.

Huyền diệu mới bắt đầu...

.

Đối với quy luật của tạo hóa, 20 năm chỉ là chu kỳ tuần hoàn của ngày và đêm. Đối với lịch sử nhân loại, 20 năm chỉ là cái “nháy mắt”. Nhưng đối với Đà Nẵng, 20 năm vừa qua là 20 năm huyền diệu. Sự huyền diệu đó như là câu chuyện nàng Lọ Lem sau một đêm trở thành công chúa. Sự huyền diệu đó cũng giống như việc khiến một người có thể yêu thương một vùng đất lạ như là quê hương của mình!

Vòng quay Mặt trời tại Công viên Châu Á. 					       Ảnh: KIM LIÊN
Vòng quay Mặt trời tại Công viên Châu Á. Ảnh: KIM LIÊN

Bao nhiêu câu chữ cũng không thể diễn tả hết cung bậc cảm xúc của tình yêu. Sự yêu thương đối với một mảnh đất nào đó cũng vậy. Khi bạn đi nhiều nơi, bạn mới có thể biết được tình yêu đó lớn mức nào! Một Sài Gòn hào hoa, quyến rũ; một Đà Lạt lãng mạn trong ngàn hoa khoe sắc; một Nha Trang xinh đẹp với bờ biển xanh mát; một Huế cổ kính với những thành quách, lăng tẩm từ bao đời; một Hà Nội cuốn hút bởi lịch sử 1.000 năm Văn hiến; một Sa Pa say đắm trong sương mù nhòa trắng những con đường… Đó là tất cả những nơi tôi đã đi, nhưng sau tất cả tôi vẫn muốn về Đà Nẵng của tôi. Hãy cùng tôi lật lại câu chuyện cổ tích từ 20 năm trước ở thành phố nàý, chắc có lẽ bạn cũng sẽ yêu mảnh đất này như tôi thôi!

Đà Nẵng của 20 năm về trước…

Ngày đó, khi tôi còn là đứa trẻ lớn lên gắn liền với những con đường làng quanh co, với lũy tre, giếng nước, với mái nhà tranh nhỏ bé… Hình ảnh về một thành phố chỉ được biết qua chiếc ti-vi nhỏ xíu. Nơi đó có những ngôi nhà cao tầng, có phố xá nhộn nhịp đông vui, có những con người thật đẹp trong áo quần lộng lẫy… Rồi trong một dịp nghỉ hè, tôi cũng được đến “thành phố”… Nơi đầu tiên tôi đến là biển Non Nước.

Có lẽ tôi đã bị cuốn hút từ đây! Biển hiện ra trước mắt tôi như một bức tranh vẽ. Dưới ánh nắng vàng tươi của mùa hè, biển xanh hơn, bờ biển như dải lụa vàng chạy đến vô tận, những cơn sóng thi nhau vỗ bờ bung nước trắng xóa… Gần đó có mấy hàng phi lao như đang nhờ gió mà thì thào với nhau… Chưa hết ngạc nhiên vì sự to lớn của biển, tôi lại thấy thật lạ lẫm khi một dải đất bằng phẳng có 5 ngọn núi nhô lên thật uy nghiêm, vững chãi giống như những chàng lính ngự lâm đang che chở cho vùng đất này… Ba nói đó là cụm Ngũ Hành Sơn.

Đi dọc theo con đường Lê Văn Hiến, tôi có chút thất vọng khi thành phố hiện ra trước mắt tôi không như trên ti-vi. Nhà cửa ở đây không quá thưa thớt như quê tôi, nhưng cũng chỉ là những dãy nhà nhỏ bé nằm sát nhau, đường phố trồi sụt những ổ gà, một cơn gió rít qua khiến bụi bay mù mịt… Một cơn mưa chiều mùa hè ập tới đủ làm những con đường quanh đây lập tức trở thành những dòng sông nhỏ không biết chỗ nào có ụ nước sâu…

Hôm sau, ba dẫn tôi đến một dòng sông mà ba nói “Đầu con sông này có một phần sông nước sông Vu Gia của mình chảy về, cuối dòng sông này là biển đó con, bởi vậy người ta còn gọi Đà Nẵng là thành phố “đầu biển cuối sông”. Con sông ở giữa lòng thành phố nhưng ấn tượng đầu tiên của tôi là một con sông có phần nào giống sông quê tôi. Cỏ cây chen chúc nhau mọc dọc bờ sông, cũng có những chiếc ghe nhỏ bé, đơn điệu, cũng có bến phà chở người qua sông. Còn có những mái nhà chồ lụp xụp bé nhỏ nằm lênh khênh chen chúc nhau…

