Can thiệp quân sự vào Venezuela: Kịch bản rủi ro với Tổng thống Trump

.

Nếu Mỹ quyết định can thiệp quân sự vào cuộc khủng hoảng hiện nay tại Venezuela, giới phân tích cho rằng Washington sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức và lặp lại bài học như từng xảy ra với Iraq. 

Người biểu tình tại thủ đô Caracas của Venezuela. (Ảnh: Getty)
Người biểu tình tại thủ đô Caracas của Venezuela. (Ảnh: Getty)

Tổng thống Donald Trump đã công nhận Juan Guaido, thủ lĩnh phe đối lập tại Venezuela, là “tổng thống hợp pháp” của quốc gia Nam Mỹ. Động thái này diễn ra ngay sau khi ông Guaido, lãnh đạo quốc hội Venezuela, tự nhận là tổng thống lâm thời hôm 23-1, bất chấp sự phản đối của chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Nicolas Maduro.

Sự công nhận của ông chủ Nhà Trắng làm dấy lên nhiều suy đoán rằng Mỹ có thể sẽ can thiệp vào cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị đang diễn ra tại Venezuela. Ước tính 250.000 người dân Venezuela đã rời bỏ đất nước để tìm kiếm cơ hội mới tại các quốc gia láng giềng, trong khi hàng nghìn người khác vẫn đang rời đi mỗi ngày.

Ngày 24-1, chính quyền Trump tuyên bố “mọi phương án đều đang được xem xét” đối với Venezuela. Điều này đồng nghĩa với việc can thiệp quân sự cũng là một lựa chọn mà Mỹ có thể tính đến.

Cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy kịch bản can thiệp quân sự vào Venezuela đang được Mỹ lên kế hoạch. Tuy nhiên, các cuộc nghiên cứu đã chỉ ra rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm lật đổ chính quyền Maduro rất có thể sẽ kết thúc bằng việc quân đội Mỹ hiện diện lâu dài tại quốc gia Nam Mỹ này, dù cho các nhà hoạch định chính sách có lên kế hoạch cho điều đó hay không.

Nỗ lực thất bại

Mặc dù lịch sử khu vực Mỹ Latinh từ lâu đã chứng kiến các sứ mệnh nhằm “thay đổi chế độ”, song can thiệp quân sự từ bên ngoài hiếm khi thành công trong việc buộc một quốc gia nào đó phải thay đổi hệ thống chính trị của họ. Hai nhà khoa học chính trị Alexander Downes và Lindsey O’Rourke gần đây đã giải thích lý do việc thay đổi chế độ không hiệu quả tại Iran cũng như vì sao kịch bản này hiếm khi thành công tại bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Thay đổi chế độ của một quốc gia sẽ nhanh chóng thất bại khi các thế lực bên ngoài tìm cách xây dựng các thể chế nội bộ mới tại chính quốc gia đó. Thực tế, điều này thường dẫn tới các cuộc nội chiến như những gì đã xảy ra tại Iraq. Thậm chí các chiến dịch thay đổi chế độ ngầm sẽ dẫn tới sự phản kháng nhằm vào chính thế lực đứng sau chiến dịch đó và khiến họ thất bại trong việc đạt được mục tiêu.

Theo Washington Post, tại Mỹ Latinh, nơi Mỹ có lịch sử can thiệp vào công việc của các quốc gia khác, nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng những nỗ lực của Washington càng làm trầm trọng thêm mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và quốc gia mà Mỹ can thiệp.

Ngay cả khi lực lượng quân sự nước ngoài chiếm đóng quốc gia mà họ can thiệp, kịch bản thay đổi chế độ chính trị thành công càng khó xảy ra hơn. Người dân tại chính những nước này thường phẫn nộ trước lực lượng chiếm đóng đang tìm cách thay đổi thể chế của họ, từ đó ấp ủ các phong trào kháng chiến và khiến lực lượng quân sự nước ngoài gặp khó khăn nhiều hơn trong việc rút quân.

Ngay cả các chuyên gia với bề dày kinh nghiệm về một đất nước nào đó cũng không thể hiểu hết những điều kiện cụ thể tại chính địa phương đó, cũng như không thể dự đoán được phản ứng của người dân khi đối mặt với việc thế lực bên ngoài can thiệp quân sự vào đất nước của họ. Chính tâm lý mơ hồ này đã “che mắt” các nhà hoạch định chính sách tại Washington, khiến họ đưa ra những giả thuyết lạc quan về kịch bản Mỹ can thiệp quân sự vào một nước khác.

Đây là lý do khiến nhiều người Mỹ, bao gồm cả cựu Phó Tổng thống Richard B. Cheney, từng tự tin nói rằng người dân Iraq sẽ chào đón Mỹ với tư cách là “những người giải phóng” khi Washington đưa quân vào quốc gia Trung Đông. Vào thời điểm đó, họ đã không nhìn ra viễn cảnh Iraq chìm trong một cuộc nội chiến dai dẳng như thế nào.

