Hiện nay, thành phố đã đưa vào sử dụng kho kết quả thủ tục hành chính (TTHC) số chứa dữ liệu và kết quả TTHC số có giá trị pháp lý như bản giấy. Kho dữ liệu này được chia sẻ cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết TTHC cũng như người dân, doanh nghiệp để sử dụng lại, qua đó có cắt giảm một số TTHC.
Giao dịch tại bộ phận “Một cửa” quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: XUÂN HẬU |
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Trung Sơn, năm 2023, UBND thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trong quá trình triển khai xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, triển khai thực hiện đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn thành phố. Đáng chú ý, UBND thành phố ban hành quy định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước về thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) thành phố Đà Nẵng để tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo của mỗi cơ quan, đơn vị, gắn kết quả thực hiện công tác CCHC với đánh giá người đứng đầu.
Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Ngọc Thạch, công tác xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số được UBND thành phố đặc biệt quan tâm, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp tối ưu trong chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Qua đó, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong năm 2023. UBND thành phố đã ban hành danh mục dữ liệu mở thành phố Đà Nẵng, theo đó dữ liệu mở của thành phố được cung cấp tập trung, thống nhất với gần 600 tập dữ liệu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội phục vụ người dân, doanh nghiệp tra cứu, khai thác (qua API, web, SMS, Zalo).
Đặc biệt, với việc xây dựng và đưa vào sử dụng kho kết quả TTHC số chứa dữ liệu và file kết quả TTHC số có giá trị pháp lý như bản giấy; chia sẻ cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết TTHC và người dân, doanh nghiệp (đã sử dụng TTHC) để sử dụng lại, từ đó có cắt giảm một số TTHC như: các thủ tục cấp lại do hư hỏng, mất (toàn thành phố có khoảng 190 thủ tục, chiếm 10% tổng số TTHC các loại); thực hiện ngay trong ngày đối với thủ tục cấp đổi (toàn thành phố có khoảng 180 thủ tục); không yêu cầu người dân, doanh nghiệp nộp bản giấy thành phần hồ sơ đối với kết quả số đã có. Kho có 2 phân hệ chính gồm phân hệ tự động nhận kết quả TTHC phát sinh mới và đã ký số từ phần mềm một cửa điện tử sau khi hồ sơ được xác nhận hoàn thành và phân hệ để cơ quan có thẩm quyền giải quyết TTHC số hóa kết quả TTHC trước đây. Ứng dụng này đã đạt giải thưởng Chuyển đổi số xuất sắc Việt Nam năm 2023.
Trong năm 2023, đã có 190/1.919 TTHC được cắt giảm thông qua kế thừa dữ liệu số, đạt tỷ lệ 9,9%. Thành phố cũng đặt mục tiêu trong năm 2024, tỷ lệ này tăng lên 15% và đến năm 2025 là 20%. Đối với tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết TTHC, thành phố hoàn thành vượt mức 100% kết quả mới năm 2023 và 56% kết quả năm 2020-2022. Cùng với đó, thành phố đã đưa vào sử dụng thêm chức năng thông báo các trạng thái hồ sơ dịch vụ công cho người dân qua zalo, người dân có thể chủ động xử lý, bao gồm 5 trạng thái hồ sơ: (1) hồ sơ đã nộp (2) hồ sơ cán bộ một cửa đã tiếp nhận (3) hồ sơ đã bị từ chối (4) hồ sơ yêu cầu bổ sung (5) hồ sơ đã xử lý xong, đề nghị nhận kết quả.
Theo Trưởng phòng Nội vụ quận Ngũ Hành Sơn Phạm Thị Lệ Thủy, hiện quận Ngũ Hành Sơn đang đẩy nhanh tiến độ triển khai cung cấp dữ liệu mở trên cổng dữ liệu thành phố và số hóa kết quả giải quyết TTHC. Với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và của cả hệ thống chính trị, quận đang nỗ lực mỗi ngày trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số để mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân. Tại quận Sơn Trà, năm 2023, tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết TTHC thuộc quận đạt 98,88%, khối phường đạt 99,80% tính đến cuối tháng 10-2023.
Tổ chức thu thập, số hóa, tạo lập dữ liệu mở Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Ngọc Thạch cho biết, với việc ban hành danh mục dữ liệu mở thành phố, thành phố đã tổ chức thu thập, số hóa, tạo lập dữ liệu mở theo danh mục, kế hoạch, lộ trình ban hành; xây dựng các tài liệu đặc tả thông tin chia sẻ dữ liệu; thực hiện kết nối, tích hợp, cung cấp dữ liệu mở về cổng dữ liệu mở thành phố. Thành phố tổ chức tọa đàm về kết nối và chia sẻ dữ liệu theo nguyên tắc mở và an toàn; tập huấn cho các cơ quan, đơn vị về triển khai cung cấp, sử dụng dữ liệu mở qua cổng dữ liệu mở thành phố. Đến nay đã có 55 cơ quan đã ban hành kế hoạch triển khai danh mục dữ liệu mở của các cơ quan, đơn vị, gồm 15/25 sở, ban, ngành, 7/7 UBND các quận, huyện, 33/56 UBND các xã, phường. Theo đó, đã có 73 cơ quan, đơn vị (gồm 12 sở, ban, ngành, 6 UBND các quận, huyện và 52 UBND các phường xã và 3 cơ quan Trung ương trên địa bàn thành phố) công khai dữ liệu trên cổng dữ liệu thành phố. |
TRỌNG HUY