Cùng với sự phát triển của thành phố, hạ tầng giao thông của Đà Nẵng không ngừng được xây dựng và mở rộng, đặc biệt từ sau ngày thành phố trực thuộc Trung ương (1-1-1997). Hàng ngàn con đường đã đưa vào sử dụng và tiếp tục đầu tư xây dựng mới.
![]() |
Ảnh: QUANG NAM |
Những con đường mở rộng thênh thang...
Sau hàng chục năm phát triển và đổi mới, “bức tranh” hạ tầng giao thông của Đà Nẵng đã thay đổi hoàn toàn. Thành phố có đủ 5 phương thức vận tải đang khai thác là đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường biển và hàng không. Đà Nẵng cũng là địa phương có hạ tầng giao thông đa dạng và đồng bộ với tổng số 2.845 tuyến đường trên chiều dài 1.621km.
Theo Sở Giao thông vận tải, giai đoạn từ 1986-1996 là lúc ngành giao thông bước vào thời kỳ chuyển mình đi lên để hội nhập cùng công cuộc đổi mới của đất nước. Dấu ấn rõ nét trong giai đoạn này là cơ bản hoàn thiện liên thông hệ thống giao thông trên toàn địa bàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Từ trung tâm thành phố đều có đường về các huyện trong tỉnh và từ các huyện đều có đường về đến xã và các xã có đường về đến thôn bản.
Bên cạnh mở rộng hệ thống giao thông, công tác duy tu sửa chữa luôn được duy trì. Đây cũng là giai đoạn mở đầu cho thời kỳ thành phố triển khai chỉnh trang đô thị theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2010, trong đó hạ tầng giao thông tiếp tục được thực hiện đi trước một buớc. Khởi đầu là mở đường Điện Biên Phủ, Hàm Nghi, Nguyễn Văn Linh, đường 2 Tháng 9, đường Cách Mạng Tháng Tám… và tiếp đó là hàng loạt dự án nâng cấp các con đường lớn ở trung tâm như Nguyễn Thị Minh Khai, Đống Đa, Quang Trung,…
Đây được xem là những dự án góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt đô thị, để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc chỉnh trang đô thị những năm tiếp theo. Tính đến thời điểm cuối năm 1996, toàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng có 24 tuyến đường tỉnh, tổng chiều dài 840,9km; với các con đường chính như quốc lộ 1A qua thành phố (đèo Hải Vân - Hòa Phước) dài 37,2km; quốc lộ 14B qua thành phố (cảng Tiên Sa - Hòa Khương) dài 32,865km. Đường tỉnh có 5 tuyến (từ ĐT 601 đến ĐT 605) dài 109,996km...
Ngày 1-1-1997, Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, đó là một cột mốc lịch sử vô cùng quan trọng, đánh dấu và mở ra cho thành phố thời cơ và vận hội mới, tiếp thêm sức mạnh để Đà Nẵng vững bước tiến vào thời kỳ phát triển mới.
Bước đột phá đầu tiên của thành phố sau ngày trực thuộc Trung ương là xây dựng cơ sở hạ tầng. Với tầm nhìn chiến lược đó, thành phố đã ưu tiên đầu tư, tập trung đầu tư và phối hợp với các cơ quan Trung ương đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông thành phố. Ngay từ năm 1997, ngành giao thông đã triển khai, thực hiện 40 công trình hạ tầng giao thông, trong đó có các công trình trọng điểm như công trình xây dựng đường 2 Tháng 9 và đường Tiểu La (nay là đường 2 Tháng 9 - Cách Mạng Tháng Tám), công trình nâng cấp đường Trần Cao Vân, công trình nâng cấp, mở rộng nút giao thông Ngã Ba Huế...
Cùng với đó, triển khai nhiều công trình trọng điểm như đường Điện Biên Phủ, đường Sơn Trà - Điện Ngọc (nay là đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa); đường Nguyễn Tri Phương nối dài (nay là đường Nguyễn Hữu Thọ); đường nối từ cầu Thuận Phước đến đường Sơn Trà - Điện Ngọc (nay là Lê Đức Thọ); đường Bạch Đằng - giai đoạn 2 (nay là đường Như Nguyệt); đường Lê Văn Hiến - Trần Đại Nghĩa; đường ĐT 602 (từ chợ Hòa Khánh đến Hòa Sơn); dự án đường Nguyễn Văn Linh đến Võ Nguyên Giáp (nay là đường Nguyễn Văn Linh, đường Võ Văn Kiệt).
