Trạm quan trắc "made in Đà Nẵng"

.

Đầu tháng 1 vừa qua, hệ thống quan trắc môi trường nước tự động được ra mắt tại Đà Nẵng. Hệ thống này do Trung tâm Vi mạch Đà Nẵng (CENTIC) nghiên cứu chế tạo, hứa hẹn cắt giảm ít nhất một nửa chi phí so với các hệ thống quan trắc cùng loại khác nhập khẩu.

Các kỹ sư của Trung tâm Vi mạch Đà Nẵng (CENTIC) giới thiệu về trạm quan trắc môi trường nước tự động.
Các kỹ sư của Trung tâm Vi mạch Đà Nẵng (CENTIC) giới thiệu về trạm quan trắc môi trường nước tự động.

Được thiết kế theo hình dạng chiếc phao nổi, 8 trạm quan trắc “made in Đà Nẵng” sẽ được lắp đặt ngay trên mặt nước tại một số điểm nóng về môi trường của thành phố, gồm hồ Công viên 29-3, Xuân Hòa A, Phước Lý, Bàu Tràm, Đò Xu, Khu E2 mở rộng, Nguyễn Phước Tần và sông Phú Lộc nhằm giám sát chất lượng nước và cảnh báo ô nhiễm.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên người dân Đà Nẵng nhìn thấy những “chiếc phao” quan trắc hoạt động. Từ đầu năm 2017, trạm quan trắc môi trường nước tự động đầu tiên đã được lắp đặt trên hồ Thạc Gián (quận Thanh Khê), có thể đo được độ pH, nhiệt độ, độ đục và lượng oxy hòa tan trong nước. Đây cũng chính là tiền đề để CENTIC tiếp tục phát triển hệ thống các trạm quan trắc môi trường nước tự động với sự tài trợ của Công ty CP Trung Nam.

Phó Giám đốc phụ trách CENTIC Nguyễn Hoài Đức cho biết, trong vòng chưa đến 1 năm, các cán bộ khoa học kỹ thuật của trung tâm đã thiết kế các trạm quan trắc vận hành hoàn toàn tự động. Trong số 8 trạm, có 4 trạm được nâng cấp để có thể đo thêm nhiều thông số phức tạp hơn như nồng độ oxy hóa học, lượng amonium hòa tan trong nước…

“Nhờ đó, có thể nhanh chóng tìm ra nguyên nhân các sự cố môi trường mà Đà Nẵng từng gặp phải như việc cá chết hàng loạt trên mặt sông, hồ...”, anh Đức nói.

Theo bà Phan Thị Hiền, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), đa phần hệ thống quan trắc tại Đà Nẵng đang được vận hành thủ công. Bà Hiền nhận định, khi được tự động hóa, các chỉ số về môi trường nước sẽ được cập nhật 24/24 giờ, góp phần tích cực vào công tác giám sát và cảnh báo ô nhiễm.

Với năng lượng từ pin mặt trời, hệ thống các trạm quan trắc môi trường nước mới của Đà Nẵng được thiết kế để có thể vận hành tự động hoàn toàn. Ứng dụng công nghệ mới Internet vạn vật, toàn bộ thao tác điều khiển đều có thể được thực hiện chỉ với một chiếc điện thoại thông minh nối mạng, ngay cả việc vệ sinh máy cũng được làm tự động.

Anh Đức cho biết, mỗi trạm quan trắc đều có một thiết bị chuyên hút không khí từ bên ngoài, tích lại đến khi đủ áp suất thì thổi ra. Lực thổi mạnh khiến chất bẩn cũng theo đó bật ra ngoài. “Do có 2 ắc-quy trữ năng lượng nên trong suốt 1 năm vận hành, trạm quan trắc tự động ở hồ Thạc Gián chưa bao giờ thiếu điện.

Đặc biệt, trạm được lắp đặt ngay trên mặt nước nên không cần phải tốn điện cho việc bơm nước vào, vừa tiết kiệm năng lượng, vừa giữ cho thiết bị không bị hỏng”, anh Đức nói.

Anh Đức cho hay, trước đây trên cả nước thường xảy ra tình trạng các trạm quan trắc môi trường được mua về từ nước ngoài, dùng trong thời gian ngắn rồi bị… bỏ hoang. Nguyên nhân là trong quá trình vận hành, trạm gặp một số vấn đề công nghệ, buộc phải có mặt nhà sản xuất mới có thể giải quyết. Đối với hệ thống trạm quan trắc tự động mới của thành phố, toàn bộ đội ngũ nghiên cứu, thiết kế, xây dựng đều là các kỹ sư của Đà Nẵng. Do đó, công tác duy tu, sửa chữa cũng sẽ được thực hiện dễ dàng ngay tại địa phương. “Điều này làm giảm ít nhất 50% chi phí so với việc mua máy từ nước ngoài”, anh Đức khẳng định.

Hiện tại, đã có 4 trạm quan trắc được hoàn thành và lắp đặt. Anh Phạm Quốc Toản, kỹ sư trưởng trung tâm CENTIC cho biết, 4 trạm còn lại sẽ được hoàn thiện sớm. Toàn bộ 8 trạm có chi phí 10 tỷ đồng, sau khi hoàn tất sẽ được Công ty CP Trung Nam tặng lại cho Đà Nẵng.  

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
.
.
.
.
.
.