Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất hoa Tết

.

Ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong sản xuất các loại hoa thương phẩm để đưa ra thị thường trong dịp Tết Nguyên đán, đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật các loại hoa cho nông dân là hướng đi của Trung tâm CNSH Đà Nẵng.

Anh Nguyễn Phi Hoàng (trái), kỹ sư Trạm Sản xuất kinh doanh, Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng trao đổi với người chăm sóc lan các cách chăm bón phù hợp ở giai đoạn lan chuẩn bị ra hoa.  								               Ảnh: THANH TÌNH
Anh Nguyễn Phi Hoàng (trái), kỹ sư Trạm Sản xuất kinh doanh, Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng trao đổi với người chăm sóc lan các cách chăm bón phù hợp ở giai đoạn lan chuẩn bị ra hoa. Ảnh: THANH TÌNH

Cung cấp cho thị trường khoảng 6.000 giò lan

Chúng tôi đến thăm mô hình lan hồ điệp trồng trong nhà kín của Trung tâm CNSH, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) khi gần 6.000 giò lan đang đồng loạt ra ngồng, chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán. Anh Nguyễn Phi Hoàng, kỹ sư Trạm Sản xuất kinh doanh, Trung tâm CNSH Đà Nẵng cho biết, muốn ra hoa đồng loạt và cùng lúc, các cán bộ kỹ thuật phải có cách cho “ăn” và xử lý khác nhau, có thể bằng các cách tạo sự chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm, bổ sung thêm các chất điều hòa sinh trưởng, điều chỉnh độ ẩm hợp lý.

Anh Hoàng nói, nếu để bình thường, lan cũng cho hoa, nhưng các cây cho hoa ở những thời điểm khác nhau nên phải có giải pháp khống chế, cho ra hoa đúng dịp Tết để cung cấp cho thị trường. Đợt này, Trung tâm đã nghiên cứu và lai tạo ra nhiều giống hoa mới với màu sắc sặc sỡ như trắng, cam, tím… đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Đối với lan, nhu cầu của thị trường rất nhiều, nhất là trong dịp Tết. Lan tại Trung tâm CNSH có thể không cho hoa nhiều bằng các loại lan ở địa phương khác nhưng bảo đảm độ bền. Trung tâm CNSH cũng đã tổ chức nhiều đợt tập huấn cho nông dân.

Tuy nhiên, việc chuyển giao gặp khó vì đối với lan, nhất là lan hồ điệp, quá trình trồng và chăm sóc yêu cầu điều kiện nhà lưới công nghệ cao để có thể điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, chiếu sáng. Hơn nữa, lan từ nuôi cấy mô đến lúc cho hoa mất khoảng 18-24 tháng, thời gian lâu nên người nông dân sẽ gặp nhiều rủi ro.

Trung tâm CNSH đang tính hướng rút ngắn thời gian cho người nông dân bằng cách sẽ nuôi cấy mô và xử lý ra ngồng rồi người dân mới nhập về và chỉ tốn khoảng 2-3 tháng chăm sóc là có thể đưa ra thị trường. Giá 1 giò lan dao động trên thị trường từ 180.000 - 200.000 đồng.

Chăm sóc lan cho dịp Tết.
Chăm sóc lan cho dịp Tết.

Đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao

Trước thực trạng hầu hết các hộ trồng hoa đều phải nhập cây giống từ Đà Lạt hoặc Hà Nội, về gặp phải một số khó khăn như khí hậu chưa thích nghi, du nhập nguồn bệnh, chất lượng cây giống bị ảnh hưởng do quá trình vận chuyển, tốn phí…, Trung tâm CNSH đã nghiên cứu và sản xuất thành công nhiều loại cây giống khai thác từ cây mẹ là cây nuôi cấy mô sạch bệnh để cung cấp cho bà con, giúp người trồng hoa chủ động hơn về nguồn cây giống.

Ngoài ra, Trung tâm còn tập trung hoàn thiện các dự án hoa chậu, hoa thảm, dự án hoa thương phẩm; ứng dụng quy trình sản xuất giống và kỹ thuật canh tác các loài hoa lan dendro, hoa cát tường, hoa lily; các tiến bộ khoa học kỹ thuật như sản xuất giống trong điều kiện nhà lưới, nhà màn chống côn trùng; ứng dụng các vật liệu mới, kỹ thuật tưới nước phun sương, nhỏ giọt, kỹ thuật bảo quản lạnh, bảo quản mát giống và hoa thương phẩm… để cung cấp cho nông dân tại địa phương.

Nhiều loại cây hoa giống như cúc vàng hòe, cúc lá nhám, lily đã được Trung tâm CNSH thực hiện và cung cấp cho các hộ dân trồng hoa vùng Vân Dương (xã Hòa Liên), Nhơn Thọ (xã Hòa Phước), Dương Sơn (xã Hòa Châu) và nhiều hộ trồng hoa tự phát theo hướng nông hộ.

Song song với việc cung cấp cây giống, các cán bộ của Trung tâm CNSH còn tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn bà con nông dân phương pháp xử lý nấm bệnh và phân hóa mầm đối với từng loại hoa; kỹ thuật điều khiển sinh trưởng đối với hoa nở sớm và nở muộn theo ý muốn, nhất là việc xác định đúng thời vụ xuống giống là tiêu chí quyết định thắng lợi của bà con trong dịp Tết Nguyên đán.

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm CNSH cho biết, với phương châm gắn nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp và quá trình xây dựng nông thôn mới, Trung tâm CNSH đã thực hiện nhiều đề tài, dự án, chương trình ứng dụng, lồng ghép đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, giúp người dân chủ động xây dựng thành công nhiều mô hình ứng dụng mang lại hiệu quả, qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt những người dân vùng giải tỏa thiếu đất sản xuất nông nghiệp.

Trong định hướng sắp tới, Trung tâm chú trọng hợp tác với các đơn vị, xây dựng mối liên kết giữa Trung tâm, doanh nghiệp và các hộ nông dân để ứng dụng, chuyển giao nghiên cứu khoa học kỹ thuật hiệu quả, khép kín quy trình sản xuất và đưa nhiều sản phẩm ra thị trường.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.