Đà Nẵng hội nhập và hợp tác quốc tế

Hội nhập và hợp tác quốc tế định vị Đà Nẵng trong bối cảnh mới

.

Trao đổi với Báo Đà Nẵng về đề án “Hội nhập và hợp tác quốc tế thành phố Đà Nẵng đến năm 2030” do UBND thành phố ban hành ngày 26-12-2023 tại Quyết định số 2887/QĐ-UBND, Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Xuân Bình khẳng định, đề án là cơ sở giúp thành phố Đà Nẵng phát huy sự chủ động thích ứng và linh hoạt trong triển khai hoạt động đối ngoại phù hợp với đường lối chung, đồng thời nâng tầm hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế phù hợp với tầm nhìn phát triển của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030.

Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Xuân Bình
Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Xuân Bình.

* Sở Ngoại vụ là cơ quan tham mưu UBND thành phố xây dựng và ban hành đề án “Hội nhập và hợp tác quốc tế thành phố Đà Nẵng đến năm 2030”. Vậy sự cần thiết ban hành đề án này là gì, thưa ông?

- Hội nhập quốc tế là quyết sách chính trị đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đã mang lại sự thay đổi to lớn trong mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của nước ta. Nhìn lại chặng đường đổi mới đất nước, có thể thấy tư duy, nhận thức và chính sách hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta liên tục được bổ sung, hoàn chỉnh và phát triển, phù hợp với từng chặng đường phát triển và đổi mới của đất nước.

Trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển chiến lược đến năm 2030, hội nhập quốc tế của các địa phương nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng cũng không ngừng phát triển, việc xây dựng một kế hoạch tổng thể, dài hạn về hội nhập và hợp tác quốc tế có ý nghĩa rất quan trọng cả về lý luận và thực tiễn vì những lý do cơ bản sau.

Thứ nhất, tạo sự liên thông, đồng bộ giữa hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế của thành phố Đà Nẵng với việc triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, đó là “Độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế”, “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”; “Thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả”. Đồng thời, góp phần cụ thể hóa các đường lối định hướng lớn của Trung ương phù hợp với tình hình và định hướng phát triển của địa phương.

Thứ hai, giúp thành phố Đà Nẵng nâng cao khả năng chủ động thích ứng với tình hình thế giới, khu vực từ nay đến năm 2030, được dự báo sẽ có nhiều biến động phức tạp và khó lường. Năng lực thích ứng linh hoạt trên cơ sở dự báo tổng hợp các xu hướng lớn đang trở thành tiêu chí hàng đầu về quản trị, bao gồm quản trị ở cấp địa phương.

Thứ ba, giúp Đà Nẵng xây dựng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023-2030 thích ứng với các xu hướng lớn trên thế giới, từ đó kết hợp nội lực và ngoại lực tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần củng cố nội lực và nâng cao tính tự cường của thành phố. Giai đoạn từ nay đến năm 2030 cũng là giai đoạn phát triển chiến lược của đất nước, do đó công tác hội nhập và hợp tác quốc tế cần bám sát bối cảnh mới và các định hướng phát triển của đất nước.

Thứ tư, góp phần nâng cao năng lực bảo đảm an ninh và chủ quyền biển, đảo trong bối cảnh có nhiều thách thức mới đối với an ninh, chủ quyền quốc gia.

Thứ năm, tối ưu hóa nguồn lực của thành phố Đà Nẵng dành cho công tác hội nhập và hợp tác quốc tế thông qua kết nối, phân công, phân nhiệm giữa các lĩnh vực theo một mục tiêu chung. Đồng thời, tránh chồng chéo trong hoạt động triển khai theo sự điều phối chung, trong khi vẫn phát huy được sự chủ động, sáng tạo của các đơn vị liên quan.

* Đề án xác định mục tiêu Đà Nẵng hội nhập và hợp tác quốc tế đến năm 2030 như thế nào?

- Đề án hội nhập và hợp tác quốc tế thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 xác định mục tiêu giúp thành phố tranh thủ ngoại lực, phát huy nội lực để phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, và khai thác vai trò cực tăng trưởng chủ chốt, kết nối chặt chẽ với các tỉnh, thành phố của khu vực, dẫn dắt khu vực miền Trung và Tây Nguyên cùng phát triển, đóng góp cho sự ổn định chung của an ninh quốc gia, sự lớn mạnh chung của kinh tế cả nước, và nâng tầm chất lượng đời sống xã hội toàn dân.

Đề án tạo khung chiến lược tổng thể của hội nhập và hợp tác quốc tế xuyên suốt các ngành, lĩnh vực mũi nhọn của thành phố Đà Nẵng; là cơ sở cho các sở, ban ngành, đoàn thể triển khai các hoạt động cụ thể về hợp tác quốc tế; đóng góp trực tiếp vào đường hướng phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố Đà Nẵng từ nay đến năm 2030.