Thành phố đây ư? Tôi tự hỏi “sao khuôn mặt họ vẫn đầy những khắc khổ, sao cuộc sống họ cũng lênh đênh như những chiếc ghe nhỏ bé giữa dòng nước lớn kia, họ không trong những bộ váy áo lộng lẫy như “người thành phố”, nhà của họ cũng xiêu vẹo có khi còn hơn cả quê mình…? Ba nói “đây là bờ đông sông Hàn, qua bờ bên kia con sẽ thấy đó mới thật sự là “thành phố”…

Theo chiếc phà bên bờ đông rời bến, nhìn qua bên kia cũng có một chiếc phà rời bến, hai chuyến phà ngược nhau, khi họ đi qua nhau trao nhau những cái vẫy tay, những nụ cười đầy thân thiện. Có vài người vui vẻ hát: “Ở bên ni Hàn ngó qua bên tê Hà Thân nước xanh như tàu lá/ Ở bên tê Hà Thân ngó qua bên ni Hàn thấy phố xá nghênh ngang…” .

Qua đến bờ tây, đúng là có sự khác biệt lớn. Những con đường Bạch Đằng, Trần Phú, Phan Châu Trinh… nhộn nhịp và tấp nập hơn hẳn, xe cộ cũng đông hơn, cũng có vài cái nhà là “nhà phố”, đường sá cũng “xịn” hơn, con người trông cũng đẹp hơn… Ba dừng xe lại hỏi đường một chú đang đi: “Đường đến chợ Cồn đi răng rứa anh?”; lúc đầu tôi hơi ái ngại, vì ý nghĩ “họ là người thành phố chắc chẳng chịu giúp người quê như ba con tôi đâu?”.

Đáp lại ánh mắt pha chút hoài nghi của tôi là nụ cười thân thiện và lời chỉ đường tận tình đến mức một đứa bé hơn 10 tuổi như tôi cũng có thể mường tượng đường đến chợ Cồn. Chuyến đi đầu tiên đến thành phố khép lại, đọng lại trong tôi không phải là cái hoa lệ, lung linh như người ta vẫn hay nghĩ về thành phố, mà đó là bãi biển xanh mát, là những con người vất vả mưu sinh nhưng vẫn rạng rỡ nụ cười, là cái gần gũi, dễ thương của người Đà Nẵng và cả những khác biệt về cuộc sống con người hai bờ sông Hàn.

Cũng những năm tháng đó, ở quê, cứ mỗi lần bật radio mỗi sáng tôi lại nghe cô phát thanh viên đọc “Danh sách những tập thể và cá nhân đóng góp xây dựng cầu Sông Hàn”. Một đứa con nít mới hơn 10 tuổi lại tò mò, lại những câu hỏi tại sao: “Cầu to thế kia mà sao quay được?”, “Cầu bắc qua sông không phải là tiền Nhà nước hay sao mà dân lại đóng góp?”… Càng tò mò bao nhiêu tôi lại càng mong đến kỳ nghỉ hè để ra thành phố ngắm cây cầu “biết quay” bấy nhiêu.

Cuộc sống, công việc và học hành bận rộn, mãi đến một ngày cuối năm 2003, tôi mới có dịp quay lại thành phố này… Ngày đó, khi đang hiếu kỳ về chiếc cầu quay, tôi càng không khỏi tò mò khi thấy trước Nhà hát Trưng Vương cờ hoa phất phới, mọi người đều rạng ngời trông như ngày Tết… Ừm, thì ra hôm nay Đà Nẵng công bố đạt đô thị loại 1 cấp quốc gia! Nhanh thật đó, mới đó mà đã 7 năm trôi qua, Đà Nẵng hôm nào vẫn còn nhếch nhác với những mái nhà lụp xụp, vẫn còn những chuyến phà “oằn mình” chở những lo toan cơm áo, gạo tiền thì giờ đã có ngày vui như trẩy hội.

Hai bờ đông tây kết nối bằng cây cầu được xây dựng chủ yếu từ những đồng tiền của nhân dân tự nguyện đóng góp, sông Hàn cũng trở nên đẹp hơn, thơ mộng hơn. Rồi một mốc son mới lại đánh dấu, Đà Nẵng đã chính thức trở thành đô thị loại 1, là trung tâm của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Ngày đó - một ngày của năm 2006, tạm biệt làng quê yên bình, bỏ lại sau lưng những bản đồng ca không theo nhịp điệu nào của lũ côn trùng quanh vườn quê,… tôi đến với thành phố này không phải để dạo chơi như những lần trước nữa… mà là một người “ở nhờ”. Đan xen giữa cảm giác thân quen, gần gũi vẫn có chút gì đó xa lạ, bỡ ngỡ trong tôi.

