Cảm nhận sâu sắc sau gần 50 năm xây dựng và phát triển từ sau ngày giải phóng là Đà Nẵng đã thực sự thay da đổi thịt, đã có một diện mạo khác và là một trong những địa phương có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển chung của cả nước. Đặc biệt, trong 28 năm vận hành theo cơ chế là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, thành phố đã có những đổi mới mạnh mẽ về tư duy và cách làm, đã phấn đấu chiếm lĩnh từng mục tiêu đề ra một cách vững chắc, đạt được nhiều kết quả quan trọng và tương đối toàn diện trên các lĩnh vực.
Trong những thành tựu của công cuộc xây dựng và phát triển thành phố suốt thời gian qua, vai trò của nhân dân là rất quan trọng.
![]() |
Ảnh: ANH DUY |
1.
Công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng, mở mang đô thị và vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân, với cái được lớn nhất là “được lòng dân” - nguồn cổ vũ to lớn trong mỗi bước đi của cộng cuộc xây dựng và phát triển thành phố, hướng đến “một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người…”.
Có một thời gian dài, khi nói đến Đà Nẵng là nói đến quy hoạch, phát triển đô thị, đặc biệt trong điều kiện khó khăn chung, nhưng Đà Nẵng vượt lên và đạt kết quả nổi bật trên lĩnh vực này. Có thể thấy, ngay từ đầu Đà Nẵng đã có một tầm nhìn về quy hoạch rõ ràng và có trách nhiệm nhất quán. Trên cơ sở nắm vững quy hoạch đó, đồng thời nắm chắc các nguồn vốn từ đất đai, ngân sách, thành phố đã có những quyết định đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn, quyết tâm cao, nỗ lực lớn đến cùng trong chỉnh trang hợp lý, hiện đại; trong đô thị hóa rất nhanh, nhưng nhanh trong trật tự, có kế hoạch, quy hoạch, nhanh trong quản lý tốt quá trình đô thị hóa.
Vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân được phát huy ngay trong những ngày đầu sau chia tách trong điều kiện kinh tế thành phố còn eo hẹp, đời sống đại bộ phận nhân dân còn thấp, kết cấu hạ tầng đô thị lạc hậu. Đầu tiên là chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, theo đó, thành phố vận động, nhân dân hưởng ứng đóng góp hàng trăm tỷ đồng, hàng vạn mét vuông đất để triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị (Nhân dân không nhận tiền đền bù về đất, chỉ đền bù phần kiến trúc xây dựng, vận động trên 80% hộ dân đồng tình thì triển khai).
Tiếp theo là chủ trương “tạo vốn từ quỹ đất” với gần 110.000 hộ dân (50% số hộ dân thành phố) trong vùng giải tỏa đã đồng ý di dời với ít nhiều nhận về mình sự thua thiệt đã đem lại hiệu quả quan trọng, khai thác tốt nguồn nội lực và tạo cho ngân sách nguồn vốn khá lớn để đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội; trong đó, hạ tầng giao thông được đầu tư nhanh, đi trước một bước theo hướng “kéo dài bờ biển, kéo dài dòng sông”, làm biến chuyển một thành phố từ thực trạng “quay lưng ra sông, ra biển”, sang một thành phố hiện đại “nhìn thẳng ra Biển Đông” của Tổ quốc.
Thành phố cũng nhanh chóng hoàn thành việc xóa những khu dân cư ổ chuột, khu nhà chồ nhếch nhác ven bờ sông Hàn, ven bờ biển Thuận Phước; mở rộng và xây mới hàng loạt các khu dân cư và khu đô thị mới; phát triển nhiều khu công nghiệp tập trung… làm tiền đề, điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư đến Đà Nẵng. Các chủ trương và mọi chỉ tiêu phát triển hằng năm đều có tính đến yếu tố bền vững, tăng trưởng kinh tế gắn với chất lượng cuộc sống của người dân và hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp. Càng về sau các quan điểm đúng trong xây dựng thành phố theo hướng hiện đại; thu hút đầu tư công nghệ cao, thân thiện môi trường, từ chối những dự án có khả năng gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo “… phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai…”; mạnh dạn đề ra mục tiêu xây dựng Đà Nẵng là thành phố yên bình, thành phố đáng sống v.v... dần được hình thành và triển khai thực hiện.
2.
