"Đọc Tây hành nhật ký, người đọc sẽ cảm thấy rưng rưng xúc động trước tấm lòng hoài hương của những người Việt vì hoàn cảnh phải sống xa Tổ quốc, khi nghe tin đồng bào mình hiện diện tại thủ phủ Paris, đã vội vàng tìm mọi cách liên lạc để thỏa niềm mong nhớ".
Tây hành nhật ký, dưới danh nghĩa là nhật ký của chung sứ bộ Phan Thanh Giản, nhưng trên thực tế do chính Phó sứ Phạm Phú Thứ soạn thảo. |
Sứ bộ Phan Thanh Giản sang Pháp năm 1863 để đưa quốc thư bàn việc chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam kỳ không phải là sứ bộ đầu tiên của Việt Nam đến đất nước châu Âu này. Trước đó 23 năm (1840), đã có một sứ bộ do Tôn Thất Thường cầm đầu đến Paris với những mục đích không được công bố rõ. Tuy nhiên, sứ bộ Phan Thanh Giản được giới sử học đặc biệt chú ý, chẳng những vì qui mô nhân sự và mục tiêu quan trọng của chuyến đi, mà còn vì một tài liệu quý vừa là bản tấu của sứ bộ dâng lên nhà vua, vừa là một tập du ký ghi chép thật tỉ mỉ và tinh tế những chuyện mắt thấy tai nghe trong suốt cuộc hành trình.
Tập tài liệu đó là Tây hành nhật ký, dưới danh nghĩa là nhật ký của chung sứ bộ Phan Thanh Giản, nhưng trên thực tế do chính Tả Tham tri Lại bộ, Phó sứ Phạm Phú Thứ soạn thảo.
Nhật ký gồm ba quyển, quyển 1 được Ngô Đình Diệm, sinh viên trường Hậu bổ (sau làm Tổng thống ngụy quyền tại miền Nam) dịch ra tiếng Pháp, đăng trên Tập san Đô thành Hiếu cổ (Bulletin des Amis du Vieux Hue – BAVH) năm 1919; quyển 2 do Trần Xuân Toản dịch ra tiếng Pháp, cũng đăng trên BAVH năm 1926.
Tại miền Nam, Tây hành nhật ký được dịch ra Việt ngữ lần đầu tiên vào những năm 1960-1962, đăng trên tạp chí Văn Đàn, dịch giả là các ông Tô Nam, Nguyễn Đình Diệm, chuyên viên Hán học trường Viễn Đông bác cổ Sài Gòn và Văn Vinh - Lê Khải Văn. Bản dịch trên dựa vào bản sao lục bằng tiếng Hán do cháu gọi bằng chú của tác giả là Phạm Phú Lâm (từng giữ chức Khâm sai Tả trực kỳ vào năm 1886) và người đồng châu là Trương Trọng Hữu sắp xếp thành tập.
Bản dịch trên có ưu điểm là các dịch giả vận dụng sở học để ghi lại nguyên ngữ nhiều nhân danh và địa danh đã được Phạm Phú Thứ phiên âm ra cách đọc của người Việt, mà nếu thiếu nguyên ngữ, người đọc sau này sẽ gặp nhiều khó khăn, ví dụ nước Ai Cập (Egypte) được người soạn ghi là Y-Diệp, cảng Suez viết là Khu-ét, Le Caire thì viết là thành Ke, thiếu tá Pháp Rieunier âm là Lý-A-Nhe, Aubaret thì âm là A-Ba-Ly… Tuy nhiên, một số địa danh và nhân danh vượt ra ngoài khả năng tìm hiểu và suy đoán, người dịch không thể chú thích gì sau phần phiên âm của tác giả.
Đúng với nghĩa nhật ký, tập văn ghi chép những việc xảy ra hằng ngày, từ thời điểm sứ bộ xuống tàu rời Huế ngày 21-6-1863, đến ngày tàu đưa sứ bộ trở lại Việt Nam, về đến cửa Thuận An ngày 28-3-1864. Ba ngày sau, tập sách được trình lên vua Tự Đức, dòng cuối ghi rõ “thần Phạm Phú Thứ phụng thảo”.
