Bảo vệ quyền lợi người sáng tạo

.

Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về sở hữu trí tuệ (SHTT) là một trong những hoạt động được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) triển khai hiệu quả thời gian qua nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về tầm quan trọng của việc bảo hộ và bảo vệ quyền SHTT. Song song đó, việc bảo vệ quyền lợi người sáng tạo cũng cần được chú trọng.

Sau khi nghiên cứu thành công các sản phẩm hoặc sáng chế mới, các tổ chức, cá nhân cần đăng ký ngay quyền sở hữu trí tuệ để tránh gặp rủi ro.  Trong ảnh: Sản phẩm công-tơ điện tử tại Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử điện lực miền Trung.
Sau khi nghiên cứu thành công các sản phẩm hoặc sáng chế mới, các tổ chức, cá nhân cần đăng ký ngay quyền sở hữu trí tuệ để tránh gặp rủi ro. Trong ảnh: Sản phẩm công-tơ điện tử tại Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử điện lực miền Trung.

Trong những năm gần đây, tại Đà Nẵng, hoạt động đăng ký xác lập quyền SHTT được quan tâm. Đến nay, có tổng cộng hơn 2.000 giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả/quyền liên quan đến quyền tác giả và 2.890 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp. Song, nhiều chủ thể vẫn gặp khó khăn trong việc đăng ký quyền SHTT.

Ông Vũ Dương, Giám đốc Trung tâm Điện - Điện tử, Trường Đại học (ĐH) Duy Tân cho biết, đối với ĐH Duy Tân, công tác phổ cập các nghiên cứu ứng dụng, bảo hộ các ứng dụng, sáng chế được quan tâm rõ nét. Song, một trong những khó khăn gặp phải khi đăng ký quyền SHTT là thời hạn nộp và thẩm định các văn bằng, sáng chế quá lâu. Đây là điều khiến chủ thể lo lắng bởi trong quá trình chờ thẩm định rất dễ bị đánh cắp bản quyền. Nếu xảy ra tình trạng đánh cắp bản quyền, người sáng tạo ra sản phẩm sẽ rất mệt mỏi khi theo đuổi vụ kiện.

Cùng quan điểm, ông Phạm Minh Mẫn, giảng viên Trường Cao đẳng Công nghệ (ĐH Đà Nẵng) cho rằng, do thời gian nộp đơn và cấp bằng quá lâu nên Cục SHTT cần có những giải pháp để bảo hộ các tác giả, tránh xảy ra những tranh chấp đáng tiếc.

Theo ông Trần Lê Hồng, Chánh Văn phòng Cục SHTT, để tránh những trường hợp tranh chấp không đáng có, khi tạo ra sản phẩm hoặc có sáng chế, chủ thể cần nhanh chóng đăng ký quyền bảo hộ SHTT. Ông Hồng cũng cho biết, khi nộp đơn, chủ thể sẽ được bảo hộ tạm thời cho đến khi Cục SHTT cấp bằng sáng chế/chứng nhận đăng ký quyền tác giả.

Tuy nhiên, để tránh rủi ro, sau khi nộp đơn, chủ thể có thể đưa các sản phẩm công nghệ, các sáng chế của mình ra thị trường. Ông Hồng cũng lưu ý, quyền bảo hộ SHTT được xác lập ở nước nào thì chỉ được bảo hộ ở nước đó. Người sáng chế muốn bảo hộ ở nước nào thì phải nộp đơn ở nước đó để được cấp bằng bảo hộ quốc tế. Song, phí cấp bằng quốc tế rất cao nên chủ thể cần cân nhắc kỹ để khai thác và cũng như bảo hộ tốt nhất cho các văn bằng, sáng chế của mình.

Thời gian qua, Sở KH&CN đã tích cực triển khai các hoạt động nhằm tăng cường quản lý SHTT và sáng kiến cải tiến kỹ thuật trên địa bàn. Sở KH&CN đã tiếp nhận, tổ chức hội đồng tư vấn chuyên ngành và trình Chủ tịch UBND thành phố công nhận 1 sáng kiến có tác dụng, ảnh hưởng đối với thành phố; tổ chức 2 lớp tập huấn và 1 diễn đàn nhằm tuyên truyền về SHTT, tạo điều kiện để trao đổi và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật SHTT của các cơ quan, tổ chức.

Đồng thời, triển khai hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho 3 tổ chức kinh tế tập thể thuộc UBND huyện Hòa Vang, góp phần gìn giữ và phát triển các làng nghề, nâng cao giá trị các sản phẩm đặc thù, truyền thống tại địa phương; tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và tham mưu Chủ tịch UBND thành phố ban hành quyết định chấp thuận việc công nhận sáng kiến của 6 người đứng đầu các cơ quan, tổ chức thuộc UBND thành phố Đà Nẵng; công nhận 15 sáng kiến có tác dụng, ảnh hưởng đối với thành phố Đà Nẵng năm 2016 và 1 sáng kiến năm 2017.

Ngoài ra, Sở KH&CN còn chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tiếp nhận và giải quyết theo đúng thẩm quyền 7 đơn thư khiếu nại tố cáo về hành vi xâm phạm quyền SHTT như các vụ vi phạm về xâm phạm quyền SHTT nhãn hiệu “Apocalypse”; tên thương mại “Đẹp + Wedding”; xử lý vi phạm nhãn hiệu “Đặc sản Đà Nẵng Tré Bà Đệ”… để giúp các cá nhân, tổ chức yên tâm công tác, sản xuất, kinh doanh.

Theo bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở KH&CN, tài sản trí tuệ đã trở thành yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển của tổ chức, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học có chất lượng, tạo ra và thương mại hóa các giải pháp có tính ứng dụng cao, góp phần nâng cao uy tín cũng như sức cạnh tranh của các tổ chức nói riêng và phát triển kinh tế-xã hội nói chung.

Xác định được điều đó, công tác bảo hộ và bảo vệ quyền SHTT luôn được Sở KH&CN đặt lên hàng đầu. Bà Hậu cũng cho biết, song song với các đợt tập huấn để cung cấp kiến thức, hướng dẫn chủ thể việc đăng ký quyền SHTT, Sở KH&CN cũng đề xuất Cục SHTT có giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác thực thi quyền SHTT, tạo sự minh bạch, thuận tiện cho việc nghiên cứu, tìm hiểu và thực thi luật SHTT.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.