Khi các cường quốc nhận thấy sự chia rẽ mạnh mẽ tại một quốc gia nào đó, như trong trường hợp của Venezuela hiện tại, họ thường cho rằng việc thay đổi chế độ sẽ không quá tốn kém và phe đối lập sẽ vui vẻ hợp tác với họ. Tuy nhiên, theo Washington Post, đây là một nhận định sai lầm.

Bài học Iraq

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. (Ảnh: LAT)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. (Ảnh: LAT)

Theo Benjamin Denison, nhà nghiên cứu về an ninh quốc tế và chính sách đối ngoại Mỹ tại Đại học Dartmouth, chỉ sau khi lực lượng quân sự của một nước đặt chân tới một nước khác, họ mới đánh giá chính xác các điều kiện tại nước đó và nhận ra họ gặp khó khăn như thế nào trong việc đạt được các mục tiêu chính trị do lãnh đạo của họ đề ra.

Thông thường, các lực lượng địa phương không đủ năng lực như các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng và thế lực bên ngoài buộc phải xây dựng các thể chế cũng như lớp lãnh đạo tại nước sở tại, nếu không nước đó sẽ trở nên bất ổn và rơi vào vòng xoáy nguy hiểm. Điều này đã xảy ra với sứ mệnh của Mỹ hòng thay đổi chế độ tại Iraq.

Trường Cao đẳng Tác chiến Lục quân Mỹ mới đây đã công bố một loạt tài liệu mật về chiến tranh Iraq. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ khi đó cho rằng sau khi Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ, bộ máy chính quyền đang vận hành tại Iraq sẵn sàng tiếp quản vai trò lãnh đạo và các lực lượng quân sự Mỹ sẽ nhanh chóng rút quân về nước.

Tuy nhiên, các lực lượng Mỹ chiếm đóng tại Iraq phát hiện ra rằng những gì còn sót lại tại quốc gia Trung Đông này là một bộ máy chính quyền yếu kém, vốn phụ thuộc chặt chẽ vào sự lãnh đạo của Tổng thống Hussein trước đây. Mỹ không có phương án dự phòng và buộc phải hiện diện lâu dài tại Iraq để giúp tái thiết đất nước.

Tổng thống Trump từng tuyên bố ông muốn rút Mỹ khỏi các sứ mệnh chiếm đóng kéo dài, bắt đầu bằng việc rút quân tạm thời khỏi Afghanistan và Syria. Rõ ràng, ông Trump có thể không hứng thú với việc phát động một chiến dịch chiếm đóng kéo dài tại Venezuela. Tuy nhiên, vẫn có khả năng chính quyền Mỹ tự tìm cách biện hộ cho hành động của mình và thực hiện sứ mệnh thay đổi chế độ tại Venezuela mà không nhận thức được rằng họ sẽ nhanh chóng bị sa lầy.

Bài toán Venezuela

Với diện tích lớn gấp 2 lần và dân số ít hơn một chút so với Iraq, Venezuela đang đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế, chính trị và nhân đạo. Bất kỳ kế hoạch can thiệp quân sự nào của Mỹ vào Venezuela đòi hỏi Washington phải có sự chuẩn bị tương đương với Iraq về quy mô, tức là khoảng hơn 100.000 quân nếu được triển khai.

Quân đội Mỹ có thể không được chào đón tại Venezuela. Một cuộc khảo sát được tiến hành hồi tháng 2 cho thấy phần lớn người dân Venezuela phản đối việc Mỹ can thiệp vào đất nước của họ. Tuy nhiên nếu thực sự có ý định can thiệp, quân đội Mỹ phải chuẩn bị cho kịch bản hiện diện lâu dài tại Venezuela.

Mạng lưới điện, rác thải, trường học, bệnh viện và các cơ sở hạ tầng xã hội cơ bản của Venezuela đều xuống cấp. Nạn buôn bán ma túy thịnh hành biến Venezuela thành điểm trung chuyển chính của ma túy tới châu Âu và Mỹ, trong khi tình trạng thực thi pháp luật tại Venezuela vẫn lỏng lẻo. Xét đến một vài yếu tố trên, việc tái thiết Venezuela đòi hỏi một quá trình lâu dài và Mỹ sẽ phải suy tính tới bài toán này.

Theo tướng Douglas Fraser, chỉ huy Bộ Tư lệnh Nam Mỹ từ năm 2009 - 2012, can thiệp quân sự vào Venezuela là quyết định sai lầm của Mỹ vào lúc này. Theo tướng Fraser, Mỹ nên hợp tác cùng các đồng minh và đối tác khu vực để giúp Venezuela đối phó với khủng hoảng, thay vì can thiệp quân sự.

Theo Dân trí

;
;
.
.
.
.
.