.

Không có bảo hiểm y tế sẽ rất tốn kém

.

Sau hơn một năm áp dụng giá viện phí mới, vừa qua, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 02 quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KCB) không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT). Thông tư chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6 tới, áp dụng cho hơn 1.900 dịch vụ y tế. Điều này khiến những người không có BHYT lo lắng.

Bệnh viện Đà Nẵng cứu sống một bệnh nhân ngưng tim.
Bệnh viện Đà Nẵng cứu sống một bệnh nhân ngưng tim.

Chị Hồ Thị Yến (trú tổ 37, phường Thạch Thang, quận Hải Châu) sống bằng nghề buôn bán nhỏ. Đời sống của gia đình 5 nhân khẩu này khá khó khăn dù không thuộc hộ nghèo. Nhiều năm nay, chị chưa từng nghĩ đến việc mua BHYT vì tiền bạc eo hẹp và chủ quan cho rằng mình còn trẻ chắc chẳng mấy khi ốm đau.

Tương tự, anh Trần Văn Khang (trú tổ 15, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) đến Trung tâm Y tế quận điều trị bệnh đau dạ dày cấp. Sau đợt điều trị tốn gần 2 triệu đồng, anh mới thấy sự cần thiết của chiếc thẻ BHYT. Khi nghe thông tin sắp tăng viện phí vào ngày 1-6, anh không khỏi lo lắng và dự định sẽ mua thẻ BHYT phòng lỡ ốm đau.

Theo Bảo hiểm xã hội thành phố, tính đến thời điểm này, tổng số người tham gia BHYT trên địa bàn Đà Nẵng đạt khoảng 1,019 triệu người (trong tổng số 1,057 triệu dân thành phố), đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 96,4%. Hiện nay còn khoảng 28.400 người trên địa bàn Đà Nẵng chưa có BHYT.

Từ ngày 1-6. người khám chữa bệnh không có bảo hiểm y tế sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Ảnh: Phan Chung
Từ ngày 1-6. người khám chữa bệnh không có bảo hiểm y tế sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Ảnh: Phan Chung

Như vậy, từ ngày 1-6, khi Thông tư số 02 của Bộ Y tế chính thức có hiệu lực sẽ áp dụng điều chỉnh giá viện phí với những người chưa tham gia BHYT, hoặc có thẻ nhưng đi KCB ở những cơ sở không thanh toán BHYT; sử dụng các dịch vụ không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT. Theo thông tư, hơn 1.900 dịch vụ y tế được quy định mức trần mới, tương đương với giá mà BHYT đang chi trả theo các hạng bệnh viện. Ví dụ khi khám tại bệnh viện hạng đặc biệt, người bệnh phải đóng 39.000 đồng cho một lần khám; chi phí khám tại bệnh viện hạng 2 là 35.000 đồng, bệnh viện hạng 3 là 31.000 đồng, hạng 4 và trạm y tế xã là 29.000 đồng. Một số thủ thuật, phẫu thuật cũng được điều chỉnh tăng giá khoảng 20-30% so với mức hiện hành. Bệnh nhân nằm ghép hai người một giường được tính giá tối đa 50%, nằm ghép từ 3 trở lên trả tối đa 30% giá… Thông tư 02 cũng bổ sung giá của 35 dịch vụ chưa được BHYT chi trả như thẩm mỹ, thay răng giả, trợ thính, điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ... Bên cạnh đó, một số thủ thuật, phẫu thuật cũng được điều chỉnh tăng giá khoảng 20-30% so với mức giá hiện hành. Theo quy định tại mức giá mới này, bệnh nhân điều trị ung thư hay thực hiện các kỹ thuật cao trong điều trị mà không có BHYT thì chi phí rất lớn. Theo lý giải của Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá lần này để tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ, nhằm khuyến khích người dân tham gia BHYT.

Theo bác sĩ Đinh Ngọc Thanh, Trưởng Phòng quản lý hành nghề, Sở Y tế, đến thời điểm hiện tại, Sở vẫn chưa nhận được văn bản, công văn hướng dẫn của Bộ Y tế liên quan đến việc triển khai thực hiện Thông tư 02 vào tháng 6. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Thanh, việc tăng giá viện phí lần này hoàn toàn theo đúng lộ trình mà trước đó Liên bộ Tài chính-Y tế đã thông qua. “Thông tư 02 gần như là bản sao của Thông tư 37 Liên Bộ Tài chính-Y tế về vấn đề thanh toán chi phí KCB BHYT có hiệu lực từ ngày 1-3-2016. Sau hơn một năm triển khai, nếu người bệnh có BHYT thì thanh toán chi phí theo Thông tư 37, còn những ai không tham gia BHYT thì thanh toán giá dịch vụ theo Thông tư 04 cũ. Từ 1-6, Thông tư 02 sẽ thay thế Thông tư 04, nghĩa là người dân đã có 15 tháng để chuẩn bị và tham gia BHYT. Mục đích của việc tăng giá viện phí nhằm khuyến khích người dân tự nguyện tham gia BHYT, nếu không tham gia sẽ chịu nhiều thiệt thòi khi KCB vì chi phí cao”, ông Thanh cho biết.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.