Từ cuối năm 2008, Sở Giao thông vận tải bắt đầu triển khai huy động vốn đầu tư các dự án theo hình thức hợp đồng chuyển giao - BT và đã triển khai thực hiện 7 dự án như đường vào khu du lịch Suối Mơ, đường vào Cụm công nghiệp Phước Lý, đường Nguyễn Tất Thành nối dài đến khu khu đô thị Quan Nam - Thủy Tú, đường Trần Hưng Đạo nối dài, đường Lê Trọng Tấn nối dài đến khu tái định cư Phước Lý 6...
Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật ở các khu vực dân cư kiệt, hẻm, nông thôn cũng được đầu tư nâng cấp, xây dựng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã góp phần giải quyết các yêu cầu bức xúc về giao thông, sinh hoạt của nhân dân các khu vực dân cư.
Đồng thời, ngành giao thông đã phối hợp với các cơ quan Trung ương triển khai, thực hiện các công trình trọng điểm của Trung ương đầu tư trên địa bàn như công trình cải tạo cầu Trần Thị Lý, hầm đường bộ Hải Vân, nâng cấp mở rộng quốc lộ 1A, nâng cấp đường vào cảng Tiên Sa và đoạn Túy Loan - Hòa Khương của tuyến quốc lộ 14B.
Nhìn chung, từ năm 1998 đến năm 2008, hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị phát triển nhanh, chất lượng dịch vụ công được nâng lên rõ rệt; mỗi năm chiều dài đường tăng trung bình 10,53%. Từ năm 2009 đến 2015, công tác quản lý, khai thác hạ tầng giao thông đô thị chuyển biến tích cực theo hướng đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhằm kiểm soát tốt công tác duy tu bảo dưỡng và xây dựng kế hoạch duy tu bảo dưỡng được chính xác, kịp thời.
Qua đó, tổ chức giao thông một chiều trên các tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, Lê Lợi, Phan Châu Trinh, phân làn đường riêng cho ô-tô, xe máy, xe thô sơ ở 36 tuyến cầu, đường quốc lộ 1A (đoạn từ Hòa cầm đến Trạm thu phí Hòa Phước); Nguyễn Văn Cừ (quốc lộ 1A); Nguyễn Lương Bằng (quốc lộ 1A); Tôn Đức Thắng (quốc lộ 1A); Trường Chinh (quốc lộ 1A); Ngô Quyền (quốc lộ 14B); Ngũ Hành Sơn (quốc lộ 14B); đường dẫn và cầu Tiên Sơn (quốc lộ 14B); 2 Tháng 9; Cách Mạng Tháng Tám (quốc lộ 14B); Trường Sơn (quốc lộ 14B); Lê Văn Hiến; 3 Tháng 2; Điện Biên Phủ; Nguyễn Văn Linh; Nguyễn Tri Phương; Nguyễn Hữu Thọ; Xô Viết Nghệ Tĩnh; Nguyễn Tất Thành; Bạch Đằng; Võ Chí Công; đường dẫn và cầu Nguyễn Tri Phương; Trần Đại Nghĩa; Hồ Xuân Hương; Võ Văn Kiệt; Duy Tân; Nguyễn Văn Trỗi - Trần Thị Lý; đường dẫn và cầu Trần Thị Lý; Yết Kiêu; 30 Tháng 4; Nguyễn Sinh Sắc; Xuân Thủy; Lê Đại Hành; Phạm Văn Đồng; Minh Mạng.
Nếu như năm 1997, chiều dài mạng lưới đường bộ trên địa bàn thành phố chỉ 423,2km thì đến năm 2015, mạng lưới đường bộ thành phố phát triển nhanh, đồng bộ theo hướng hiện đại, với chiều dài mạng lưới đường bộ là 1.218,6km. Tính đến cuối tháng 12-2024, trên địa bàn thành phố có 2.845 tuyến đường với tổng chiều dài 1.621,11km; trong đó: cao tốc 37,965km; quốc lộ 120,989km; đường tỉnh 68,713km; đường đô thị 1.238,709km; đường huyện, xã 110,74km và chuyên dùng 43,996km. Hiện tại, thành phố có hàng ngàn giao lộ, trong đó hàng trăm giao lộ có đèn giao thông.
Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng các tuyến đường
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải cho hay, cùng với việc xây dựng mới các tuyến đường vành đai, nâng cấp các tuyến đường tỉnh và đường xã, các tuyến đường đô thị, hệ thống giao thông nông thôn và kiệt, hẻm cũng được quan tâm đầu tư. Nhiều người cho rằng Đà Nẵng có mạng lưới giao thông hiệu quả và tiết kiệm nhất.
Có thể nói, công trình mở rộng đường Điện Biên Phủ từ 2 làn lên 4 làn ô-tô vào năm 1985, được coi là công trình “đầu tay” về giao thông đô thị sau năm 1975, mở đầu cho sự phát triển hạ tầng giao thông ngang tầm đô thị Đà Nẵng. Tuy nhiên phải đến khi các dự án đường Đông - Tây (đường Nguyễn Văn Linh), đường Bắc - Nam (đường Hàm Nghi - Lê Đình Lý) và đường Tiểu La nối dài (đường 2 Tháng 9), đường Bạch Đằng Đông (Trần Hưng Đạo) là những tuyến đường qua vùng ao hồ, ruộng trũng bờ tây và bờ đông sông Hàn được triển khai xây dựng vào những năm 1993-2000 thì hạ tầng giao thông Đà Nẵng mới thực sự chuyển mình.
Đó là các trục đường với quy mô từ 6-12 làn xe, xuyên qua các khu dân cư đông đúc, kết nối đến các vùng đất còn hoang sơ, nghèo khó của thành phố đã được triển khai xây dựng như đường Nguyễn Hữu Thọ, Lê Duẩn, Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Đồng, Ngô Quyền, Hoàng Sa, Trường Sa, Điện Biên Phủ, Lê Văn Hiến... hay Võ Văn Kiệt, Nguyễn Hữu Thọ nối dài. Các tuyến đường trên đều được xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng đô thị, trong đó các hạng mục đường dây, đường ống cấp nước, cấp điện, thông tin đều theo định hướng ngầm hóa.
Riêng đường Võ Văn Kiệt đã xây dựng hệ thống hào kỹ thuật hoàn chỉnh, hiện đại để bố trí công trình ngầm với chiều dài gần 10km. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông đối ngoại cũng liên tục được các cơ quan Trung ương đầu tư mở rộng, nâng cấp và xây dựng mới như quốc lộ 1A, hầm đường bộ Hải Vân, đường tránh nam hầm Hải Vân, quốc lộ 14B, cầu Tiên Sơn, nút giao thông khác mức Hòa Cầm, Ngã Ba Huế…
Thật khó để có thể liệt kê hết những con đường mà Đà Nẵng đã làm trong mấy mươi năm qua. Sự phát triển của Đà Nẵng hôm nay có phần đóng góp quan trọng của hạ tầng giao thông. Từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đến cao tốc Hòa Liên - Túy Loan, Hòa Liên - La Sơn; nâng cấp mở rộng quốc lộ 14B, làm mới đường vành đai phía nam, đường vành đai phía tây, vành đai phía tây 2; trục 1 tây bắc, ĐT 601, ĐT 602, đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan, các hầm chui Điện Biên Phủ, hầm chui phía tây cầy Trần Thị Lý, hầm chui Trần Phú, đường lên bán đảo Sơn Trà, Nguyễn Tất Thành nối dài… Cùng với đó, các dự án dự kiến sẽ triển khai trong thời gian tới như các công trình vượt sông Hàn; đầu tư mở rộng cầu Hòa Xuân, hầm chui qua sân bay…
Từ một thành phố sau chia tách tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng với hơn 300 con đường, đến nay Đà Nẵng có đến 2.845 tuyến đường, với những con đường đi vào tiềm thức của người dân như Bạch Đằng, Như Nguyệt, Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa...
THÀNH LÂN