Có thể xác định Tây hành nhật ký là tập du ký đầu tiên của người Việt viết về sinh hoạt của một số nước phương Tây (Pháp, Tây Ban Nha, Ý). Điều đáng nói ở đây là vừa với nhiệm vụ của một đại thần nhận lãnh sứ mệnh trọng đại do nhà vua giao phó, vừa bằng một tinh thần học hỏi, một óc nhận xét tinh tế, Phạm Phú Thứ đã mang lại cho người đọc nhiều chi tiết thú vị về những vùng đất ông đã đi qua, như cảng Aden, Le Caire, cảng Alexandrie, Toulon, Marseille…
Một sự tình cờ buộc sứ bộ phải lưu lại rất lâu tại công quán ở thủ đô Paris, do hoàng đế Napoléon III đang đi tuần sát phương xa, do đó đã được các viên chức Pháp hướng dẫn đi xem hát, đến thăm các xưởng dệt thảm, lò gốm, xưởng chế tạo hạt nổ, các xưởng đắp tượng, làm giấy, sản xuất thuốc lá, chế tạo pha lê…, tại mỗi nơi, vị sứ thần đều miêu tả từng chi tiết diễn ra trước mắt, chẳng hạn, ông đã kể lại cảnh xem hát như sau:
“… Nói về cách thức diễn, cứ hết một hồi thì bức màn từ từ hạ xuống che kín sân khấu, khi nào bên trong dàn cảnh xong thì rung chuông báo hiệu, âm nhạc nổi lên, bức màn lại dần dần cuộn lên. Ca đồng, vũ nữ nhảy múa theo nhịp đàn sáo, tuy nhiều âm thanh, nhưng không hề thấy loạn xạ hay mất trật tự…” (Văn Đàn số 44 – 1960).
Hình ảnh một buổi xem hát như trên vẫn còn tồn tại ở Việt Nam vào những thập niên 1940-1950. Ở một đoạn khác, tác giả mô tả kỹ thuật đưa tàu vào xưởng sửa chữa ở cảng Toulon khá độc đáo:
“Còn vũng sửa tàu thì là một cái bể chiều dài hơn chiếc tàu, mặt trước có cửa sắt để dẫn nước bể. Lúc muốn sửa, người ta mở cửa cho nước bể chảy vào ngang với mực nước bên ngoài rồi dắt tàu vào đặt trên chiếc giá bằng sắt, bấy giờ mới đóng cửa lại; dùng máy để bơm hết nước bên trong ra. Khi nước ra hết thì chiếc thân tàu nằm lại ở trên giá, bấy giờ thợ thuyền cứ việc đứng dưới sửa chữa, khi nào chữa xong thì lại mở cửa cho nước chảy vào để cho chiếc tàu nổi lên trên giá, người ta chỉ việc mở máy cho tàu tiến ra, coi rất nhẹ nhõm, mà không hề dùng đến nhân lực…” (Văn Đàn số 44 – 1960)
Ở từng trang ghi chép, Tây hành nhật ký cung cấp cho người đọc những tư liệu mới mẻ trong kho tàng kiến thức, chẳng hạn như về mặt nhiếp ảnh, có thể xác định Phan Thanh Giản là người Việt Nam đầu tiên được chụp ảnh chân dung, và thời điểm ra đời bức ảnh đầu tiên chụp vị chánh sứ này là ngày 20-9-1863:
“… Đến giờ ngọ thì giời hơi tạnh. Thần đẳng (cách xưng hô của các quan với nhà vua) vận triều phục chỉnh tề rồi lên trên lầu chụp ảnh… Còn phương pháp chụp ảnh thì trước hết thấy lấy nước thuốc xoa vào miếng kính rồi đặt vào ống; người đứng phía trước nhìn thẳng vào miệng ống; hình người sẽ do ánh sáng mặt trời in vào miếng kính, tơ tóc không sai mảy may… từ hôm ấy trở đi, các quan chức luôn luôn đem thợ đến quán, yêu cầu thần đẳng để cho họ chụp mấy tấm để tặng thần đẳng và bạn hữu…” (Văn Đàn bộ mới số 2–1961).