Các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế luôn đặt người dân ở vị trí trung tâm; kết hợp hài hòa giữa phát triển toàn diện, đồng bộ với phát triển trọng điểm, giữa những vấn đề hiện tại với những vấn đề phục vụ cho phát triển lâu dài đã được thực hiện tốt ở Đà Nẵng.
Thể hiện trước hết, qua từng kỳ Đại hội Đảng bộ, nhiệm kỳ HĐND thành phố, bên cạnh phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp, các chỉ tiêu tổng hợp của kế hoạch hằng năm và 5 năm mà cả nước và mỗi tỉnh đều có, thì Đà Nẵng còn đưa được ra các đột phá chiến lược cho từng nhiệm kỳ, chương trình mục tiêu hành động cho từng giai đoạn, chủ đề phấn đấu cho từng năm rất rõ ràng, hợp lòng dân, dễ nhớ, dễ kiểm tra và kiên trì thực hiện: 12 chương trình thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; “thành phố 5 không”, “thành phố 3 có”, “thành phố 4 an”; “Năm công tác cán bộ và cải cách hành chính”, “Năm giải tỏa đền bù, tái định cư”, “Năm doanh nghiệp”, “Năm văn hóa, văn minh đô thị”… đều được nhất quán, tự giác thực hiện trong nhiều năm qua, đã đạt được những kết quả rất đáng trân trọng.
Hiện nay tiếp tục là các chương trình thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-KL/TW... ; luôn cân đối các lĩnh vực phát triển: kinh tế, hạ tầng, văn hóa - xã hội, xây dựng con người, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh.
3.
Dựa vào dân để xây dựng Đảng, củng cố sự vững mạnh của hệ thống chính trị hướng đến một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân. Theo đó, vai trò Mặt trận, đoàn thể các cấp trong thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tham gia giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh được phát huy, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bộ, điều hành chính quyền, hình thành nên cơ chế: “Đảng nói - dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động - dân theo; Chính quyền làm - dân ủng hộ”, tạo ra sự biến đổi sâu sắc về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội: từ việc thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân cho đến việc vận động quần chúng nhân dân tuân thủ pháp luật, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước v.v…, đẩy nhanh tốc độ triển khai các đột phá, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh thành phố.
Cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên trực tiếp xuống đối thoại với nhân dân để lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp và giải thích, giải quyết những nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư của các dự án là phong cách lãnh đạo ở Đà Nẵng. Thành phố cũng không ngừng kiện toàn các kênh tiếp nhận thông tin đóng góp, phản ánh từ các tổ chức, công dân để kịp thời nắm bắt và xử lý những bức xúc, kiến nghị chính đáng của nhân dân.
Xem trọng khâu đôn đốc, kiểm tra trong tổ chức thực hiện, đối thoại với các tầng lớp nhân dân; kết hợp hài hòa giữa giữ vững kỷ cương, phép nước với tuyên truyền, vận động, thuyết phục đối với cán bộ và người dân, làm cho người dân thành phố phấn khởi, thấy cuộc sống vui tươi hơn, tốt đẹp hơn, tự giác, hăng hái đóng góp cho cái chung và tự hào về quê hương mình. Với cách làm “Dân vận khéo” của các cấp ủy đảng, chính quyền đã tạo ấn tượng tốt, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân trong thực hiện các chủ trương, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố, hướng tới cái “… chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân…”.
***
Đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng, với ưu tiên hàng đầu là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao.
Thành phố Đà Nẵng đang đứng trước những vận hội mới với nhiều sự quan tâm, kỳ vọng của đất nước và nhân dân và nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội cho phát triển nhanh và bền vững. Để thực hiện được mục tiêu đó, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã có các chủ trương, chương trình, kế hoạch tổng thể và chi tiết thực hiện trong từng giai đoạn.
Song các bài học về củng cố sự vững mạnh của hệ thống chính trị, quyết tâm tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần tự chủ, tự tin, mạnh dạn, khát vọng phát triển trong cán bộ, đảng viên và sức mạnh đồng thuận của nhân dân thành phố, làm cho mọi người dân thành phố phấn khởi, thấy cuộc sống vui tươi hơn, tốt đẹp hơn, đã và đang hướng đến những cái “chúng ta cần”, tiếp tục tâm huyết, tự giác, hăng hái đóng góp cho cái chung và tự hào về quê hương mình, làm xung lực tinh thần, nguồn lực phát triển trong thời kỳ mới, thời kỳ tăng tốc và bứt phá cũng cần được tiếp tục nghiên cứu vận dụng, phát huy một cách hiệu quả.
Phạm Quý
Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy