.

Thiếu bác sĩ tại các cơ sở y tế - Bài cuối: Linh động trong hỗ trợ thu hút bác sĩ

.

Các chính sách thu hút bác sĩ hiện nay vẫn đang được triển khai đồng loạt tại nhiều đơn vị nhằm giải quyết bài toán thiếu nhân lực trong ngành y tế. Ngoài chính sách ưu đãi theo quy định của thành phố, nhiều địa phương, bệnh viện cũng linh động hỗ trợ bác sĩ khi về làm việc cho mình.

Nhiều cơ sở y tế đang triển khai các chính sách thu hút bác sĩ về làm việc cũng như đầu tư nhiều thiết bị hiện đại. TRONG ẢNH: Bệnh viện Đa khoa Hòa Vang làm việc với đoàn chuyên gia nước ngoài về việc lắp đặt các thiết bị y tế mới.
Nhiều cơ sở y tế đang triển khai các chính sách thu hút bác sĩ về làm việc cũng như đầu tư nhiều thiết bị hiện đại. TRONG ẢNH: Bệnh viện Đa khoa Hòa Vang làm việc với đoàn chuyên gia nước ngoài về việc lắp đặt các thiết bị y tế mới.

Theo Sở Nội vụ thành phố, trong các đề án thu hút, phát triển nhân lực của thành phố, số lượng bác sĩ được tuyển chọn, đào tạo luôn chiếm tỷ lệ cao nhất. Qua từng năm, những chính sách này đều có sự thay đổi phù hợp. Khi Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được triển khai, từ năm 2012, UBND thành phố ban hành kế hoạch thu hút, tuyển chọn và bố trí công tác đối với người được cử đi đào tạo bác sĩ, bác sĩ nội trú.

Những sinh viên đang học các chương trình đào tạo theo đề án sẽ được hỗ trợ chi phí thống nhất 27-34 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2015, xét với tình hình thực tế, UBND thành phố tiếp tục ban hành kế hoạch tuyển chọn bác sĩ giai đoạn 2015-2016 nhưng có thay đổi theo nhu cầu việc làm.

Việc ban hành này dựa trên cơ sở đánh giá, đề xuất của một số cơ sở y tế như Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Y học cổ truyển, Trung tâm Cấp cứu thành phố... đang rất cần những bác sĩ chuyên khoa nội trú.

Trong khi đó, theo Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố, bên cạnh việc thu hút, tuyển chọn bác sĩ về làm việc, Trung tâm này cũng thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo trong và ngoài nước nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc trong các cơ sở y tế. Trong 2 năm 2016-2017, có khoảng 4 lớp đào tạo cho nhân lực ngành y tế được triển khai.

Theo cử nhân hộ sinh Nguyễn Thị Tâm, Trưởng trạm Y tế (TYT) xã Hòa Phước, thực tế hiện nay thu nhập của các bác sĩ khi về làm việc tại các xã, phường không hề thấp. Theo đó, từ năm 2009, UBND thành phố ban hành Quyết định số 25/2009/QĐ-UBND về việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với bác sĩ về công tác tại TYT xã, phường thuộc thành phố Đà Nẵng.

Theo đó, các bác sĩ khi về làm việc tại TYT xã, phường sẽ được trợ cấp thêm hằng tháng bằng 100% mức lương theo ngạch, bậc và phụ cấp hiện hưởng và được hỗ trợ tiền xăng xe hằng tháng.

“Tâm lý chung của các bạn trẻ khi ra trường đều không muốn về làm việc tại các trạm y tế xã phường vì sợ khó, sợ khổ cũng như mai một tay nghề nếu không có cơ hội được thử sức, tiếp cận với trang thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, đó là quan niệm sai lầm bởi hiện nay cơ sở y tế xã, phường đang không ngừng được hoàn thiện, nâng cấp, đặc biệt là lợi thế về khoảng cách nên vẫn thu hút được nhiều bệnh nhân khám theo nhu cầu”, cử nhân Nguyễn Thị Tâm chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Vang cho biết, bệnh viện luôn có cơ chế riêng để thu hút, tuyển chọn bác sĩ khi về làm việc tại đây. “Ngoài chính sách của thành phố, chúng tôi đều hỗ trợ cho mỗi bác sĩ khi về làm việc tại đây từ 8-15 triệu đồng, đối với những bác sĩ ở xa đều được hỗ trợ tiền thuê nhà hằng tháng. Chưa kể, các bác sĩ khi về làm việc đều được khuyến khích đi học các lớp đào tạo chuyên khoa định hướng ngắn hạn 6-12 tháng”, bác sĩ Vĩnh cho biết.

