.

Thương hoài mái tóc

.

Mấy năm trước khi dọn nhà cho ngoại lúc lột vỏ gối ra giặt tôi lượn được một lọn tóc đen nhánh cuộn trong mảnh vải trắng đã ố màu. Tôi hỏi tóc ai thì ngoại bảo tóc dì. Thực ra thì ngày đó dì vẫn sống với ngoại đấy thôi, ngày nào chẳng nhìn thấy mặt nhau sao còn giấu chi lọn tóc? Ngoại cười than “nhiều khi thấy bóng đó mà chưa thấy người đâu”. Dì nghe chuyện thì cười bảo “ôi dào, chấp làm gì bà già hoài cổ”. Rồi đứng trước gương vuốt lại mái tóc ngắn cũn cỡn như đàn ông, dì ngoảnh sang hỏi “trông có cá tính không?”. Tôi đã định buông một lời khen nhưng chợt nhớ đến ánh mắt của ngoại mà bỗng nhiên khựng lại. Sáng nào ngoại cũng nhìn theo dáng dì phi xe máy ầm ầm ra ngõ. Ánh mắt như đọng lại từng giọt sau gáy dì, chiếc gáy trắng gần trống hoác không có sợi tóc nào buông xuống che đi. Ngoại đúng là hoài cổ, vẫn giữ cái nếp nghĩ gáy đàn bà không nên phơi trước mặt vạn người.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nói vậy mà không phải vậy. Chẳng qua ngoại tiếc mái tóc dài đen láy của dì. Tóc ngoại chăm từng ngày bằng hương bồ kết, bằng nắng mới tháng tư, nắng chiều tháng năm, nắng lưng lửng trưa tháng tám. Tóc trên đầu dì thật đấy nhưng lại là tài sản để dành của ngoại. Chẳng thế mà tôi đã quen với hình ảnh ngoại ngồi chải tóc cho dì trong khi dì mải mê đọc sách. Giờ sách dì không thích đọc, mái tóc dài cũng cắt pheng đi. Cắt là cắt đến kiệt cùng, tóc ngắn đi thì niềm vui của ngoại cũng cạn dần. Dì từng thở dài bảo “chiều sao được ngoại. Dì rồi cũng phải sống khác đi”. Sau mỗi lần thất tình dì lại mang mái tóc của mình ra vần vò đủ kiểu. Nay nhuộm vàng, mai lại màu hung xoăn tít. Ngoại có nói thì dì bảo “con cắt ngắn đi để lúc vào chùa đỡ mất nhiều thời gian xuống tóc”. Tưởng dì bốc đồng nói chơi vậy thôi ai ngờ dì vào chùa thật. Ngoại không giữ được dì ngoài một lọn tóc xanh…

Tôi thích thứ ngôn ngữ mộc mạc của tóc. Nó được nhuộm bằng màu năm tháng thời gian và những vui buồn chắt chiu từng mùa vụ. Nó gợi cho người ta sự thương cảm trước mái tóc bù xù của người đàn ông góa vợ. Sự nhớ nhung trên mái tóc đen búi rối của người phụ nữ xa chồng. Gợi lên nỗi đau đớn khôn cùng khi thắt lên tóc một vành khăn tang trắng. Trong đám cưới tóc hát lời hạnh phúc e ấp dưới chiếc khăn voan của cô dâu dù trẻ hay già. Chẳng thế mà hồi dì còn ở nhà, có hôm từ buồng bước ra tôi bỗng lặng người trước ba mái đầu của ba thế hệ đang ngồi kề bên nhau. Không ai nói với ai câu gì nhưng hình như những sợi tóc đang cùng trò chuyện. Tóc bà màu mây, trắng từ những đêm khóc thương ông mất. Tóc mẹ từ lúc sinh ra đã quăn lại, giờ điểm thêm vài sợi bạc. Người đời hay quan niệm ai tóc xoăn là khổ nên có mấy lần mẹ định đổi đời bằng việc ngồi mấy tiếng ngoài quán chờ duỗi tóc. Nhưng tóc không chịu thẳng, vài ngày sau trở lại nếp bình thường. Mẹ thở dài than “tóc tai bù xù bảo sao cuộc đời không rối rắm”. Nếu mẹ khước từ mái tóc xoăn thì dì lại từng tha thiết. Nên mái tóc dì từng suýt chết chìm trong hóa chất nhiều lần. Tóc cũng biết tự xót xa mình khi sáng quét nhà thấy sợi vàng, sợi đen, sợi trắng rụng đầy từ chăn chiếu đến góc nhà, xó bếp.

Giờ đây tôi cũng mong tâm hồn dì thanh thản, quên hết mọi muộn phiền giữa cuộc đời phàm tục. Nhưng lại xót xa bà khi bao nhiêu thương nhớ về dì chỉ biết gói gọn trong lọn tóc…

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

;
.
.
.
.
.