Từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ

.

Những năm gần đây, Đà Nẵng là điểm đến được đông đảo du khách trong nước và quốc tế lựa chọn. Trước cơ hội đó, ngành du lịch thành phố cần nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, chuyên nghiệp hóa trong cách làm du lịch để thu hút nguồn khách mới, giữ lượng khách cũ…

Xây dựng thêm các sản phẩm du lịch mới là cách để làm phong phú thêm điểm đến. Trong ảnh: Cầu Vàng điểm đến, tác phẩm tham gia cuộc thi “Tuyệt vời Đà Nẵng ơi!” năm 2018 của tác giả Mai Thanh Chương.
Xây dựng thêm các sản phẩm du lịch mới là cách để làm phong phú thêm điểm đến. Trong ảnh: Cầu Vàng điểm đến, tác phẩm tham gia cuộc thi “Tuyệt vời Đà Nẵng ơi!” năm 2018 của tác giả Mai Thanh Chương.

Năm 2018, Đà Nẵng đón khoảng 7,66 triệu lượt khách, tăng 15,5% so với năm 2017. Trong đó, khách quốc tế khoảng 2,87 triệu lượt, tăng 23,3% so với năm 2017; còn lại là khách nội địa tăng 11,2% so với năm 2017. Tổng thu từ hoạt động du lịch cả năm 2018 khoảng 24.060 tỷ đồng, tăng 23,3% so với năm 2017.

Dù con số tăng trưởng khá ấn tượng, nhưng theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch, năm 2018, môi trường du lịch tuy được cải thiện song vẫn còn nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro. Thực tế, nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu hiện nay; cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ đối với ngành du lịch trong khi các doanh nghiệp chưa theo kịp xu hướng phát triển; sản phẩm du lịch mới của Đà Nẵng chưa nhiều; các dịch vụ phụ trợ còn hạn chế…

Trong năm qua, Thanh tra Sở Du lịch kiểm tra, xử phạt 54 trường hợp vi phạm với tổng số tiền trên 336 triệu đồng đối với những hành vi: người nước ngoài vi phạm hướng dẫn du lịch, người nước ngoài có hoạt động dẫn khách, các tổ chức, cá nhân vi phạm hoạt động hướng dẫn tại khu, điểm du lịch…

Để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, ngành du lịch thành phố đã nỗ lực xây dựng các chương trình, hoạt động thường niên như: mùa du lịch biển, Đà Nẵng - điểm hẹn mùa hè, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng…; đăng cai hội nghị tàu biển quốc tế 2018, tổ chức cuộc thi ảnh đẹp “Tuyệt vời Đà Nẵng ơi”… để lắng nghe, tìm kiếm những giải pháp phát triển du lịch cho thành phố.

Nhằm đạt hiệu quả công tác truyền thông trực tuyến, Sở Du lịch đã áp dụng các ứng dụng công nghệ để tuyên truyền, quảng bá du lịch Đà Nẵng. Sau khi Luật Du lịch 2017 có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, Sở Du lịch tổ chức tập huấn, phổ biến cho các đơn vị lữ hành, vận chuyển du lịch, khu điểm du lịch, trong đó lồng ghép các nội dung hướng dẫn thực hiện thuế trong kinh doanh dịch vụ du lịch. Đặc biệt, Sở Du lịch tham mưu tổ chức buổi “Gặp mặt doanh nghiệp du lịch 2018” do Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng chủ trì với cộng đồng doanh nghiệp du lịch, dịch vụ du lịch và các sở, ngành, đơn vị liên quan nhằm lắng nghe, trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc kịp thời.

Đề xuất các giải pháp giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch, ông Nguyễn Văn Tài, Phó Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Du lịch Bến Thành (Benthanh Tourist) - Chi nhánh Đà Nẵng đặt vấn đề, ngành du lịch thành phố nên nâng cấp các dịch vụ du lịch đi kèm để thu hút khách, chẳng hạn dịch vụ thể thao, giải trí sử dụng địa hình tự nhiên như: leo núi, chơi golf, tàu lượn... hoặc sử dụng hiệu quả mặt nước như: bơi thuyền, lội suối, câu cá, lặn biển, lướt sóng...; đồng thời, tăng các dịch vụ văn hóa sôi động như: khiêu vũ, giao lưu ca nhạc... Thành phố cũng nên phát triển thêm loại hình du lịch văn hóa, lịch sử, lễ hội, du lịch đường sông, tham quan làng nghề, làng quê tạo thêm sự phong phú hấp dẫn cho các chương trình, tour, tuyến du lịch tại Đà Nẵng.

Đồng quan điểm, ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Đà cho rằng, thành phố nên tăng cường hợp tác liên vùng để xúc tiến hình ảnh, sản phẩm và chuẩn hóa dịch vụ cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức đến người dân, các đơn vị tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch. Ngoài ra, thành phố nên lắp đặt thêm các nhà vệ sinh di động tại các khu, điểm du lịch, bãi biển, tuyến đường trung tâm nhất là vào những dịp có các sự kiện lớn; mặt khác, cần giải quyết triệt để nạn ăn xin trá hình và tình trạng lôi kéo, làm phiền khách tại các điểm tham quan...

Với mục tiêu đón 8,19 triệu lượt khách, trong đó có 3,19 triệu lượt khách quốc tế và 5 triệu lượt khách nội địa vào năm 2019, ngành du lịch thành phố đang xây dựng và triển khai đề án cơ cấu lại ngành du lịch (gồm các lĩnh vực cơ sở lưu trú, lữ hành, nhà hàng, khu điểm du lịch, vận chuyển, mua sắm, giải trí); tiếp tục hoàn thiện điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; thuê tư vấn nghiên cứu về ngưỡng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng (sức chứa) để bảo đảm phát triển du lịch bền vững. Thời gian tới, ngành du lịch sớm hoàn thiện Đề án cơ chế chính sách ưu đãi đột phá phát triển du lịch 3 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam để trình Chính phủ ban hành; hoàn thành và triển khai đề án Phát triển du lịch sinh thái kết hợp với cộng đồng tại khu vực phường Thọ Quang, Mân Thái (quận Sơn Trà) và Đề án quản lý và khai thác dịch vụ du lịch tuyến Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2017-2020…

Bà Trương Thị Hồng Hạnh cho biết thêm, ngành du lịch cũng đề xuất UBND thành phố ban hành Kế hoạch mở rộng thị trường khách du lịch đến Đà Nẵng giai đoạn năm 2019-2021; đề xuất hình thành dịch vụ du lịch đường biển tại bán đảo Sơn Trà; tổ chức các cuộc thi xây dựng sản phẩm du lịch nhằm bổ sung thêm các sản phẩm du lịch hiện có phục vụ khách, nhất là khách nước ngoài; đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra chuyên ngành, liên ngành để kiểm soát và xử lý nghiêm các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trái phép, tạo môi trường du lịch an toàn, văn minh cho du khách.

Bài và ảnh: THU HÀ
 

;
;
.
.
.
.
.