Chăm sóc, điều trị trẻ bị nhiễm HIV

.

Thời gian qua, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh việc chăm sóc và điều trị trẻ bị nhiễm HIV để giúp các em ổn định sức khỏe và tâm lý.

Sau khi chồng qua đời vì căn bệnh AIDS, chị H. (35 tuổi, quận Thanh Khê) cũng phát hiện mình và con gái 1 tuổi bị nhiễm bệnh này. “Hai mẹ con được điều trị thường xuyên và kịp thời nên sức khỏe tạm ổn. Các bác sĩ của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố (gọi tắt là Trung tâm) tư vấn giúp tôi biết cách bảo vệ sức khỏe cho bản thân, cho con và mọi người xung quanh”, chị H. nói. Không chỉ chăm sóc về sức khỏe, chị H. còn cho biết, mỗi dịp lễ, Tết, bé nhà chị đều được nhận quà của Trung tâm và đó là nguồn động viên đối với hai mẹ con. Hiện nay, chị H. vẫn đi làm công việc dọn bàn cho quán bún và nhận làm vệ sinh ở các hộ gia đình để có tiền trang trải cuộc sống. Và để yên tâm làm việc, chị đã giấu kín bệnh tình nhằm tránh sự kỳ thị.

Chị B. (32 tuổi, quận Hải Châu) lại biết mình bị nhiễm HIV trong lúc mới có thai và tầm soát ngay từ đầu nên con gái đầu lòng của chị hoàn toàn khỏe mạnh, không bị nhiễm bệnh. “Cũng may được phát hiện sớm và theo dõi kịp thời nên bé không bị lây từ mẹ. Chồng tôi và tôi đã bị rồi, chỉ mong bé lớn lên bình thường”, chị B. thổ lộ.

Theo thông tin từ Trung tâm, hiện nay, Đà Nẵng có khoảng hơn 2.000 trường hợp nhiễm HIV được phát hiện, trong đó có gần 900 người chuyển qua AIDS và hơn một nửa trong số đó tử vong. Số người nhiễm HIV còn sống hiện có khoảng hơn 1.600 người với hơn 700 người có địa chỉ tại Đà Nẵng, trong đó có 14 trẻ em bị nhiễm HIV và 110 em bị ảnh hưởng trực tiếp bởi HIV. Theo khảo sát của Trung tâm, hầu hết các em đều có hoàn cảnh khó khăn.

Bác sĩ Lê Thành Chung, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm cho biết, việc chẩn đoán sớm nhiễm HIV cho trẻ dưới 18 tháng tuổi là một chương trình hiệu quả mà đơn vị luôn chú trọng để giúp trẻ được điều trị ARV sớm. Hiện nay, việc chẩn đoán sớm bằng xét nghiệm PCR có thể phát hiện trẻ nhiễm HIV ngay trong thời kỳ sơ sinh và đưa trẻ nhiễm HIV vào chương trình điều trị kịp thời, hạn chế đáng kể tình trạng tử vong, giảm chi phí điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, giảm lây lan trong cộng đồng. Đã có hàng chục trẻ được lấy mẫu xét nghiệm PCR tại Phòng khám ngoại trú trẻ em, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng và được Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố gửi mẫu xét nghiệm vào Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, đã có 1 em được phát hiện có HIV dương tính và đã được theo dõi, điều trị kịp thời. Ngoài ra, việc khám và điều trị cho trẻ bị nhiễm HIV cũng giống người lớn là phải khám sức khỏe định kỳ, theo dõi tình trạng miễn dịch, tư vấn cho bệnh nhân và người chăm sóc về sức khỏe, chăm sóc dự phòng tại nhà, chẩn đoán và điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội…

“Để chăm sóc, giúp đỡ trẻ bị nhiễm HIV, công tác tư vấn cho phụ huynh là quan trọng nhất. Phụ huynh hiểu và tuân thủ theo cán bộ y tế thì mọi việc sẽ thuận lợi”, bác sĩ Chung nói. Theo bác sĩ Chung, hiện nay, các em và gia đình đã được truyền thông trang bị kiến thức cơ bản về dự phòng lây nhiễm HIV, cách phòng các loại bệnh thông thường, phòng chống tai nạn thương tích; tuy nhiên, thực tế công tác này còn gặp nhiều khó khăn như: bệnh nhân địa phương khác đến lưu trú và điều trị nhiều nên công tác quản lý khá vất vả, kinh phí hạn hẹp, tâm lý e ngại sợ bị kỳ thị của gia đình trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp các ngành chức năng của thành phố tăng cường truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; đồng thời tiếp tục hỗ trợ cho trẻ nhiễm HIV và phơi nhiễm với HIV để được quản lý, điều trị bằng ARV; thực hiện tốt chương trình cải thiện chất lượng chăm sóc, điều trị HIV/AIDS để tăng tỷ lệ trẻ nhiễm HIV sống khỏe mạnh. Việc hỗ trợ trẻ nhiễm HIV và trẻ ảnh hưởng bởi HIV cũng cần sự chung tay của các cấp ngành và chính quyền địa phương để các em được phát triển và hòa nhập cộng đồng”, bác sĩ Chung cho biết.

Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng và Tổ chức Viet Nam Help Improvement Project (VNHIP) vừa ký biên bản ghi nhớ tài trợ thực hiện dự án “Cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ nhiễm HIV tại thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2017-2021”. Theo đó, trong giai đoạn này, VNHIP sẽ tài trợ 150.000 USD nhằm cung cấp học bổng, phương tiện và điều kiện học tập cho trẻ em và thanh niên nhiễm HIV đi học ở các bậc học từ mẫu giáo đến đại học; trang bị kỹ năng sống và hỗ trợ các đối tượng trên tham gia hoạt động xã hội; hỗ trợ kinh phí cho gia đình các em...

KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.