Có lẽ vì giờ đây Đà Nẵng khác quá, xe cộ nhộn nhịp, tấp nập hơn đã đành… giờ còn là nơi “tá túc” của nhiều người ở nhiều vùng khác. Lớp học của tôi có khoảng hơn 100 sinh viên nhưng quê quán trải dài từ Bắc tới Nam…

Rồi không biết từ bao giờ, cảm giác của người con xa quê mất đi, Đà Nẵng - nơi tôi và họ chỉ là người “ở nhờ” kết nối chúng tôi bằng “chất keo” của những mộc mạc, thân thương. Mỗi kỳ nghỉ về quê, tôi lại đem những câu chuyện về cụ ông cụ bà bán xôi dọc vỉa hè, về cô đẩy xe hủ tiếu đi bán dọc đường, về những người công nhân quét rác vào những sáng tinh mơ cho bà tôi nghe… “Người thành phố họ cũng chịu thương chịu khó như người quê mình lắm đó nội ơi!”. Đà Nẵng dễ thương là vậy nhưng vẫn tồn tại đó hai chữ “giá như” trong tôi, giá như những cảnh kẹt xe trong khói bụi, tiếng còi inh ỏi ở ngã ba Huế không còn, giá như những ụ gà lỗ chỗ, mùa mưa nước ngập không biết bước chỗ nào ở những con đường như Phạm Như Xương, Ngô Thì Nhậm, Lê Văn Hiến, Phan Văn Định… mất đi.

Đà Nẵng của hôm nay…

Nếu như 20 năm trước, Đà Nẵng cuốn hút tôi bởi bãi biển xinh đẹp, bởi những hình ảnh đời thường giản dị, Đà Nẵng hôm nay trong tôi là nỗi nhớ cho mỗi chuyến đi xa, là niềm tự hào mỗi khi nhắc tới bởi điều gì đó tựa mơ hồ không thể xác định cân đo, đong đếm.

Đó là những cây cầu bắc qua sông với những kiến trúc độc đáo, lung linh sắc màu khi đêm về; là những du thuyền lộng lẫy chạy giữa dòng sông chở nụ cười, niềm vui của du khách trong nước và quốc tế; là Vòng quay Mặt trời rực rỡ tọa lạc ở Công viên Châu Á nguy nga, tráng lệ; là cảnh đông vui, náo nhiệt của Vũng Thùng hoang sơ, tiêu điều trước đây; là hầm đường bộ xuyên đèo Hải Vân; là lễ hội truyền thống bao đời nay vẫn tồn tại trong không gian của thành phố hiện đại; là thành phố không có người lang thang xin ăn…

Hay là những cái không nơi đâu có được: Có mấy nơi nào có Bệnh viện Ung bướu miễn phí cho người nghèo mà lại khang trang, tiện nghi. Có mấy nơi nào có nhà vệ sinh miễn phí với khẩu hiệu “Thoải mái như ở nhà”. Có mấy nơi nào wifi lại phủ sóng miễn phí cả thành phố. Có mấy nơi nào ẩm thực phong phú, giá rẻ không lo chặt chém như Đà Nẵng…

Tất cả những điều đó có thể lôi cuốn chúng ta đến thành phố này nhưng để yêu thương sâu sắc một nơi thì chừng đó là chưa đủ. Mảnh đất này đã dệt nên những “sợi nhớ sợi thương” trong trái tim bao người đặt chân đến bởi chính con người Đà Nẵng. Họ của 20 năm trước hay họ của hôm nay vẫn vậy, cần cù, chịu khó, gần gũi.

Họ đã chân thành đặt trọn niềm tin của mình vào những người lãnh đạo tâm huyết. Để rồi từ đó, cả cán bộ và nhân dân đã chung sức chung lòng bước ra khỏi những bi thương của chiến tranh ác liệt, đi qua những ngày lênh đênh sông nước, đứng vững trước những cơn giận dữ của thiên tai bão lũ.

