻ rượu. Kêu má đi chợ đặng Hậu lựa mua tặng má cái áo mới từ tiền thưởng học sinh giỏi cho má mừng, má nói bận coi thương lái lại cân vú sữa. Má lúc nào cũng bận. Hậu hiểu, nó càng vì lẽ đó mà thương má hơn. Nhưng nó tức cũng chính do điều đó, má bận vậy mà cậu kêu má chịu đi liền.

Con phèn vừa nghe vừa gục gặc đầu, không biết là nó hiểu hay lim dim buồn ngủ. Hậu vẫn kể, mặc kệ con chó có nghe hay không. Mưa đang ầm ầm đập xuống mái tôn muốn điếc lỗ tai tự dưng ngưng ngang, y chang con người trở mặt. Hậu lèm bèm, đó, nói rồi mà.

Bà ngoại Hậu có ba dòng con. Dòng một là má Hậu với cậu Hai, con chồng thứ nhất tức là ông ngoại ruột của nó. Dòng hai là con của ngoại với ông ngoại thứ hai. Dòng ba là con riêng của ông ngoại thứ hai.

Phức tạp vậy nên hồi còn nhỏ Hậu toàn lẫn lộn. Ông ngoại ruột nó ở tuốt đâu đó trên Một Ngàn, nó không nhớ nổi mặt. Ông ngoại hai thì dù ở thành phố nhưng xuống chơi hoài, hay cho nó tiền ăn bánh. Bởi vậy suốt một thời gian nó tưởng ông ngoại hai là ông ngoại ruột không hà. Đâu chỉ thằng Hậu thôi, anh Hai nó cũng bị lẫn lộn.

Lần nào nghe má kể, Hậu cũng thấy mắc cười. Lâu lắm rồi, một bữa nó đi học, ba má đi làm, chỉ có mình anh Hai ở nhà. Ông ngoại ruột ghé qua, anh Hai tưởng khách hỏi ông bác kiếm má con chi. Chuyện người thân mà không biết mặt nhau đã mắc cười, nhưng Hậu cười chuyện khác. Cười chua chát. Khi nó nghe nói ông ngoại lâu ngày tạt qua không phải vì thăm con cháu mà vì đòi mấy chỉ vàng hồi xưa cho má làm của hồi môn khi lấy ba nó.

Đòi cho cậu Hai bán lấy tiền mua thêm vài công ruộng. Tiền còn không có lấy đâu ra vàng trả ông ngoại. Không có vàng nên cậu Hai tức, cậu Hai qua chửi. Chửi anh Hai thằng Hậu mất dạy có ông bà mà không nhớ. Chửi má tham lam không chịu trả vàng cho… ông ngoại dưỡng già. Dù còn nhỏ xíu, Hậu nhớ hoài cảnh má ôm mặt khóc. Khóc mà không có tiếng, khóc trong lúc nấu cơm, chẻ củi, gánh nước, giặt đồ. Dám tới bây giờ, trong lòng má chắc chưa thôi nước mắt.

Còn nhỏ xíu, nhưng Hậu nhớ lúc chưa có tiền cất nhà ở riêng phải ở đậu nhà cậu Hai cực khổ cỡ nào. Chung nhà nhưng ăn cơm riêng, và làm việc nhà thay tiền ở trọ. Chuyện kinh khủng nhất ghim trong đầu Hậu, như một cây đinh đóng lún vô miếng gỗ, cũng do chính nó mà ra.

Hậu sợ con chuột. Nó ghê loài gặm nhắm bốn chân kêu chít chít mà có lần bò vô mùng cắn chân nó chảy máu. Nó nhớ rành rành bữa chị Mộng con cậu Hai cho nó miếng thịt ăn cơm, kêu thịt gà, ngon lắm. Con nít thấy đồ ăn sáng mắt, ăn lấy ăn để, còn hít hà thèm thuồng mút hoài cục xương. Đợi nó ăn xong chị Mộng mới ôm bụng cười nắc nẻ, hỏi mày biết mày mới ăn thịt gì không, thịt chuột đó. Sự ghê tởm ứ nghẹn trong cuống họng của nó, và cơn giận thổi bùng lên chảy ra miệng đứa con nít thành câu dỗi: Chị Mộng ác như mụ phù thủy. Chị Mộng giãy đành đạch chạy về méc má mình. Không biết chị kể gì mà mợ Hai hầm hầm chạy ra chỗ má Hậu đang ngồi bán gạo ngoài chợ. Và mợ sát muối ớt vô mặt má, sỉ sỉ tay vô mặt chửi má là thứ đàn bà mất dạy. Bữa đó, ngoài chợ người ta bu coi đông lắm.

Những ký ức nhảy nhót trong đầu Hậu, đau như đá lở uỳnh uỳnh từng khối đổ ập xuống. Đó, chuyện cỡ vậy mà sao má bỏ qua dễ ợt. Sao má không cúp điện thoại khi nghe giọng cậu Hai, hay ít ra cũng hỏi một câu cho ra trắng ra đen rằng hồi đó anh đối xử với tui như vậy mà giờ anh còn kiếm tui chi nữa?
 Má không hỏi cũng không lớn giọng sừng sộ nạt nộ gì hết. Má nhẹ nhàng dạ dạ, tiếng mềm như cộng chỉ. Cọng chỉ nhỏ xíu mà nối được miếng vải lớn, còn má có nối được cái gì không mà má buông hờn giận dễ dàng vậy? Hay má quên? Đâu. Má nhớ. Hậu biết má nhớ. Bằng những khi có người khơi chuyện cũ, mắt má lại đỏ quạch. Bằng những lần tờ lịch rớt ngay ngày giỗ ông ngoại ruột, má lại như người mất hồn quên cái này lộn cái kia. Bằng mỗi khi sờ cái sẹo trên trán nó mà hồi xưa trong lúc cậu Hai đánh má nó nhảy ra can bị cậu xô té đập đầu, má kêu thôi giữ chi cho nặng lòng con ơi. Nhớ, mà sao mà tha thứ cho cậu chi khi chưa từng có một lời xin lỗi cho những vết cắt mà má ôm đằng đẵng biết bao năm?

