Chống "vỡ kế hoạch" ở vùng ven biển

.

Những năm qua, thực hiện Đề án 52 của Chính phủ về kiểm soát dân số vùng biển và ven biển, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) thành phố đã chỉ đạo các địa phương tích cực phối hợp với các ban, ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, từ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đến nâng cao chất lượng dân số, sức khỏe sinh sản.

Sau hơn 7 năm triển khai, công tác dân số tại các phường vùng biển đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Người dân của 18 phường ven biển đã hưởng lợi từ đề án này.

Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2017, đã có gần 9.000 phụ nữ được cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) và khám, điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, qua đó phát hiện 1.172 phụ nữ mắc bệnh để tư vấn chữa bệnh.

Đồng thời, ngành dân số còn tổ chức nói chuyện chuyên đề cho hàng nghìn lượt bà mẹ mang thai và các bệnh phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn của vị thành niên, thanh niên...

Nói chuyện chuyên đề cho phụ nữ mang thai phường biển của quận Sơn Trà.
Nói chuyện chuyên đề cho phụ nữ mang thai phường biển của quận Sơn Trà.

Theo Tổng cục Dân số, mục tiêu Đề án 52 là quy mô dân số vùng biển và ven biển ở nước ta không vượt quá 37 triệu người vào năm 2020; các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 72%.

Thành phố Đà Nẵng có hơn 37% dân số thuộc 18 phường vùng biển và ven biển có cơ hội và điều kiện được tiếp cận, hưởng thụ đầy đủ các chính sách, dịch vụ xã hội cơ bản, bao gồm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, SKSS và KHHGĐ. Trong đó, quận Sơn Trà là đơn vị có số ngư dân nhiều nhất thành phố và là quận luôn đứng đầu về công tác DS-KHHGĐ.

Để có được thành quả đó, đội ngũ cộng tác viên dân số trên địa bàn luôn bám ngư dân để truyền thông, tư vấn DS - KHHGĐ, SKSS...  Một trong những cộng tác viên dân số - sức khỏe cộng đồng tiêu biểu của phường Mân Thái là chị Mai Thị Hai. Chị Hai có chồng đi biển, hai con đã lớn nên chị có thời gian tham gia tuyên truyền, vận động.

Người dân trong tổ 36A từ chỗ chưa hiểu biết đến hiểu biết, rồi có thái độ tích cực, tự giác chăm lo bảo vệ sức khỏe. Chị Trần Thị Đà Giang có hai con gái nhưng vẫn đi “cấy tránh thai”. Chị chia sẻ: “Tôi có chồng đi biển, ít quan tâm đến thực hiện KHHGĐ. Khi cộng tác viên dân số đến tuyên truyền, tôi được hướng dẫn cặn kẽ về sinh đẻ có kế hoạch, từ đó tôi tình nguyện cấy tránh thai vì không muốn sinh nhiều con sẽ khổ. Gái hay trai cũng như nhau, chỉ làm sao nuôi con cho tốt là được”.

Chị Phạm Thị Hiền, cán bộ chuyên trách công tác dân số phường Mân Thái tâm sự: “Mỗi năm, khi ngành dân số chúng tôi tổ chức chiến dịch tuyên truyền và cung cấp dịch vụ KHHGĐ về tận tổ dân phố. Người dân rất vui vì được đi khám sức khỏe và các dịch vụ miễn phí. Đa số các hộ nghèo thường đông con và điều kiện tiếp cận với các dịch vụ KHHGĐ còn khó khăn, việc sàng lọc trước sinh và sau sinh còn hạn chế, mất cân bằng giới tính khi sinh diễn ra phổ biến... Đề án này giúp dân hiểu thêm về ích lợi nhiều mặt của chăm sóc sức khỏe và gia đình”.

Để góp phần cải thiện và nâng cao sức khỏe ngư dân biển, từ nay đến năm 2020 và những năm sau đó, Đề án 52 tiếp tục thực hiện một số mô hình, dự án thiết thực hơn vì nhu cầu sinh con, nhất là con trai của các cặp vợ chồng vùng biển còn cao.

Bên cạnh đó, chất lượng dân số thấp, số trẻ em sinh ra bị dị tật, dị dạng và thiểu năng trí tuệ còn đáng lo ngại. Đây là những vấn đề cần sớm được giải quyết nhằm tạo nguồn nhân lực có chất lượng, góp phần vào thành công của Chiến lược Biển Việt Nam đến 2020. Đồng thời, ngành dân số tập trung triển khai đồng bộ các hoạt động đáp ứng nhu cầu CSSKSS và KHHGĐ cho bà mẹ, hỗ trợ phòng, chống bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn...

Bài và ảnh: MAI KHUÊ

;
.
.
.
.
.