.

Bệnh "tặc lưỡi"

.

Đây là một căn bệnh khá phổ biến hiện nay, có thể bắt gặp nó ở nhiều nơi, nhiều đối tượng. Nó không gây nguy hiểm đến mức gây chết người, nhưng nếu để lây lan nhanh, nhiễm vào nhiều đối tượng, nhất là những đối tượng là cán bộ, công chức Nhà nước, thì hậu quả không thể xem nhẹ, nhất là khi trở thành căn bệnh mãn tính, ít được ai quan tâm để chữa trị.

Có thể điểm mặt triệu chứng phổ biến của căn bệnh này. Những người mắc căn bệnh này thường có biểu hiện trong hội họp, sinh hoạt, công tác mặc dù biết hành vi nào đó là sai trái, đồng nghiệp, đồng chí mình làm như vậy là chưa đúng và nhất là khi thấy thủ trưởng, cấp trên của mình làm sai… thì họ đều “tặc lưỡi” cho qua, không có ý kiến gì, không phản đối, cũng không tán thành. Điều đó cũng tương tự như câu “nhất ngồi lỳ, nhì đồng ý”, hoặc một biểu hiện của một căn bệnh khác cũng khá nguy hiểm là bệnh “mackeno” (mặc kệ nó).

Ở một trường hợp khác, lãnh đạo thấy cấp dưới làm sai nhưng vì xuê xoa, không kiên quyết, hay vì nể nang, tình cảm mà cũng “tặc lưỡi” cho qua; mặc dù nếu nghiêm túc phải kiểm điểm, nhắc nhở, thậm chí phải có hình thức kỷ luật. Có người lại cho rằng có góp ý, phê bình, đấu tranh cũng chẳng thu được lợi lộc gì, nhiều khi lại chuốc họa vào thân khi gặp vị sếp có tính thích “trù dập”, nhiễm  “bệnh thành tích”, không khéo lại mất chỗ làm, mất chức, chậm lên lương. Và thế là, thượng sách vẫn là “tặc lưỡi” cho yên chuyện.

Chính vì “căn bệnh” này mà đã có những tập thể, những chi bộ, đơn vị… sai phạm, khuyết điểm nghiêm trọng nhưng ở đó ai cũng “tặc lưỡi”, hoặc số người “tặc lưỡi” nhiều hơn số người lên tiếng thể hiện chính kiến của mình. Và cứ thế, thành tích ảo “liên tục phát triển”, danh hiệu thi đua cứ liên tục được nhận, chức tước cứ tiếp tục được phong… Để rồi khi vỡ lở ra, nó như cái ung nhọt vì bị bưng bít lâu ngày, đến khi bục phát làm “ô nhiễm môi trường” và “hết thuốc chữa”.

Cứ như vậy, nhiều cái “tặc lưỡi” dẫn đến trật tự kỷ cương phép nước không nghiêm, tình người không trọn vẹn, xã hội chậm tiến lên văn minh, hiện đại…

Tóm lại, “bệnh tặc lưỡi” - một biểu hiện của chứng thấy sai trái không lên án, thấy điều xấu không ngăn chặn, từ đó dẫn đến tội ác lúc nào không hay. Cứ như vậy nó lây lan, phát triển làm cho xã hội thêm nguy cơ  tụt hậu, tiêu cực chậm được phát hiện, xử lý. Thiết nghĩ, để có một Nhà nước trong sạch vững mạnh, cần có biện pháp ngăn chặn, chữa trị tới nơi tới chốn “căn bệnh” này.

Dân Hùng

;
.
.
.
.
.