Chàng trai mồ côi "nuôi" người nghèo

.

ĐNO - Thấu hiếu sự khó khăn mà những người nghèo, người yếu thế, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo... gặp phải trong cuộc sống, suốt nhiều năm nay, anh Đào Văn Vĩnh (32 tuổi, trú quận Cẩm Lệ) từng ngày, từng giờ tổ chức căn bếp yêu thương để trao suất ăn cho những mảnh đời kém may mắn.

.
Anh Đào Văn Vĩnh (thứ hai, bên phải sang) trao suất quà cho những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố.

Vĩnh bắt đầu làm thiện nguyện từ khi còn học trường cao đẳng trên địa bàn. Rồi lúc ra trường, anh tiếp tục làm thiện nguyện giúp ích cho cộng đồng. Hai năm trở lại đây, khi được nhiều bạn bè biết đến và giúp sức, anh Vĩnh tiếp tục mở rộng bếp ăn giúp đỡ người khó khăn ở chính thành phố mình sinh sống.

Từ những ngày cuối năm 2018, chàng trai quê Quảng Nam này đã khai trương tiệm bánh mì 0 đồng của mình tại số nhà 117/10 đường Ngô Gia Tự (quận Hải Châu). Tiệm bánh của Vĩnh khi ấy phát đi mỗi ngày hơn trăm ổ bánh mì đầy ắp nhân thịt cho người lao động khó khăn.

Đến những ngày toàn thành phố Đà Nẵng phong tỏa "ai ở đâu ở yên đó" để phòng chống Covid-19 cứ một hai ngày Vĩnh lại chi tiền nấu món này món kia tặng bà con trong tổ dân phố, các hộ khó khăn trong phường. Khi thì bún, mỳ, bánh canh, bánh giò khi là những suất ăn nóng hổi được anh nấu, chia phần và treo trước cửa từng nhà...

Dù tình hình dịch bệnh khó khăn nhưng Vĩnh và nhóm bạn làm thiện nguyện vẫn duy trì các suất ăn tặng bệnh nhi ung thư. Nhóm anh Vĩnh là địa chỉ đồng hành với các bệnh nhi đang điều trị tại đây trong một thời gian khá dài. Những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng được anh cùng các bạn của mình chuẩn bị tỉ mỉ, đẹp mắt và rất ngon đã giúp các bé có thêm sức khỏe và san sẻ áp lực khó khăn về thực phẩm đặc biệt trong mùa dịch.

Đến hiện tại, nhóm thiện nguyện của anh Vĩnh có hơn 15 tình nguyện viên. Từ những nồi cháo yêu thương, khi đã có thêm đồng đội, các quán cơm 2.000 đồng, bánh mì 0 đồng, suất ăn miễn phí cho bà con lao động nghèo... đã được gia tăng số lượng. Ngoài thời gian dành cho công việc tư vấn bảo hiểm, vừa kinh doanh nhỏ, anh Vĩnh lại tất bật với căn bếp yêu thương.

Kỷ niệm khiến anh nhớ nhất hình ảnh có một gia đình đi chăm bệnh tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng đang gặp khó khăn và chưa có tiền mua bữa trưa. Khi nhận được suất cháo nóng, họ đã rất mừng. Điều đó cho anh cảm giác còn nhiều người khó khăn cần những suất cháo mình nấu. Để mang hàng trăm suất cháo đến bệnh viện, ngoài giờ làm, anh Vĩnh tự mình đi chợ chọn nguyên liệu tươi ngon tại các chợ đầu mối trên địa bàn rồi tự tay nấu những nồi cháo "khổng lồ" để trao tặng.

Khi được hỏi về lý do tổ chức bếp ăn này xuyên suốt nhiều năm qua, Vĩnh vội lau giọt nước mắt trên gò má rồi bộc bạch rằng, Vĩnh mất mẹ từ khi còn nhỏ, anh là con thứ hai. Năm Vĩnh tròn 18 tuổi, ba anh cũng qua đời. 

"Cuộc đời lúc đó coi như đã kết thúc với tôi khi có ngày không còn ổ bánh mỳ mà ăn. Nhưng may thay có một nhà hảo tâm sống tại Thành phố Hồ Chí Minh trao cho mấy chị em 10 triệu đồng để mưu sinh. Sau này khi đã dần no đủ, tôi luôn khắc nhớ trong đầu rằng cuộc đời đã giúp mình tồn tại, nhất định mình phải báo đáp cuộc đời. Những nồi cháo hay tiệm bánh mỳ này là vì lý do đó mà ra".

Với tinh thần 'Lá lành đùm lá rách', những bữa ăn đầy ắp dinh dưỡng của Vĩnh tuy chưa phải là lớn lao, nhưng nó như một chiếc phao cứu sinh cho những người nghèo, người yếu thế hay các bệnh nhân đang ngày ngày chống chọi với bệnh tật.

LÂM NGÂN

 

 

;
;
.
.
.
.
.
.