Điều trị bệnh rất tốn kém nếu không có bảo hiểm y tế

.

Từ ngày 1-6-2017, tại một số bệnh viện trên toàn quốc, viện phí được điều chỉnh tăng hơn 1.900 dịch vụ đối với nhóm đối tượng khám, chữa bệnh (KCB) không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Việc tăng viện phí lần này nằm trong nội dung Thông tư số 02/2017/TT-BYT được Bộ Y tế ban hành trước đó. Tuy nhiên, hiện nay, Đà Nẵng chưa áp dụng giá viện phí mới. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tiên Hồng (ảnh), việc điều chỉnh giá sẽ được HĐND thành phố cân nhắc dựa trên các chỉ số giá tiêu dùng, tình hình phát triển kinh tế-xã hội. Nhìn chung, Đà Nẵng có 96,4% dân số tham gia BHYT nên dự báo việc tăng viện phí không gây biến động quá lớn đối với số đông các đối tượng tham gia KCB của thành phố.

Sắp tới, người bệnh không có BHYT sẽ phải chịu chi phi khám, chữa bệnh rất lớn theo Thông tư 02.  Trong ảnh: Người dân khám bệnh tại Bệnh viện Hòa Vang. Ảnh: PHAN CHUNG
Sắp tới, người bệnh không có BHYT sẽ phải chịu chi phi khám, chữa bệnh rất lớn theo Thông tư 02. Trong ảnh: Người dân khám bệnh tại Bệnh viện Hòa Vang. Ảnh: PHAN CHUNG

* Việc điều chỉnh viện phí lần này tác động đến các nhóm đối tượng nào, đặc biệt là người nghèo, trẻ nhỏ và người không có BHYT, thưa ông?

- Thông tư 02 không làm ảnh hưởng đến người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi trên 80 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội bởi những đối tượng này được Nhà nước mua thẻ BHYT và được Bảo hiểm xã hội (BHXH) thanh toán chi phí KCB theo quy định của pháp luật. Người có thẻ BHYT cũng không bị tác động nhiều khi chỉ phải đồng chi trả tối đa từ 5%-20%.

Trong khi đó, người không có thẻ BHYT phải chi trả 100% chi phí KCB. Khoản tiền người KCB không có BHYT phải trả thêm so với mức giá hiện hành sẽ là con số rất lớn; đặc biệt với những bệnh nhân cần sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao như chụp PET/CT chi phí tối đa lên tới hơn 20 triệu đồng/lần; chi phí PET/CT mô phỏng xạ trị gần 21 triệu đồng/lần…

* Giá các loại dịch vụ y tế thay đổi như thế nào và chi phí điều trị nội trú-ngoại trú sẽ khác nhau như thế nào nếu viện phí tăng?

Thông tư 02 quy định 3 nhóm dịch vụ dành cho người chưa có thẻ BHYT được điều chỉnh khung giá tối đa gồm: Giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện. Trong đó, có hai nhóm dịch vụ khám bệnh và dịch vụ ngày giường điều trị có mức tăng giá gấp 2 - 4 lần so với hiện tại: tiền khám bệnh tăng gấp 4 lần ở phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã; tăng 2 lần ở bệnh viện hạng 1 và hạng 2.

Theo Bộ Y tế, việc ban hành Thông tư 02 tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT trong chi trả KCB vì nguyên tắc 2 đối tượng này phải chi trả cho bệnh viện như nhau, chỉ khác nguồn trả là Quỹ BHYT (đối với người có thẻ BHYT) và tiền cá nhân (đối với người không có thẻ BHYT).

Chỉ có nhóm giá khám bệnh, ngày giường điều trị là khác nhau theo hạng bệnh viện, còn lại các các dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm đều thực hiện thống nhất một mức giá tại tất cả các bệnh viện trên toàn quốc. Mức tăng này là rất đáng kể khi người bệnh phải điều trị nội trú, điều trị dài ngày. Tuy nhiên, tác động mạnh nhất đến người bệnh chưa có thẻ BHYT là nhóm giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện bất kể người bệnh điều trị ngoại trú hay nội trú, điều trị ít ngày hay dài ngày.

* Tại sao đến thời điểm này Đà Nẵng vẫn chưa tăng viện phí?

- Bộ Y tế quy định mức giá và thời điểm thực hiện cụ thể tại các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 thuộc các bộ, ngành quản lý; UBND cấp tỉnh, thành phố sẽ trình HĐND cấp tỉnh, thành phố quy định mức giá và thời điểm thực hiện đối với các bệnh viện thuộc địa phương quản lý và các bệnh viện do các bộ, ngành khác quản lý từ hạng 2 trở xuống.

Theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 7 của Thông tư 02, vừa qua, Sở Y tế Đà Nẵng đã chủ trì, thống nhất với Sở Tài chính  có văn bản báo cáo UBND thành phố để trình HĐND thành phố xem xét, quyết định giá dịch vụ và thời điểm thực hiện theo quy định đối với các cơ sở KCB thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương trong kỳ họp HĐND sắp tới. Sau khi báo cáo, UBND thành phố đã đồng ý với báo cáo của Sở Y tế và Sở Tài chính, dự kiến sẽ được thông qua trong cuộc họp HĐND thành phố. Việc điều chỉnh viện phí được cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố, tiêu chí về chỉ số giá tiêu dùng, tình hình phát triển kinh tế-xã hội. Theo đánh giá chung, do Đà Nẵng có tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 96,4% nên việc điều chỉnh tăng viện phí không gây ảnh hưởng nhiều đến người dân, các cơ quan và bệnh viện của thành phố giống như một số địa phương khác.

* Việc tăng viện phí nếu được áp dụng liệu đã tương xứng với việc đầu tư, nâng cấp các cơ sở y tế hiện nay?

- Trong những năm qua, các cơ sở y tế tại thành phố Đà Nẵng đã đầu tư nhiều về cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ, cải cách hành chính cũng như tăng bàn khám, tăng giường bệnh nên về cơ bản đáp ứng được yêu cầu KCB. Việc tăng giá viện phí lần này sẽ giúp các đơn vị tự chủ hơn về kinh phí để cải tạo cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng điều trị (Thông tư 02 yêu cầu trích 3-5% kinh phí thu KCB để bổ sung kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho các bệnh viện); đồng thời gián tiếp thúc đẩy người dân tham gia BHYT, nhanh chóng thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.

* Cảm ơn ông!

PHAN CHUNG thực hiện

;
.
.
.
.
.