Về mặt tôn giáo, Petrus Trương Vĩnh Ký là một trong những giáo dân Công giáo Việt Nam đầu tiên được diện kiến Đức Giáo hoàng, nhân dịp sứ bộ ghé lại Rome:
“… Nay cứ theo lời Trương Vĩnh Ký thuật lại, trong chuyến thăm tỉnh Rô-ma này, các nhân viên trên tàu có mua rất nhiều chuỗi tràng hạt và thánh giá. Họ kể lại khi được vào bái kiến Đức Giáo hoàng thì rất trọng thể, uy nghiêm… Đến lượt Trương Vĩnh Ký, đức Giáo hoàng hỏi: “Con ở đâu tới?”. Ký thưa là theo sứ đoàn. Đức Giáo hoàng lại hỏi: “Bên nước Nam, người tòng giáo nhiều hay ít?”. Ký thưa: “Nay bên nước con đã bỏ lệnh cấm theo, chắc rằng số tín đồ sẽ tăng…” (Văn Đàn bộ mới số 2 – 1961)
Đọc Tây hành nhật ký, sẽ thấy cách nay hơn 150 năm, nước Pháp đã có lệnh cấm hút thuốc trong rạp hát: “… trong nhà hát thì có lệnh cấm không hút thuốc lá… (Người phương Tây rất trọng phụ nữ, mà tính phụ nữ không thích hút thuốc, ngay khi ở nhà, người chồng nghiện thuốc mỗi khi muốn hút cũng phải tránh sang phòng bên, còn lúc ở trong phòng hát, hay ở trên xe, và lúc dắt tay dạo phố, cũng đều không dám hút cả…” (Văn Đàn số 44 – 1960).
Riêng phong tục bắt tay, đây có lẽ cũng là lần đầu tiên, những người Việt Nam đại diện cho một đất nước Á Đông tập làm quen: “Nói chuyện được một lát, viên ấy đứng dậy cáo từ; vừa nói, vừa tháo chiếc bít tất tay phải ra (..) và nói thêm rằng: “Ngày nay, chúng ta chẳng khác gì anh em, vậy xin cho tôi theo tục phương Tây chúng tôi để tỏ đôi chữ đồng tâm hiệp ý”, rồi ông bắt tay từ biệt. (Các viên chức Tây. Sau khi hội kiến với sứ bộ ta, lúc cáo biệt đều bắt tay thần đẳng, đủ cả ba người) (*)
* Đọc Tây hành nhật ký, người đọc sẽ cảm thấy rưng rưng xúc động trước tấm lòng hoài hương của những người Việt vì hoàn cảnh phải sống xa Tổ quốc, khi nghe tin đồng bào mình hiện diện tại thủ phủ Paris, đã vội vàng tìm mọi cách liên lạc để thỏa niềm mong nhớ.
Đó là trường hợp của bà Magdeleine Nguyễn Thị Sen (trong nhật ký, có chỗ ghi là Nguyễn Thị Liên), có chồng là Philippe Vannier, tên Việt là Nguyễn Văn Chấn, từng làm quan dưới thời vua Gia Long (1802-1820) và Minh Mạng (1820-1840), theo chồng về Pháp năm 1824 và ở Lorient từ ấy đến ngày qua đời.
Nghe tin sứ bộ đến Pháp, bà cùng con gái tức tốc đi xe lửa đến Paris, thuê chỗ trọ rồi tới thăm sứ bộ ngày 5-10-1863. Sứ bộ còn nấn ná ở Paris để chờ gặp Pháp hoàng, bà không rời chỗ trọ, bền lòng đợi đến hơn một tháng sau, ngày 7-11-1863, khi sứ bộ rời nước Pháp, hai mẹ con tiễn họ xuống tàu, nước mắt chảy dài, vì biết chẳng có ngày về thăm lại cố quốc. Người phụ nữ đáng thương đó còn sống trên đất Pháp 15 năm nữa, mất năm 1878, thọ 87 tuổi, tính đến thời điểm ấy bà đã ly hương 54 năm trời.
Người thứ hai tìm đến sứ bộ là Nguyễn Văn Đức (Michel Đức Chaigneau), con trai Jean Baptiste Chaigneau, tên Việt là Nguyễn Văn Thắng, cũng từng làm quan dưới hai triều Gia Long và Minh Mạng; mẹ là bà Benoite Hồ Thị Huề, mất năm 1815. Nghe tin sứ bộ đến Pháp, Đức cũng tìm đến thăm vào ngày 24-9-1863. Lúc đó ông đã 60 tuổi (sinh năm 1803), nhưng Phạm Phú Thứ ghi nhầm là 58 tuổi. Bốn năm sau (1867), Michel Đức Chaigneau xuất bản tại Paris tập Souvenirs de Hue (Hồi ức về Huế), kể lại cuộc sống ông đã trải qua tại Huế vào những thập niên 1800-1820.
