Giảm gánh nặng nhờ bảo hiểm y tế

.

Thông tư số 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 1-6-2017. Theo đó, các cơ sở y tế công lập sẽ tăng giá hơn 1.900 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và một số dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT.

Nhờ có BHYT nên chi phí điều trị của bệnh nhân Nguyễn Thị H. (khoảng 9 triệu đồng mỗi tháng) suốt 7 năm qua đều được miễn phí.
Nhờ có BHYT nên chi phí điều trị của bệnh nhân Nguyễn Thị H. (khoảng 9 triệu đồng mỗi tháng) suốt 7 năm qua đều được miễn phí.

Việc tăng giá dịch vụ y tế ở các cơ sở y tế công lập trên địa bàn thành phố còn phải chờ HĐND thành phố xem xét tại kỳ họp thứ 4 sắp đến nhưng xu thế tăng giá dịch vụ y tế là không thể tránh khỏi. Đây thực sự là một gánh nặng đối với người không tham gia BHYT, nhất là những người mắc bệnh hiểm nghèo, thời gian điều trị lâu ngày.

Đừng chủ quan với sức khỏe của mình

Hơn một tuần nay, bà Trần Thị Xuyên (trú phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) phải chạy đi vay tiền khắp nơi để lo cho đứa con bị tai nạn giao thông đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Con trai bà Xuyên là lao động tự do, bị tai nạn gây đa thương tích, chấn thương sọ não. Các bác sĩ tại Bệnh viện Đà Nẵng đã khám và kết luận bệnh nhân bị tụ máu bầm ở não, phải tiến hành hút máu bầm, tiếp tục theo dõi điều trị nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Do không có BHYT nên thời gian qua, số tiền bà tạm ứng trước để phẫu thuật, thuốc men, tiền giường bệnh đã lên tới gần 15 triệu đồng. Đây là một con số không hề nhỏ đối với gia đình lao động phổ thông như bà Xuyên. May mắn đối với gia đình là mức viện phí tại Bệnh viện Đà Nẵng hiện vẫn chưa tăng theo tinh thần Thông tư  số 02/2017/TT-BYT, nếu không, mức chi phí tạm ứng trước để điều trị có thể sẽ lên đến 30 triệu đồng.

“Con tôi là thanh niên hoàn toàn khỏe mạnh nên gia đình cũng chủ quan không mua BHYT vì nghĩ không bao giờ phải dùng đến thuốc men. Nhưng giờ tai họa ập đến bất ngờ mới biết chiếc thẻ BHYT quan trọng như thế nào”, bà Xuyên tiếc nuối. Nhiều trường hợp bệnh nhân phải trả 100% chi phí điều trị mà chúng tôi tiếp xúc cũng thừa nhận do chủ quan thấy mình khỏe nên không mua BHYT, đến khi bệnh tật, tai nạn bất ngờ vào bệnh viện mới thấy viện phí cao gấp nhiều lần số tiền bỏ ra mua BHYT.

May vì có thẻ BHYT

Trong khi đó, tại khoa Thận nhân tạo, bệnh nhân Nguyễn Thị H. (trú xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) tuổi chưa đến 30 nhưng đã có 7 năm ròng chống chọi với căn bệnh suy thận mãn. Năm 2010, khi đang đi học ở Thành phố Hồ Chí Minh, chị bất ngờ ngã quỵ và sau đó được các bác sĩ cho biết bị suy thận. Gác lại ước mơ học tập để lập nghiệp dang dở, chị phải vào viện chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Suốt 7 năm qua, chị H. phải xa nhà, ăn, ở trong bệnh viện với thân hình ngày càng tiều tụy. Mỗi tuần chị phải lọc máu 3 lần, mỗi lần mất 4 tiếng đồng hồ. Vì nhà xa nên chị H. thuê nhà trọ gần bệnh viện để ở và chờ đến đợt lọc máu, điều trị tiếp theo. “Bùa hộ mệnh” của chị H. là tấm thẻ BHYT đã giúp giảm bớt rất nhiều chi phí điều trị. Bên cạnh đó, ngoài 80% chi phí điều trị do BHYT chi trả, số còn lại cũng được thành phố chi trả hoàn toàn. Đây là chủ trương hết sức nhân văn của thành phố được áp dụng từ năm 2011, dành cho những bệnh nhân Quảng Nam, Đà Nẵng khi chạy thận nhân tạo. “Gia đình hiện chỉ phải lo tiền sinh hoạt như ăn, ở, mua thêm thuốc bổ để tăng cường sức khỏe. Số tiền này tiết kiệm lắm cũng mất gần 2 triệu đồng mỗi tháng. Nếu phải gánh thêm khoản tiền điều trị nữa chắc chắn em đã không thể sống đến ngày hôm nay”, chị H. cho biết.

Theo bác sĩ Mạc Hữu, khoa Thận nhân tạo, hiện có khoảng 330 bệnh nhân đang điều trị tại khoa. Những bệnh nhân suy thận mãn sẽ phải điều trị suốt đời, sức khỏe suy yếu không thể làm được việc như mọi người. Nhiều gia đình đã phải bán hết gia sản để chạy chữa cho người thân của mình nếu không có thẻ BHYT. Trung bình mỗi tháng, bệnh nhân suy thận mãn sẽ phải chạy thận, lọc máu từ 9-13 lần, thêm các loại thuốc đặc trị khác với chi phí khoảng 9 triệu đồng. Số tiền này nếu không được BHYT chi trả sẽ là một gánh nặng tài chính cho người bệnh bởi quá trình điều trị căn bệnh là kéo dài đến suốt đời.

Hiện có khoảng 2.000 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng, 80% trong số đó đã tham gia BHYT nên giảm được rất nhiều chi phí điều trị. Đối với những bệnh nặng, bệnh mãn tính có chi phí điều trị cao và phải điều trị dài ngày như: Ung bướu, chạy thận nhân tạo, tim mạch lão học..., bệnh nhân phần lớn đều có thẻ BHYT. Những người chưa có thẻ BHYT thường rơi vào một số khoa như: Chấn thương chỉnh hình - bỏng, ngoại tổng quát, ngoại thần kinh, ngoại cột sống, nội tổng hợp thần kinh... do bệnh nhân bị tai nạn hoặc bệnh đột xuất. Vì chưa có BHYT, nên người bệnh phải chi trả 100% chi phí điều trị. Những người dù có mức sống trung bình nếu không tham gia BHYT mà lỡ bị tai nạn, bệnh tật đột xuất, việc chi trả 100% viện phí có thể làm gia đình họ trở nên khánh kiệt, rơi vào cảnh nghèo túng.

Việc ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BYT nhằm tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT trong chi trả chi phí KCB vì nguyên tắc 2 đối tượng này phải chi trả cho bệnh viện như nhau, chỉ khác nguồn trả là người có thẻ BHYT do BHYT chi trả, người không có thẻ BHYT phải tự chi trả. Việc thực hiện Thông tư số 02/2017/TT-BYT sẽ khuyến khích người chưa có thẻ BHYT tham gia BHYT, tạo thuận lợi cho các cơ sở y tế trong việc thu và quản lý nguồn thu, các bệnh viện có kinh phí để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.