.

Thèm về quê ăn Tết

.

(ĐNĐT) - Đọc bài báo “Sum họp chiều cuối năm” tôi rất xao lòng, nước mắt lưng tròng mừng cho những gia đình đã sum họp đoàn viên trong mấy ngày Tết dân tộc.

Cuối cùng, các bạn còn có một chỗ đi về gọi là tổ tiên nhưng vẫn còn đâu đó biết bao con người tha phương nơi miền hẻo lánh hay đón Tết bằng những bông tuyết dài phủ trắng.

Tôi cũng là một người con xứ Quảng, xa quê nơi xứ người từ ngày mới chập chững vào đời. Nơi quê nhà, Ông Bà Cha Mẹ đã mất, vườn tược hoan vu không người chăm sóc. Cuộc sống lắm khó khăn khiến chúng tôi chùn bước khi nghĩ về cái Tết quê hương, nhưng từ trong sâu thẳm tôi đã nao núng có một chỗ để đi về đoàn tụ trong những ngày Tết thiêng liêng. Mấy năm qua tôi cũng chỉ đón Tết trên từng trang báo hay sóng vô tuyến VTV mà nước mắt không ngừng rơi trong thời khắc giao mùa.

Mỗi con người chúng ta đều có hoàn cảnh khác nhau, ngày Tết ai cũng muốn đoàn tụ với gia đình, về lại cái nơi mà mình sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Âu đó cũng là việc trả hiếu với gia đình, trả nghĩa với tình làng xóm thân quen.

Đêm nay đã hơn 4 giờ sáng của ngày mồng một Tết rồi. Một mình tôi trong căn phòng tĩnh lặng, mắt nhắm nhưng không sao ngủ được, nhẹ nhàng thắp 3 nén nhang trên bàn thờ tổ tiên mà lòng không giấu hết nỗi nhớ nhung, thẫn thờ với đôi mắt rưng rưng nhìn về một phương trời xa xăm nơi quê Mẹ. Mùi hương thơm quen thuộc hòa lẫn trong dư âm ngày Tết đã khiến cho tôi sống về ký ức tuổi thơ với cái nơi mà tôi đã sinh ra và lớn lên. Đã hơn 26 năm rồi kể từ ngày tôi cất bước sang Tây, cái nơi mà tôi cho là thiên đường lý tưởng với bao giấc mộng đổi đời tươi sáng cho tương lai và cũng là 26 năm tôi chưa một lần được ăn Tết quê hương vì một thời đèn sách và lập nghiệp nơi xứ người.

Hỡi những ai còn có gia đình, hãy biết quý trọng và gìn giữ, đừng để sau này như tôi, thèm muốn một chỗ để đi về mà không có được.

Từ phương trời xa xôi này, trước thềm năm mới, tôi không có gì hơn kính chúc mọi người, mọi nhà, bà con lối xóm thật nhiều sức khỏe - thịnh vượng, an khang và gia đình hạnh phúc.

Anh Nguyễn Hữu Hường

(Người Điện Bàn, Quảng Nam, đang định cư tại Farmava, Cộng hòa Séc)

;
.
.
.
.
.