Lễ trao bản ghi nhớ về hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn giữa Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn thành phố Đà Nẵng và Tập đoàn Synopsys International Limited tại sự kiện “Meet Da Nang 2024”. Ảnh: V.HOÀNG
Lễ trao bản ghi nhớ về hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn giữa Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn thành phố Đà Nẵng và Tập đoàn Synopsys International Limited tại sự kiện “Meet Da Nang 2024”. Ảnh: V.HOÀNG

* Thành phố xác định các nội dung hội nhập và hợp tác quốc tế là gì và giải pháp cụ thể như thế nào để triển khai thực hiện các nội dung ấy trong thời gian đến?

- Đề án bám sát chủ trương Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2-22-2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 và các định hướng hội nhập của Trung ương và thành phố.

Đề án hội nhập và hợp tác quốc tế thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 xác định 4 nội dung chủ yếu và các nhóm giải pháp triển khai thực hiện.

Ở nội dung hội nhập về chính trị, quốc phòng, an ninh có 5 nhóm giải pháp: Tuyên truyền nâng cao nhận thức và hình thành đồng thuận xã hội về hội nhập và hợp tác quốc tế; nâng cao hiệu quả triển khai hội nhập và hợp tác quốc tế; thúc đẩy mở rộng mạng lưới đối tác hội nhập; tăng cường liên kết vùng, phát huy vai trò tiên phong, dẫn dắt của Đà Nẵng, phấn đấu trở thành trung tâm hội nhập và hợp tác quốc tế của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa đối ngoại, an ninh, quốc phòng trong hội nhập và hợp tác quốc tế; đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế nhằm ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Nội dung hội nhập kinh tế quốc tế của Đà Nẵng có 6 nhóm giải pháp tổng thể: Hoàn thiện thể chế; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh các liên kết kinh tế như liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương của Đà Nẵng; thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế; bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng trong các tranh chấp kinh tế, thương mại và đầu tư với các đối tác nước ngoài; hội nhập trong các lĩnh vực tài chính-tiền tệ phù hợp với yêu cầu và trình độ phát triển của thành phố, huy động nguồn lực tài chính và củng cố hệ thống tài chính-tiền tệ.

Nội dung hội nhập về văn hóa, giáo dục - đào tạo và y tế thực hiện các giải pháp: Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành “một trong những trung tâm văn hóa-thể thao, giáo dục-đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học-công nghệ phát triển của đất nước; trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống” (Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị) và “xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực của vùng, xây dựng Đại học Đà Nẵng trở thành đại học quốc gia (Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3-11-2022 của Bộ Chính trị).

Gắn kết hội nhập văn hóa với hội nhập kinh tế, phát triển du lịch và các lĩnh vực khác; góp phần tạo sức lan tỏa và nâng cao hiệu quả hội nhập; phát triển những mô hình, phương thức hoạt động văn hóa đối ngoại đa dạng, hiệu quả để giới thiệu các giá trị văn hóa Việt Nam và Đà Nẵng ra thế giới. Chủ động, tích cực tham gia các khuôn khổ hợp tác đa phương và hợp tác song phương trong các lĩnh vực văn hóa-xã hội; thu hút nguồn lực và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn thành phố; tham gia triển khai các mục tiêu của Cộng đồng văn hóa-xã hội ASEAN.

Nghiên cứu tham vấn các chuyên gia về khung chuẩn nghề ASEAN, đặc biệt là chuẩn nghề liên quan đến 5 lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng để triển khai chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng trình độ chuẩn ASEAN. Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút lao động trình độ cao từ nước ngoài về sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng. Đổi mới tái cấu trúc giáo dục để hình thành được một số cơ sở giáo dục đạt đẳng cấp quốc tế; phấn đấu có cơ sở giáo dục có thể tham gia vào mạng lưới các trường đại học danh tiếng trong khu vực và thế giới. Thu hút nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư, phát triển hệ thống y tế chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế tại Đà Nẵng; khuyến khích các bệnh viện uy tín quốc tế thành lập chi nhánh tại thành phố.

Ở nội dung hội nhập trong lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu cần triển khai: Xây dựng kế hoạch tổng thể của thành phố trong thích ứng với các tiêu chuẩn mới như Thuế tối thiểu toàn cầu, các quy định về thẩm định tính bền vững của chuỗi cung ứng, các sáng kiến về chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển bền vững... Triển khai hiệu quả kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; tích cực tham gia hội nhập và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

* Cảm ơn ông dành cho Báo Đà Nẵng cuộc phỏng vấn này!

T.PHƯƠNG - S.TRUNG thực hiện

;
;
.
.
.
.
.