Người đồng hành cùng nỗi đau

.

ĐNO - Bằng cái tâm và sự đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh, chị Lê Thị Sinh (31 tuổi), nhân viên tư vấn của Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội đến với nghề công tác xã hội. Thời gian qua, chị đã hỗ trợ, giúp đỡ, tư vấn cho nhiều trường hợp mà chủ yếu là trẻ em, giúp các em vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Chị Sinh (giữa) đang cùng học với trẻ tự kỷ.
Chị Sinh (giữa) đang cùng học với trẻ tự kỷ.

Dù ngồi trong phòng nhưng công việc của chị Sinh cũng như nhiều nhân viên trực tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 khu vực Miền Trung – Tây Nguyên khá áp lực bởi họ phải nghe điện thoại liên tục, tiếp nhận và xử lí các thông tin liên quan tới trẻ em; mua bán người. Đặc biệt, chị còn phối hợp chuyển tuyến các trường hợp liên quan đến xâm hại trẻ em, vi phạm quyền trẻ em, đồng thời tham vấn, tư vấn qua điện thoại các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Không chỉ vậy, chị Sinh đã trực tiếp hỗ trợ sơ cứu tâm lý khẩn cấp cho trẻ em bị xâm hại tại khu vực Miền Trung – Tây Nguyên; thực hiện việc đánh giá, trị liệu tâm lý cho trẻ bị xâm, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác cần hỗ trợ về tâm lý; hỗ trợ trẻ em có rối loạn phát triển, rối nhiễu tâm lý thuộc hộ nghèo.

Đồng thời tư vấn, tham vấn qua Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 hỗ trợ tư vấn đối với khoảng trên 2.500 cuộc gọi là áp lực không nhỏ đối với chị cũng như các đồng nghiệp. Mỗi lần nhấc máy "Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 xin nghe…" là một lần chị phải nghe một câu chuyện đau lòng, đó có thể là một em bị xâm hại hay một trường hợp đang gặp khó khăn, áp lực trong học tập, khó khăn trong xử lý các mỗi quan hệ…

Từng cuộc gọi đến đều được chị cẩn thận ghi chú chi tiết trên bảng quản lý thông tin nội bộ, quá trình xử lý cụ thể từng vụ việc… để kết nối can thiệp kịp thời.

Đơn cử, mới đây, chị đã tư vấn, giúp đỡ cho 1 trường hợp (13 tuổi) bị bố dượng xâm hại. Cô bé bị san chấn tâm lý đến nỗi cứ cười nói liên tục. Sau khi bố dượng bị bắt, cô bé vẫn không thể trở lại bình thường, mẹ em phải nhờ Trung tâm hỗ trợ, can thiệp giúp em. Sau khi tiếp cận cô bé, mất một khoảng thời gian, bằng các phương pháp hỗ trợ, đến giờ em đã trở lại bình thường và tiếp tục đi học.

Đặc biệt, thời gian qua, chị đã phối hợp chuyển tuyến, can thiệp hỗ trợ thành công 67/67 trường hợp liên quan đến xâm hại trẻ em; vi phạm quyền trẻ em theo đúng quy trình.

Chị còn cùng cán bộ địa phương, cán bộ pháp luật hỗ trợ khẩn cấp, có hiệu quả tất cả các trường hợp trẻ em bị xâm hại có tổn thương nặng về tâm lý tại khu vực Miền Trung - Tây Nguyên; giúp trẻ ban đầu ổn định về mặt cảm xúc, tinh thần; gia đình các trẻ có kỹ năng theo dõi chăm sóc trẻ trong giai đoạn khó khăn.

Đồng thời thực hiện việc đánh giá, trị liệu tâm lý cho hơn 30 trường hợp là trẻ bị xâm, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác cần hỗ trợ về tâm lý; hỗ trợ trẻ em có rối loạn phát triển, rối nhiễu tâm lý. Chị cùng đồng nghiệp phối hợp tham gia về truyền thông để nhận cao nhận thức cho học sinh Trung học cơ sở về chăm sóc sức khỏe tâm thần, phòng ngừa rối nhiễu tâm trí trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Chị Sinh còn có sáng kiến: “Rà soát các nền tảng trực tuyến để ứng dụng một cách phù hợp trong hoạt động tiếp nhận, tham vấn, trị liệu tâm lý online cho trẻ em và thanh thiếu niên” được đồng nghiệp và cấp trên đánh giá cao. Với chị, niềm vui là mỗi ngày có thể giúp cho nhiều em thoát khỏi khó khăn trong cuộc sống, bảo vệ, giúp đỡ các em dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.

THIÊN DI

;
;
.
.
.
.
.