Theo bà Trần Thanh Thủy, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu bác sĩ hiện nay là do yêu cầu phát triển chuyên môn, kỹ thuật khám, chữa bệnh (KCB) ngày càng cao trong khi chỉ tiêu biên chế chưa đáp ứng nhu cầu nhân lực thực tế.

Ngoài ra, đa số học viên các đề án thu hút thường đòi hỏi được bố trí công tác tại đơn vị lớn, có nhiều thuận lợi, ít chịu  về công tác tại tuyến y tế cơ sở, các bệnh viện khó khăn và hệ dự phòng. Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của người dân cũng như giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ tại nhiều đơn vị, Sở Y tế đang triển khai kế hoạch cử viên chức đến công tác tại các bệnh viện tuyến dưới, cũng như tổ chức đào tạo tại chỗ cho cán bộ, viên chức.

Năm 2017, Sở Nội vụ cũng vừa thông qua kế hoạch tổ chức 51 khóa đào tạo bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho khoảng 1.300 công chức, viên chức ngành y tế. “Liên quan đến câu chuyện nhân sự, Sở Y tế cũng đã đề xuất được giao chỉ tiêu biên chế và định mức hợp đồng lao động phù hợp với loại hình cơ sở y tế, hạng bệnh viện đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Về lâu dài, cần xây dựng mô hình bệnh viện vệ tinh trong phạm vi thành phố cũng như sớm triển khai đề án bác sĩ gia đình phù hợp với đặc thù của địa phương”, bà Thủy cho biết.

Cơ chế tuyển và sử dụng nhân lực phải công bằng

Theo bác sĩ Kim Văn Hùng, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng, để bảo đảm nguồn nhân lực y tế, công tác tổ chức hết sức quan trọng.

“Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, thế hệ chúng tôi sau khi ra trường đều được cử đi cơ sở làm việc trong một thời gian cụ thể để rèn luyện tay nghề và cân đối nguồn lực cho các tuyến. Hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện chính sách này, nghĩa là khi sinh viên ngành y sau khi ra trường thì được cử đi các cơ sở hành nghề trong thời gian từ 2-4 năm, vừa rèn luyện tay nghề, vừa giúp cơ sở phát triển.

Một bác sĩ sau khi đi làm luôn quan tâm 2 điều, đó là bảo đảm thu nhập và có điều kiện nâng cao tay nghề. Nếu chính sách về tổ chức nhân sự được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, có lộ trình đi cơ sở cụ thể, công khai thì sẽ giải quyết được thực trạng mất cân đối nhân lực trong mạng lưới y tế các cấp. Bởi hiện nay vẫn còn suy nghĩ chen chân vào những cơ sở tuyến trên, còn bệnh viện, trung tâm y tế tuyến dưới thì không ai quan tâm vì ở đó không bảo đảm được 2 điều kiện nêu trên.

Chính sách luân chuyển nhân lực trong ngành y tế chưa thực sự có hiệu quả, nên mới có tình trạng có bác sĩ giỏi nhưng không muốn về bệnh viện tuyến huyện vì ở đó cơ hội đi đào tạo ở nước ngoài rất hạn chế”, bác sĩ Hùng nhấn mạnh.

Đà Nẵng có gần 1.200 bác sĩ

Tính đến ngày 31-12-2016, toàn thành phố có 6.152 nhân viên đang làm việc tại các cơ sở công lập, trong đó có 1.155 bác sĩ (gồm 14 tiến sĩ, 111 bác sĩ chuyên khoa 2, 206 thạc sĩ, 303 bác sĩ chuyên khoa 1,  521 bác sĩ); 380 dược sĩ (gồm 7 dược sĩ chuyên khoa 2, 6 thạc sĩ, 13 dược sĩ chuyên khoa 1, 55 dược sĩ đại học, 43 dược sĩ cao đẳng, 249 dược sĩ trung cấp, 6 dược tá ) và 1.904 điều dưỡng.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.