* Bên cạnh những “người thật, việc thật” có tầm sử liệu cao, Tây hành nhật ký còn là cơ sở dữ liệu giúp các nhà nghiên cứu thẩm định tính chân xác của nhiều sự kiện hay giai thoại lịch sử, trong đó có “giai thoại” tùy tiện về chiếc khăn điều gói quần áo của Chánh sứ Phan Thanh Giản.
“Giai thoại” đó xuất phát từ tạp chí Phổ Thông phát hành ở Sài Gòn khoảng cuối thập niên 1950, kể rằng khi tàu đưa sứ bộ sang Pháp dừng lại kênh Suez, do yêu cầu của chính quyền địa phương, sứ bộ phải treo quốc kỳ lên cột buồm, nhưng túng quá, không tìm đâu ra cờ và vải để may cờ, sứ bộ đã “mượn tạm” chiếc khăn gói quần áo của cụ Phan Thanh Giản để làm cờ. Trên thực tế, Tây hành nhật ký đã viết khá rõ về trường hợp này:
“Nguyên khi tàu sắp vào cảng thì Lý A Nhe (Rieunier) cho biết rằng: “Đây sang Pháp, những nơi nào sứ bộ đi qua sẽ đều có nổ súng đón chào, vì thế cần phải có cờ sứ bộ trương lên đáp lễ”. Thần đẳng trả lời: “Chúng tôi hiện chỉ đem theo có lá quốc kỳ”. Viên đó xem xong bảo rằng: “Cờ này về phần màu sắc, lẫn lộn với cờ các nước, sợ khó phân biệt, vậy xin sứ bộ viết thêm mấy chữ của quý quốc vào đó thì hơn”. Thần đẳng nghe viên ấy nói như vậy, bàn nhau lấy ngay tơ đỏ thêu thêm bốn chữ “Đại Nam khâm sứ” vào giữa quốc kỳ và thêu tất cả hai mặt, rồi treo lên cột buồm giữa…” (Văn Đàn số 38 –1960).
Chuyện đã rõ, càng không có việc thiếu vải, vì trong cuộc hành trình, sứ bộ nhiều lần mang vải vóc, tơ lụa…. làm quà cho những viên chức địa phương đã dành cho họ sự đón tiếp trọng thị.
* Tây hành nhật ký cũng nêu rõ thông ngôn Trương Vĩnh Ký và Phủ Tôn Thọ Tường không phải là thành viên của sứ bộ như nhiều cây bút về sau đã hiểu nhầm. Họ (và một số người khác) chỉ là những viên chức trong bộ máy chính quyền của Pháp tại Sài Gòn, được cử vào đoàn viên chức Pháp tháp tùng để hỗ trợ sứ bộ.
* Cũng theo nhật ký, không có trường hợp vứt xác thành viên sứ bộ xuống biển khi qua đời, như có tài liệu đã nhầm lẫn. Trong chuyến đi, có hai trường hợp tử vong, một của thông ngôn Nguyễn Văn Trường, được an táng ở Aden ngày 9-8-1863; một của Chánh y sĩ Nguyễn Văn Huy, mất ngày 29-8-1863, được an táng ở Alexandrie.
Ngày 10-2-1864, trên đường trở về, khi tàu ghé lại Aden, sứ bộ Việt Nam có xin chính quyền sở tại cho khai quật hài cốt Nguyễn Văn Trường mang về nước, nhưng do không có đủ phương tiện cần thiết như hòm kẽm, quách gỗ, các thứ thuốc thơm… yêu cầu này không được chấp thuận.
Được viết ra trong điều kiện những kiến thức khoa học của tác giả còn rất hạn chế, Tây hành nhật ký là một “hiện tượng” trong xã hội Việt Nam những năm 1860. Ngày nay, tác phẩm này vẫn còn một giá trị nhất định giúp chúng ta tìm thấy lại những hình ảnh đã chìm sâu trong khoảng mịt mờ của quá khứ.
Theo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần
(*) Ba người đây là Chánh sứ Phan Thanh Giản, Phó sứ Phạm Phú Thứ và Bồi sứ Ngụy Khắc Đản.
(**) Trên thực tế năm 1863, chỉ có cảng Suez, kênh Suez mãi đến năm 1869 mới đào xong.