Kết nối cộng đồng công nghệ

.

Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin (CNTT) của thành phố, ngày càng xuất hiện nhiều cộng đồng CNTT tại Đà Nẵng. Đây không chỉ là nơi giao lưu, chia sẻ của các lập trình viên mà còn là điểm đến cho các doanh nghiệp CNTT tuyển dụng nhân sự. Hoạt động sôi nổi của cộng đồng CNTT là một dấu hiệu tích cực trong quá trình phát triển của một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.

Giới trẻ trao đổi, tìm hiểu về các công nghệ mới.  											                      Ảnh: KHANG NINH
Giới trẻ trao đổi, tìm hiểu về các công nghệ mới. Ảnh: KHANG NINH

Sân chơi của “dân” công nghệ

Trước đây, các lập trình viên thường bị gán ghép với hình ảnh “con mọt” máy tính, bởi họ ít khi giao thiệp, thay vào đó là dành rất nhiều thời gian để lụi cụi một mình trước màn hình. Ngày nay, định kiến ấy không còn đúng nữa.

Tại Đà Nẵng, “dân” CNTT đã tạo lập nhiều cộng đồng năng động - nơi họ chia sẻ với nhau những xu hướng công nghệ mới trên thế giới, những bài học quý trong nghề và cả những câu chuyện buồn, vui của cuộc sống.

Anh Nguyễn Hữu Trình (lập trình viên Công ty CP EM&AI) là người đưa mô hình cộng đồng Techsoup (tạm dịch: “Món súp” công nghệ - một mạng lưới quốc tế phi lợi nhuận giúp nâng cao năng lực CNTT cho các thành viên trong xã hội) về Đà Nẵng vào đầu năm 2016.

Thời điểm đó, các hoạt động cộng đồng về CNTT tại thành phố vẫn còn khá trầm lắng. Anh Trình chia sẻ: “Cũng là lập trình viên, mình hiểu các bạn đồng nghiệp đang rất khát khao được chia sẻ kiến thức trong lĩnh vực công nghệ. Mình may mắn từng có cơ hội tham gia Techsoup ở TP. Hồ Chí Minh, nên quyết định thử xây dựng một cộng đồng tương tự như vậy ở Đà Nẵng xem thế nào”.

Được sự ủng hộ nhiệt tình của các đồng nghiệp, năm 2016, những buổi gặp gỡ đầu tiên của Techsoup Đà Nẵng hình thành. Từ 5-10 người, đến nay con số thành viên tham gia Techsoup ổn định ở mức 35-40 người.

Mỗi buổi gặp mặt, các thành viên cùng chia sẻ về một chủ đề được chọn trước và phù hợp với nhu cầu như: “Tiếng Anh – chìa khóa thành công của lập trình viên”, “Internet vạn vật (IoT) trong cuộc sống” hay “Những bài học khởi nghiệp”…

Sau hơn 2 năm hoạt động, Techsoup gây được tiếng vang trong cộng đồng CNTT tại Đà Nẵng, thu hút không chỉ giới sinh viên, lập trình viên mà cả các giảng viên tại nhiều trường đại học, cao đẳng về CNTT, các doanh nhân công nghệ.

Giống như Techsoup, Scrum Breakfast (tạm dịch: Điểm tâm Scrum) cũng là một mô hình cộng đồng vốn đã phát triển ở nước ngoài trước khi được đưa về Đà Nẵng.

Theo đó, đều đặn mỗi tháng, Công ty TNHH Axon Active Việt Nam tại Đà Nẵng lại tổ chức buổi ăn sáng, cà-phê, mở cửa cho tất cả những người yêu công nghệ đến để thảo luận về phương pháp Agile (mô hình phát triển phần mềm linh hoạt), quy trình Scrum (bộ khung làm việc trong phát triển phần mềm), quy trình quản lý dự án, các xu hướng công nghệ mới…

Các chủ đề được trình bày bằng tiếng Anh bởi đội ngũ chuyên gia công nghệ, kỹ sư phần mềm của Công ty Axon Active và các công ty phần mềm lớn khác.

Ông Đặng Ngọc Hải, Giám đốc Công ty Axon Active Việt Nam tại Đà Nẵng cho biết, việc sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ hội thảo là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút các lập trình viên, chuyên viên kiểm thử và các chuyên gia CNTT có tư tưởng tích cực đổi mới, góp phần mang đến môi trường quốc tế hóa trong cộng đồng CNTT ở Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, nhiều sinh viên CNTT cũng đến các buổi Scrum Breakfast thường xuyên, không chỉ để cập nhật kiến thức mới trong lĩnh vực phát triển phần mềm mà còn để trau dồi khả năng ngoại ngữ.

Nếu như Techsoup hay Scrum Breakfast tại Đà Nẵng là những cộng đồng nhỏ, hoạt động chủ yếu theo hình thức giao lưu, chia sẻ về các chủ đề chuyên sâu thì Google Developers Group (GDG) MienTrung (Cộng đồng những người yêu công nghệ khu vực miền Trung) lại sở hữu hàng loạt sự kiện mỗi năm, thu hút sự quan tâm của giới CNTT tại Đà Nẵng và các địa phương lân cận.

Chị Nguyễn Thị Phương Nhi (Giám đốc Công ty Sự kiện Đà Nẵng-Vườn ươm Doanh nghiệp thành phố) là người sáng lập cộng đồng này vào năm 2015. Chị Nhi cho biết, trên thế giới, GDG là một dự án cộng đồng của Google nhằm giới thiệu các công nghệ mới cho xã hội. Khi về Đà Nẵng, GDG MienTrung tìm cách “địa phương hóa” để phù hợp nhất với cộng đồng CNTT thành phố.

Vào cuối tháng 6-2018, GDG MienTrung đã tổ chức sự kiện Google I/O Extended MienTrung 2018 tại Đà Nẵng nhằm cập nhật những kiến thức và sản phẩm đột phá liên quan đến trí tuệ nhân tạo, Google Assistant (Trợ lý Google), hệ điều hành Android P,…) đến các lập trình viên và các bạn trẻ yêu công nghệ.

Bên cạnh đó, cộng đồng này còn tổ chức các chương trình dành riêng cho nữ giới ngành CNTT (Women Techmaker), lập trình viên trên thiết bị di động (Mobile Hackathon)... Từ đây, nhiều bạn trẻ đã được truyền cảm hứng, kết nối với những người có thể hỗ trợ mình trên con đường tìm hiểu về các việc làm mới, công nghệ mới.

Nơi doanh nghiệp tìm người giỏi

Không chỉ là sân chơi giao lưu của các lập trình viên, những cộng đồng công nghệ thông tin cũng là nơi các doanh nghiệp Đà Nẵng “săn tìm” nhân sự giỏi.

Các lập trình viên tham gia cuộc thi lập trình nhanh (Hackathon) dành cho cộng đồng do GDG MienTrung tổ chức.
Các lập trình viên tham gia cuộc thi lập trình nhanh (Hackathon) dành cho cộng đồng do GDG MienTrung tổ chức.

Kể từ năm 2015, Công ty TNHH Axon Active Việt Nam tại Đà Nẵng đã phối hợp với Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) tổ chức Ngày hội Lập trình viên (DevDay) – sự kiện được xem là cầu nối giữa đào tạo và việc làm. Bên cạnh các chương trình hội thảo chuyên sâu trong khuôn khổ ngày hội, DevDay còn tập trung chia sẻ kỹ năng đào tạo hướng nghiệp, khởi nghiệp.

Tháng 4 vừa qua, DevDay Đà Nẵng 2018 được tổ chức với sự tham gia của các doanh nghiệp CNTT lớn tại Đà Nẵng và cả nước như Công ty TNHH AgilityIO, Công ty TNHH Asian Tech, Công ty TNHH mgm Technology Partners, Công ty TNHH Cốc Cốc, Công ty TNHH Phần mềm FPT…

Việc các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo tương tác trực tiếp với người tham dự là cơ hội để các lập trình viên, sinh viên ngành công nghệ tại Đà Nẵng tham gia tiếp cận nhà tuyển dụng, tìm hiểu các cơ hội việc làm, làm quen các sản phẩm, trải nghiệm các công nghệ mới. 

Nguyễn Hoàng Phương (sinh viên năm 4 khoa Quốc tế, chuyên ngành CNTT Trường Đại học Duy Tân) chia sẻ, tại sự kiện DevDay, cô đã có cơ hội tiếp xúc với Công ty TNHH mgm Technology Partners và giành được cơ hội thực tập tại đây.

Ông Markus Baur, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Axon Active Việt Nam cho biết: “Chúng tôi muốn thống nhất với các cơ sở đào tạo CNTT tại Đà Nẵng để cùng quảng bá ngành CNTT cho giới trẻ. Chúng tôi cũng muốn đánh thức tinh thần của những người đam mê theo đuổi nghề CNTT.

DevDay cũng là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá hình ảnh và văn hóa của công ty mình. Từ đó, giúp các bạn trẻ tìm kiếm cơ hội việc làm, các công ty tìm những ứng cử viên thích hợp”.

Đà Nẵng hiện là điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp CNTT trong và ngoài nước, thể hiện qua sự gia tăng nhanh chóng về quy mô và số lượng các doanh nghiệp phần mềm Nhật Bản, châu Âu có mặt tại thành phố.

Đây cũng là một  trong những lý do khiến việc tìm kiếm nhân sự CNTT giỏi trở nên khó khăn hơn. Để giải quyết bài toán này, một số doanh nghiệp lớn đứng ra xây dựng cộng đồng cho các lập trình viên, tăng tương tác giữa người lao động và nhà tuyển dụng.

Trong tháng 10 tới, Công ty TNHH Tin học và Xuất nhập khẩu B.A.P sẽ phối hợp với khoa CNTT, Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) tổ chức sự kiện IdeaHunter - ngày hội tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp và cơ hội đầu tư. Sự kiện được tổ chức trong gần 1 tuần.

Song song với các hội thảo về công nghệ và khởi nghiệp, IdeaHunter còn có cuộc thi lập trình nhanh (hackathon). Các sản phẩm lập trình sẽ phải thuyết phục nhà đầu tư để đưa ra quyết định trong việc ươm tạo và phát triển sản phẩm. Theo đại diện truyền thông Công ty B.A.P, IdeaHunter sẽ đem lại nhiều giá trị cho cộng đồng CNTT tại Đà Nẵng, không chỉ kiến thức mới về công nghệ, kỹ năng mềm mà còn những mối quan hệ với các cố vấn, nhà tuyển dụng...

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
.
.
.
.
.
.