Tất cả họ đều hướng tới việc xây dựng một thành phố năng động, hiện đại nhưng gần gũi, thân thiện. Vẫn mãi còn đó hình ảnh những câu chuyện xung quanh quán cơm 2.000 đồng phục vụ dân nghèo và học sinh, sinh viên; những bình trà đá miễn phí dọc các con đường thành phố mỗi khi hè về; những câu chuyện cảm động về Cảnh sát giao thông Đà Nẵng; những gương sáng vượt khó học giỏi như em Đỗ Kiều Thanh Hiền (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) hay tấm lòng của Đại tá Lâm Quang Minh miệt mài giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, kể cả bán đi ngôi nhà của mình để dành tiền trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó… Đặc biệt, sẽ còn mãi với ký ức về người “kiến trúc sư” của thành phố tài giỏi nhưng gần gũi - Bác Nguyễn Bá Thanh…

Hay đơn giản chỉ là nụ cười thân thiện của cô chủ quán cà-phê, của cụ bà bán xôi bên đường mỗi sáng… Theo dòng chảy của thời gian, cuộc sống họ cũng thay đổi theo những đổi thay của thành phố, nhưng cái bản tính hiền lành, dễ thương đã ăn sâu vào máu thịt họ… Đó chính là dấu ấn lớn nhất trong suốt 20 năm qua của thành phố.

Thế nhưng bên cạnh những thành quả đạt được, Đà Nẵng vẫn còn nhiều việc cần phải làm. Tình trạng cá chết nổi trắng hồ ở Công viên 29-3, kênh Đa Cô… đặt ra những câu hỏi về môi trường. Vụ chìm tàu Thảo Vân 2 ở sông Hàn đã khiến không ít người e ngại… Tình trạng kẹt xe bắt đầu xuất hiện tại một số tuyến đường giờ cao điểm…

Vẫn còn đó những vụ tai nạn giao thông thương tâm; hình ảnh một số cá nhân rồ ga, chạy lạng lách; những vụ giết người vì mâu thuẫn xã hội; những cảnh chèo kéo du khách... Những điều đó đã “quệt” thành những mảng tối của bức tranh về Đà Nẵng xinh đẹp…

Đâu đó ta vẫn còn thấy những đứa trẻ ngây thơ phải vất vả mưu sinh, những cụ bà, cụ ông lưng khòm sát đất vẫn phải lo toan gánh nặng cơm áo… Những điều đó là những nốt trầm trong bản nhạc sôi động về nhịp sống thành phố.

Dẫu còn nhiều “vết tối” phải xóa bỏ để hoàn thiện bức tranh lung linh về Đà Nẵng văn minh, hiện đại; thế nhưng, người Đà Nẵng hôm nay có quyền tự hào về những gì 20 năm qua họ làm được. Đó giống như một câu chuyện cổ tích huyền diệu, để rồi Đà Nẵng hôm nay say đắm lòng người không chỉ bởi vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng mà còn bởi câu chuyện cổ tích do chính họ viết nên.

Đó là kết quả trái ngọt cho bao nhiêu máu đã đổ từ những năm tháng chiến tranh ác liệt, bao nhiêu mồ hôi đã rơi cho những lao động vất vả, bao đêm trằn trọc về xây dựng thành phố của những nhà lãnh đạo tâm huyết. Đó là kết quả nhưng không phải là kết thúc mà chỉ là điểm khởi đầu, là một trang mới được lật mở. “Đà Nẵng ơi! Huyền diệu mới bắt đầu!”.

“Theo dòng chảy của thời gian, cuộc sống họ cũng thay đổi theo những đổi thay của thành phố, nhưng cái bản tính hiền lành, dễ thương đã ăn sâu vào máu thịt họ… Đó chính là dấu ấn lớn nhất trong suốt 20 năm qua của thành phố”.

Đọc “Huyền diệu mới bắt đầu...”, có cảm giác tác giả là người kể chuyện, những câu chuyện dung dị, đời thường gắn với những đổi thay theo thời gian của Đà Nẵng. Phải là một người hiểu và yêu thành phố này lắm lắm, ngay từ “cái nhìn” đầu tiên của 20 năm trước, Nguyễn Thị Hoài Thu mới có những cảm nhận rất nhẹ nhàng nhưng tinh tế. đó là cảm nhận của người quá thấu hiểu từng bước đi của thành phố này.

Tác giả dùng phép so sánh quá khứ và hiện tại để diễn đạt tâm ý, cảm nhận của mình về những đổi thay, phát triển, trong đó nhấn mạnh đến những con người bình dị, những công dân bình thường của Đà Nẵng. Rõ ràng đây là một góc nhìn khác về Đà Nẵng an bình, đáng sống, ở những con người có “cái bản tính hiền lành, dễ thương đã ăn sâu vào máu thịt”... Chính cái bản tính này của Đà Nẵng cũng là một dấu ấn đậm nét trong chặng đường 20 năm phát triển của thành phố này!

Nhà báo Đà Nam

NGUYỄN THỊ HOÀI THU

;
.
.
.
.
.