Giải "bài toán" nhân sự công nghệ thông tin

.

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) chọn Đà Nẵng làm nơi đầu tư, khiến cho nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong lĩnh vực này tăng cao. Bên cạnh đó, việc xuất hiện những ngành mới như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối… cũng khiến nhà tuyển dụng “đau đầu” khi tìm người giỏi.

Nhiều doanh nghiệp tự đào tạo nhân sự để đáp ứng nhu cầu của chính mình.  Trong ảnh: Các nhân viên làm việc tại Công ty TNHH Asian Tech Đà Nẵng.
Nhiều doanh nghiệp tự đào tạo nhân sự để đáp ứng nhu cầu của chính mình. Trong ảnh: Các nhân viên làm việc tại Công ty TNHH Asian Tech Đà Nẵng.

Trên các trang web giới thiệu việc làm CNTT, rất nhiều quảng cáo tuyển dụng của các công ty phần mềm Đà Nẵng được cập nhật từng ngày, thậm chí từng giờ. Đà Nẵng đang là điểm đến của các doanh nghiệp (DN) CNTT Nhật Bản, châu Âu, cũng như các DN có trụ sở chính ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Thực tế này tạo ra nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn.

Công ty CP Est Rouge Technologies (Nhật Bản) là một DN chuyên cung cấp các dịch vụ website. Bắt đầu hoạt động tại Đà Nẵng từ cuối năm 2017, công ty đang tìm kiếm ứng viên cho một loạt vị trí như: lập trình viên di động cấp cao, lập trình viên PHP (một ngôn ngữ lập trình mã nguồn mở, được dùng để tạo ra các ứng dụng website), lập trình viên front-end (phần tương tác của một website), kiểm thử viên phần mềm bậc cao.

Trong khi đó, Công ty TNHH NFQ Asia (thuộc Tập đoàn NFQ – Đức, chuyên cung cấp các giải pháp di động và website) chuẩn bị mở văn phòng tại Đà Nẵng cho biết phải  tuyển mới toàn bộ nhân sự từ quản trị dự án, trưởng nhóm kỹ thuật cho đến các lập trình viên (front-end, PHP…) cấp cao để đáp ứng yêu cầu.

Không chỉ các công ty nước ngoài đến đầu tư tại Đà Nẵng mới có nhu cầu tuyển dụng, mà ngay cả các DN CNTT địa phương cũng đang tìm kiếm nguồn nhân lực mới. Anh Lê Trí Hải, Giám đốc Công ty Tư vấn giải pháp CNTT Toàn Cầu Xanh (quận Hải Châu) cho hay, để chuẩn bị cho nhiều dự án trong thời gian tới, công ty đang cần bổ sung một lượng lớn nhân sự về trí tuệ nhân tạo, xử lý ảnh, lập trình trên di động…

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, mỗi năm có hơn 2.000 sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành CNTT trên địa bàn thành phố. Trong khi đó, chỉ riêng trong ngành phần mềm và nội dung số, dự kiến đến năm 2020 cần có thêm 10.000 người và đến năm 2025 thì cần thêm 30.500 nhân sự.

Bên cạnh việc mở rộng hoạt động của các công ty, việc xuất hiện các ngành mới (trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, an ninh mạng, lập trình ứng dụng di động, lập trình trò chơi điện tử, thiết kế hiệu ứng 3D…) cũng khiến nhu cầu nhân lực tăng liên tục.

Chị Nguyễn Như Hạnh, phụ trách nhân sự Công ty CP Tin học và Xuất nhập khẩu B.A.P (quận Hải Châu) cho hay, đối với công ty, mảng chuỗi khối (blockchain) rất khó tìm người giỏi. B.A.P liên tục tổ chức các đợt tuyển nhân sự chuỗi khối, mỗi lần chỉ tuyển được 2-3 người, nhưng có khi sau quá trình sàng lọc thì không còn ai trụ lại. Điển hình như năm 2017, công ty tuyển được 15 nhân sự chuỗi khối, bây giờ chỉ còn lại 6 người.

Anh Đoàn Hữu An, lập trình viên front-end cấp cao Công ty TNHH Wakumo Việt Nam (quận Hải Châu) cho biết, nhiều công ty đang gặp khó khăn trong việc tuyển các lập trình viên có khả năng tạo lập và quản trị dự án.

Anh An nói: “Nhân sự gia công phần mềm thì nhiều, nhưng những người có thể quản lý, sáng tạo, giải quyết vấn đề kỹ thuật và kinh doanh thì khan hiếm. Nhu cầu của DN về lực lượng này rất cao, dẫn đến tình trạng DN thì “chèo kéo”, nhân sự thì nhảy việc liên tục”.

Trước thực tế này, nhiều DN chọn phương án đào tạo lao động tại chỗ. Theo chị Hạnh, B.A.P thường tìm kiếm các sinh viên có nền tảng học lực tốt để huấn luyện thêm kiến thức chuyên ngành và cung cấp chương trình thực tập. Mỗi năm, công ty tuyển 30-40 sinh viên hoặc lập trình viên, qua quá trình đạo tạo lý thuyết và thực tế sẽ sàng lọc còn khoảng 20 nhân sự.

Còn Công ty TNHH Asian Tech Đà Nẵng (quận Sơn Trà) cũng có cách làm tương tự. Anh Trương Đình Toàn, Giám đốc Asian Tech nói: “Nếu không có nhân viên thì công ty phải tự đào tạo. Mỗi năm, Asian Tech tổ chức 3 đợt tuyển thực tập sinh từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố, huấn luyện kiến thức cho các sinh viên trên chính những dự án thực tế của công ty.

Ngay cả các sinh viên theo học hệ thống mạng, viễn thông, điện tử, điện, nếu có năng lực và nguyện vọng cũng sẽ được đào tạo các chuyên ngành phần mềm mà DN có nhu cầu”.

Để cải thiện chất lượng nguồn nhân sự ngay từ phần gốc, các trường đại học, cao đẳng tại Đà Nẵng cũng đang nỗ lực cải tiến chương trình đào tạo, liên kết với các trường, tổ chức quốc tế để xây dựng các chương trình đào tạo CNTT theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đồng thời, các Trường Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Duy Tân liên kết với một số DN CNTT để đưa sinh viên đến thực tập, tổ chức tọa đàm giao lưu giữa sinh viên và chủ DN, chủ trì các ngày hội về CNTT, giúp sinh viên nắm bắt xu thế tuyển dụng…

PGS.TS Nguyễn Tấn Khôi, Phó khoa CNTT, Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cho biết, ông đánh giá cao tính hiệu quả của những chương trình hợp tác giữa DN và nhà trường; đồng thời bày tỏ mong muốn thành phố có sự ghi nhận đối với những hỗ trợ của DN.

Hiệp hội DN phần mềm Đà Nẵng cho biết, từ đây đến cuối năm 2018 sẽ khảo sát nhu cầu sử dụng nhân sự của các DN CNTT trên địa bàn thành phố; từ đó hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng lên kế hoạch xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, sát với thực tế.

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
.
.
.
.
.
.