Thanh tra TP. Huế chỉ ra những sai phạm trong giải quyết thủ tục các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn.
Thanh tra TP Huế chỉ ra nhiều sai phạm, thiếu sót trong quá trình giải quyết thủ tục để triển khai thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn. Ảnh: Phúc Đạt. |
Nhiều sai phạm
Ngày 8-1, nguồn tin PV Báo Lao Động có được, Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế (từ 1-1-2025, Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và đổi tên thành Thanh tra TP Huế) vừa ban hành kết luận thanh tra (KLTT) về trách nhiệm thực hiện công vụ trong quá trình giải quyết thủ tục để triển khai thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn. Thời kỳ thanh tra từ ngày 1-1-2023 đến 30-6-2024.
Theo KLTT, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của mình, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh (BQL Khu kinh tế), Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TNMT), Sở Xây dựng cùng các cơ quan, tổ chức có liên quan vẫn còn tồn tại nhiều thiếu sót và sai phạm trong giải quyết thủ tục hành chính.
Qua kiểm tra việc tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đối với 20 thủ tục/8 lĩnh vực thuộc trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết của BQL Khu Kinh tế, Sở TNMT, Sở Xây dựng, cho thấy có nhiều sai sót, chưa đảm bảo quy trình, quy định. Theo đó: Cán bộ, công chức tham gia quá trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thực hiện không đầy đủ việc ký, ghi rõ họ tên, ngày, giờ giao nhận hồ sơ trên phiếu tiếp nhận và hẹn trả kết quả, phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ, phiếu xin lỗi và hẹn lại ngày trả kết quả theo quy định; Cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ kiểm tra, cập nhật tiến độ giải quyết TTHC chưa cập nhật đầy đủ tiến độ xử lý từng hồ sơ trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Thừa Thiên Huế...
Chưa thực hiện đúng quy định, gây kéo dài thời gian cho nhà đầu tư
Đối với thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh (Ban Quản lý) có 6 hồ sơ/5 dự án phát sinh trong thời kỳ thanh tra. Trong đó, có 2 trường hợp trả hồ sơ, từ chối giải quyết, gồm:
Đối với "Dự án Nhà máy nước Lộc Thủy", Ban Quản lý đang rà soát và cập nhật dự án vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 huyện Phú Lộc và lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư xã hội hóa. Dự án "Đấu nối 110kV sau TBA 220kV Chân Mây" liên quan đến nhiều nguồn vốn, trong đó có vốn nhà nước quản lý, nên Ban Quản lý chưa có cơ sở xem xét, thụ lý.
Kết quả kiểm tra 4 hồ sơ còn lại cho thấy, có 2 hồ sơ thuộc thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, 2 hồ sơ xác định sai thủ tục.
Thiếu sót, sai phạm chung: Trước khi quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư theo thẩm quyền quy định, Ban Quản lý lập báo cáo kèm toàn bộ hồ sơ gửi UBND tỉnh để xem xét, quyết định thống nhất cho tất cả các dự án theo quy định tại khoản 5 Điều 10 Quy định về trình tự thủ tục thực hiện, giám sát, quản lý dự án đầu tư và xây dựng không sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn Khu kinh tế, Khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, việc này không đúng với các quy trình, quy định của Luật Đầu tư năm 2020, Nghị định 31 năm 2021 của Chính phủ, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật,…
Việc báo cáo và cung cấp hồ sơ đối với 5 dự án đầu tư ngoài ngân sách nằm trong Khu Kinh tế, công nghiệp phục vụ hoạt động thanh tra của BQL Khu Kinh tế chưa đầy đủ, ảnh hưởng đến kết quả chung của cuộc thanh tra. Trách nhiệm này thuộc về Trưởng Ban BQL Khu Kinh tế và cán bộ có liên quan.
Ngoài ra, đối với các lĩnh vực khác như quy hoạch kiến trúc, hoạt động xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng tại BQL Khu Kinh tế, Sở Xây dựng vẫn còn một số tồn tại, sai sót. Sở TNMT, BQL Khu Kinh tế chưa thực hiện đúng quy định trong giao đất, cho thuê đất; việc giải quyết thủ tục thuộc lĩnh vực môi trường chưa được Sở TNMT, BQL Khu Kinh tế thực hiện đúng quy trình, quy định, gây kéo dài thời gian cho nhà đầu tư.
Đối với lĩnh vực địa chất và khoáng sản, Sở TNMT tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2506 ngày 21.10.2023, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC liên quan đến cấp phép khai thác, thăm dò và phê duyệt trữ lượng khoáng sản. Tuy nhiên, quy trình chưa cụ thể hóa thời gian từng khâu như hướng dẫn của Bộ TNMT, dẫn đến việc trả hồ sơ không đúng quy định. Sở TNMT cũng thành lập Hội đồng tư vấn kỹ thuật khi chưa được UBND tỉnh ủy quyền, vi phạm quy định. Một số hồ sơ xử lý chậm, trả kết quả sai quy định. Trách nhiệm thuộc Giám đốc Sở TNMT, Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản và cán bộ liên quan.
Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư và nhà đầu tư với thời hạn hoạt động dự án không đúng quy định. Trách nhiệm thuộc Giám đốc Sở, Trưởng phòng Doanh nghiệp, Kinh tế tập thể và tư nhân, cùng các cán bộ liên quan.
Theo laodong.vn