Nâng cao nhận thức quyền sở hữu trí tuệ

.

Thông qua các chương trình tuyên truyền, đào tạo và hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), nhiều cá nhân, doanh nghiệp tại Đà Nẵng ngày càng nâng cao ý thức tự bảo vệ, tôn trọng quyền SHTT.

Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng thông tin đến các doanh nghiệp về vấn đề sở hữu trí tuệ.
Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng thông tin đến các doanh nghiệp về vấn đề sở hữu trí tuệ.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thành phố, năm 2017 các cấp chính quyền quận, huyện đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, hội nghị, diễn đàn về SHTT. Bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở KH&CN thành phố cho biết, các hoạt động tuyên truyền đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác sáng kiến, bảo hộ và bảo vệ quyền SHTT trong các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp (DN) trên địa bàn. Đây là cơ sở để nâng cao chất lượng hoạt động sáng kiến, thúc đẩy xác lập quyền SHTT tại Đà Nẵng trong thời gian đến.

Ngoài công tác tuyên truyền, Sở KH&CN còn xây dựng các chương trình hỗ trợ DN thực hiện xác lập quyền SHTT. Năm 2017, sở hỗ trợ 9 tổ chức đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, trong đó có 3 tổ chức kinh tế tập thể và 6 dự án khởi nghiệp đang được Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng ươm tạo.

Bên cạnh đó, sở tham mưu UBND thành phố cho phép sử dụng tên địa danh để đăng ký bảo hộ 2 nhãn hiệu tập thể. Khi các cá nhân, tổ chức tham gia tư vấn đăng ký xác lập quyền SHTT tại sở sẽ được cung cấp thông tin liên quan đến thủ tục đăng ký, biện pháp bảo vệ quyền và các thủ tục giải quyết tranh chấp khi phát sinh. Từ đó, hạn chế tình trạng tranh chấp và cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tháng 9-2017, Công ty CP Sức khỏe Homecares – một trong các dự án khởi nghiệp tại Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng được Sở KH&CN hỗ trợ đăng ký SHTT đối với nhãn hiệu công ty.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Công ty CP Sức khỏe Homecares cho hay: “Chúng tôi được hỗ trợ thông tin và toàn bộ kinh phí để đăng ký bảo hộ SHTT. Khi có “tấm áo” thông hành này chúng tôi cũng tự tin hơn, bởi đã có một kênh thông tin chính thống để tư vấn cho các hoạt động pháp lý liên quan đến SHTT khác trong tương lai”.

Bà Vũ Thị Mùi, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Sản xuất giống và nuôi trồng nấm An Hải Đông cũng bày tỏ: “Khi đã được đăng ký SHTT, chúng tôi tự tin hơn trong việc đưa sản phẩm của mình ra thị trường”.

Tuy có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về quyền SHTT, thế nhưng đến nay chưa có nhiều DN, tổ chức quan tâm đúng mức về vấn đề này. Theo số liệu từ Văn phòng đại diện (VPĐD) Cục SHTT tại Đà Nẵng, năm 2017 có hơn 1.000 đơn được nộp tại văn phòng, trong đó có khoảng 650 đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Con số này được xem là khá khiêm tốn so với tổng lượng đơn nộp đến tại Cục SHTT.

Lý giải hiện trạng này, bà Ngô Phương Trà, Phó Văn phòng đại diện phụ trách Cục SHTT tại Đà Nẵng cho rằng, cộng đồng DN ở Đà Nẵng vẫn còn khá ít, quy mô DN nhỏ, nhiều DN có trụ sở chính đặt tại Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh nên việc đăng ký SHTT được thực hiện ở hai đầu đất nước.

Ngoài ra, các DN mang tâm lý “ngại” thủ tục hành chính vì nghĩ, việc đăng ký SHTT là không quá cần thiết nên không tìm hiểu để thực hiện. Trong khi đó, với áp lực công việc không cao như các điểm nhận đơn tại hai thành phố nói trên, Văn phòng Cục SHTT tại Đà Nẵng lại luôn sẵn sàng dành nhiều thời gian để hỗ trợ các DN.

Theo bà Ngô Phương Trà, các DN thường gặp một số “lỗi” chung trong quá trình đăng ký SHTT như: xác định đối tượng bảo hộ chưa đúng, dẫn đến đăng ký quyền không chính xác hoặc do chưa nắm được tiến trình thủ tục nên các DN thường có tâm lý nôn nóng, muốn được lấy văn bằng bảo hộ “cho xong”.

Hiện nay, không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới có thời gian thẩm định đơn nhãn hiệu từ 12-18 tháng, đơn sáng chế từ 36-37 tháng. Đối với việc đăng ký sáng chế, khoảng thời gian chưa công bố đơn có ý nghĩa kinh tế bởi trong thời gian này, các DN được bảo hộ tạm thời trong khi vẫn chưa cần phải công bố các giải pháp kỹ thuật trong sáng chế đó.

Năm 2018, Sở KH&CN thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về SHTT. Đối tượng được hướng đến không chỉ là các tổ chức, DN mà còn là các học sinh, sinh viên và các bạn trẻ khởi nghiệp. Bên cạnh đó, sở cũng thúc đẩy các chương trình hỗ trợ làm thủ tục đăng ký bảo hộ SHTT, tăng cường phối hợp với các cơ quan thực thi quyền SHTT, góp phần bảo vệ quyền lợi cho DN và người tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh...

Từ năm 2000, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) chọn ngày 26-4 hằng năm làm “Ngày SHTT thế giới” nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về ảnh hưởng của các bằng sáng chế, bản quyền, nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp... tới cuộc sống hằng ngày.

Chủ đề của “Ngày SHTT thế giới” năm nay là: “Tiếp sức cho những thay đổi: Phụ nữ với hoạt động đổi mới và sáng tạo”, nhấn mạnh cách thức mà hệ thống SHTT có thể hỗ trợ những phụ nữ có tố chất đổi mới và sáng tạo, đưa những ý tưởng mới lạ của họ ra thị trường.

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
.
.
.
.
.
.