Một bữa ngồi câu cá chung với thằng bạn, Hậu nghe nó kể chuyện nhà cũng buồn hắt hiu. Nhà nó anh em đông, lúc nào cũng có chuyện cãi lộn. Nhất là lúc ba nó tính chuyện chia đất, mọi người lại nhao nhao giành phần. Chị Ba nó, bình thường thương nó lắm, vậy mà nghe ba để lại cái nhà cho nó đã chửi hết nước hết cái. Chị Ba nói nó thứ Út, coi chừng nữa như cậu Út chiếm hết đất đai bỏ rơi bà nội.

Mà ngộ lắm nha, thằng bạn chọi cục đá xuống ao chủm chủm rồi nói tiếp (chắc buồn quá nên nó quên luôn chuyện động nước cá chạy khỏi câu), cãi um trời vậy đó mà đi làm ăn xa cái gọi về nhà nói nhớ nhớ thương thương. Cả bản thân nó cũng vậy, ra tỉnh học là mặt ai cũng nhớ diết da, bao hờn giận quăng đi sạch sẽ. Tưởng vậy là thương nhau rồi, cái tụ mặt cũng lại sinh chuyện. Móc mẽ, khen chê, so sánh. Mệt mỏi lắm.

Thằng bạn kết luận bằng một câu, Hậu nghe thiệt chí lý: Ở xa mỏi chân, ở gần mỏi miệng. Ờ, ở xa thấy thiếu mới nhớ, thấy hụt mới thương, mới lội mỏi giò mấy chục cây số về gặp cái cho đã cơn chộn rộn.  Mà ở gần sát thì thấy chán cái mặt nhau, cọng tóc buộc thò ra cũng ưa không nổi, chuyện này chuyện kia cãi mỏi cái miệng. Nghe cũng đúng như chuyện cậu Hai với má nó.

Dù Hậu cản cỡ nào, má cũng đi. Má kho sẵn nồi thịt, dặn dò anh Hai, trữ sẵn mắm muối gạo đường bột ngọt xong là xếp đồ bỏ vô giỏ xách đi. Nó đem nước mắt ra níu chân thì má rầy thằng quỷ, té trật tay còn không rớt một hột nước mắt mà nay giả bộ khóc. Biết má quyết tâm đi rồi, nó cũng đành thở dài ứ hự quày vô nhà ngồi ôm con phèn.

Hậu biết má vui khi nhận được cuộc điện thoại của cậu Hai. Hồi còn sống bà ngoại có dặn hai anh em bây ráng đùm bọc nhau mà sống, biết người ta khác cha khác má có thiệt bụng thương mình không. Chắc má lấy câu đó đuốc soi đường đi, nên dù té ạch đụi hay trầy trụa đớn đau cũng giữ khư khư mấy chữ ruột rà. Vậy đâu có công bằng, Hậu nói thiệt. Trong khi con của bà ngoại với ông ngoại hai, kể cả con riêng của ông, đâu có bỏ bê gì má. Ít nhất họ cũng không chỉ tay vô mặt má mà chửi, co nắm tay nhằm vô mặt má mà thụi. Dư dả, họ còn cho má chút đỉnh xoay sở. Má cớ gì má vẫn coi họ không bằng một góc cậu Hai?

Vậy đâu có công bằng! Bao tủi nhục má chịu rồi ai trả, ai đền, ai bồi cho xứng đáng? Đâu có ai. Hậu nghe như cuốc bổ vô mình, nhói lên rồi râm ran tê tái. Dù cho cậu Hai có xin lỗi, cũng đâu có bỏ qua như không có chuyện gì được. Mình đưa dao chặt ngang cây xoài rồi chắp tay xin lỗi nó, nó có liền lại mọc đọt non xanh um được ngay đâu. Đằng này, một câu xin lỗi nghe lọt lỗ tai còn chưa có nổi.

Dù biết đâu thời gian cách mặt hay một biến cố lớn lao nào đó đã khiến cậu Hai nghĩ lại mà hối hận chuyện xưa. Nhưng, biết đâu như câu nói của thằng bạn, giáp mặt nhau cậu lại nhớ lại mấy cái thù hằn chưa dứt mà lần nữa nhằm chỗ đau xưa cứa lại. Hậu sợ, nên mới không muốn má đi.

 Chứ thật lòng tình nghĩa má ru từ hồi chưa biết bò Hậu đã đong đầy trong từng hột máu; nó biết sao mà lạnh lùng cắt đứt được. Thì thôi, nó vái trời cho câu thằng bạn nói là sai. Để ít bữa nữa má về nụ cười còn nguyên như lúc đi, nếu hên thì rạng rỡ thêm chút nữa. Chứ để má con đem nước mắt trở về, con không tha thứ cho cậu đâu à nha, cậu Hai!

 Không biết con phèn có hiểu không mà gục gặc đầu…

Dương Thành Phát

;
.
.
.
.
.