Đổi mới công nghệ để phát triển

.

Khởi nghiệp từ một xưởng cơ khí nhỏ với mặt bằng và máy móc hầu như chỉ đi thuê, đến nay, Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường (KCN Hòa Cầm) được biết đến như là “cánh chim đầu đàn” của ngành cơ khí, chế tạo của thành phố Đà Nẵng. Để có được thành quả hiện tại, doanh nghiệp đã trải qua quá trình nghiên cứu đổi mới công nghệ, sáng tạo trong lao động.

Công nhân làm việc tại Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường.
Công nhân làm việc tại Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường.

Ông Hà Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường - người gắn bó với doanh nghiệp tròn 30 năm, cho biết: “Đặc thù của ngành cơ khí là rất khó để phát triển nhiều máy móc bởi tỷ suất đầu tư với lợi nhuận thường khá dài.

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp nhỏ, bài toán về nguồn vốn đầu tư cho công nghệ hiện đại lại càng nan giải. Đứng trước câu hỏi làm thế nào để công ty tồn tại trước xu thế cạnh tranh thị trường đã buộc chúng tôi phải dành rất nhiều thời gian suy nghĩ, sáng tạo tìm ra các giải pháp...”.

Ngành cơ khí luôn đòi hỏi phải có những sản phẩm mới, chất lượng cao, giá cả phù hợp..., đây là điều không phải doanh nghiệp nào cũng một sớm một chiều đáp ứng được nhu cầu thị trường. Trong thời gian qua, Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường không ngừng học hỏi kiến thức trong và ngoài nước để cải tiến máy móc, thiết bị công nghệ.

Đến nay, hàng chục loại máy được doanh nghiệp chế tạo thành công như: máy cuốn ống, máy tiện khuôn ly tâm, máy tiện khuôn trụ điện, máy uốn thép hình cỡ nhỏ, máy uốn thép hình cỡ lớn... Song song đó, nhiều thiết bị hiện đại được công ty nhập khẩu về phục vụ cho việc sản xuất như: máy hàn hồ quang chim của Mỹ, máy cắt plasma CNC, máy cắt thép tấm, hệ thống máy ráp, hàn..., giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế dùng sức của công nhân.

Năm 2017, do nhu cầu mở rộng về loại hình kết cấu thép, đơn vị đã tự nghiên cứu chế tạo máy uốn cong thép hình trục đứng cỡ lớn, dùng để uốn thép hình ống DN300, thép hình I550. Với thành công đó, công ty tiếp tục cải tiến để uốn cong được ống có đường kính DN400 và những loại dầm thép lớn hơn.

Lãnh đạo công ty cho biết, việc tự chế tạo máy móc đã tiết giảm rất lớn kinh phí đầu tư. Theo tính toán, giá thành chế tạo máy thấp hơn 50% so với giá máy nhập khẩu, đồng thời có ưu thế bởi những cải tiến khác biệt kèm theo.

Ông Trần Quang Ánh, Chủ tịch Công đoàn công ty cho hay: “Nhờ thiết bị có thiết kế độc quyền, nên sản phẩm khuôn ly tâm, khuôn trụ điện của chúng tôi hiện nay được thị trường đánh giá rất tốt và được khách hàng tin dùng.

Do đó, hầu như năm nào công ty chúng tôi cũng có kế hoạch chế tạo máy móc với sự cộng hưởng sáng kiến của tập thể. Từ việc tự mày mò lên ý tưởng của chủ doanh nghiệp đã truyền cảm hứng sang đội ngũ kỹ sư, công nhân... cùng bắt tay vào đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, điều này đồng nghĩa ngày càng có nhiều việc làm cho người lao động và mức thu nhập cũng tăng lên”.

Nói về quá trình nghiên cứu, cải tiến máy móc, ông Hà Giang đúc kết: “Muốn thành công, bản thân doanh nghiệp phải phát huy hết khả năng nội lực. Cái nào có thể tự nghiên cứu chế tạo thành công thì cứ mạnh dạn mà làm, không được nói khó quá không làm mà chỉ là chưa làm được. Tuy nhiên, phải tìm hiểu kỹ thị trường đang cần gì chứ không phải cứ thích là sáng tạo mà không biết nó có phù hợp với nhu cầu thị trường đang cần hay không”. 

Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường hiện đang sở hữu 50% các loại máy móc là tự chế tạo, 50% còn lại là nhập khẩu với công nghệ thuộc loại hiện đại nhất trên thị trường. Theo lãnh đạo công ty, nếu vì ham giá rẻ để nhập máy móc đã qua sử dụng hoặc có giá trị thấp thì chỉ được một thời gian là không đáp ứng yêu cầu thị trường.

Chính vì vậy, doanh nghiệp chú trọng đến việc đầu tư ban đầu để hiện thực hóa “tham vọng” sản phẩm làm ra phải tốt nhất, nhanh nhất và giá rẻ thì mới lớn mạnh và phát triển bền vững.

Là người dành nhiều thời gian và tâm huyết đối với việc nghiên cứu đổi mới, sáng tạo khoa học, ông Hà Giang với vai trò là Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng sáng tạo kỹ thuật công ty đã xây dựng được phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, chủ trì trong việc nghiên cứu nhiều đề tài đổi mới công nghệ tạo ra sản phẩm có chất lượng cao trên thị trường miền Trung.

Chia sẻ những cách làm của mình, ông Hà Giang cho rằng, các doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng nên mạnh dạn tiếp cận với Sở Khoa học và Công nghệ thành phố để tìm hiểu những chính sách liên quan đến hỗ trợ đổi mới công nghệ; từ đó có thể tranh thủ những lợi ích từ chính sách mang lại để phát triển doanh nghiệp mình.

“Đừng nghĩ các thủ tục luôn rườm rà mà bỏ qua, bởi hiện nay thành phố cũng như Chính phủ đang có rất nhiều chương trình hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp phụ trợ”, ông Hà Giang cho biết.

Bài và ảnh: Anh Nguyên

;
.
.
.
.
.
.