Nâng cấp, hoàn thiện mạng lưới y tế

.

Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, hoàn thiện đội ngũ nhân lực là những việc ngành y tế thành phố Đà Nẵng tập trung giải quyết trong giai đoạn mới, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ thăm nạn nhân tai nạn lao động tại Bệnh viện Đà Nẵng.   Ảnh: PHAN CHUNG
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ thăm nạn nhân tai nạn lao động tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG

Trên địa bàn thành phố hiện có 16 bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện với quy mô gần 4.200 giường, 5 bệnh viện Bộ, ngành Trung ương với quy mô 1.460 giường bệnh và 8 bệnh viện tư nhân có công suất 810 giường bệnh. Tuy nhiên, tình trạng quá tải vẫn thường xuyên diễn ra tại các bệnh viện hạng 1 như Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản-Nhi buộc các cơ sở này phải kê thêm giường điều trị.

Theo Sở Y tế thành phố, trong năm 2016, công suất sử dụng giường bệnh tại các cơ sở trực thuộc đã tăng từ 16%-74% với tổng số giường kê thêm trên 3.100 giường. Việc kê thêm giường để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) khiến diện tích thu dung điều trị giảm, gây căng thẳng, khó khăn cho đội ngũ y bác sĩ cũng như bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Trong khi đó, tại các trung tâm y tế quận, huyện, hệ thống cơ sở vật chất được xây dựng gần 20 năm trước đến nay đã xuống cấp.

Theo bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế, tốc độ phát triển dân số tại thành phố, kèm theo đó là những diễn biến bất thường của dịch bệnh và xu hướng gia tăng các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tim mạch, huyết áp kết hợp với đời sống người dân ngày một tăng cao dẫn đến nhu cầu được chăm sóc sức khỏe ngày càng nhiều.

“Thực tế này đòi hỏi ngành y tế phải phát triển tương xứng, trong đó có việc củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế theo hướng tiên tiến, hiện đại, không ngừng mở rộng, đa dạng hóa các loại hình phục vụ, đẩy mạnh y tế chuyên sâu”, bà Yến cho biết.

Thời gian qua, lãnh đạo thành phố đã lần lượt làm việc với các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố, từ đó xem xét, đồng ý chủ trương nâng cấp, đầu tư hệ thống cơ sở vật chất đã xuống cấp, bổ sung các trang thiết bị cần thiết đáp ứng nhu cầu KCB.

Theo ông Nguyễn Đắc Xứng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, hệ thống các trạm y tế trên địa bàn được xây dựng từ sau những năm 2000 đến nay đều không đáp ứng được nhu cầu khám bệnh ban đầu và các hoạt động y tế dự phòng tại cơ sở.

“Chúng tôi đã đề xuất xây mới 4 trạm y tế, nâng cấp 2 trạm với tổng kinh phí đầu tư trên 19 tỷ đồng. Kế hoạch này sẽ được đưa vào phân kỳ đầu tư trong năm 2018. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu KCB trước mắt, trong 6 tháng đầu năm 2017, địa phương rà soát, nâng cấp một số hạng mục cơ bản, mua sắm thêm các thiết bị tối thiểu với tổng kinh phí trên 300 triệu đồng”, ông Xứng cho biết.

Tương tự, để giải quyết bài toán giảm tải tại Bệnh viện Đà Nẵng, Trung tâm Tim mạch với tổng mức đầu tư trên 236 tỷ đồng đang được gấp rút hoàn thiện để đưa vào hoạt động đúng kế hoạch. Theo bác sĩ Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, với chỉ tiêu 1.250 giường nhưng Bệnh viện Đà Nẵng luôn thu dung trên 2.000 bệnh nhân, có lúc cao điểm hơn 2.450 bệnh nhân điều trị mỗi ngày gây nên tình trạng quá tải.

Việc đưa vào sử dụng Trung tâm Tim mạch sẽ giải quyết được một phần rất lớn tình trạng quá tải lâu nay tại bệnh viện. Các Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ, Hải Châu, Thanh Khê, Hòa Vang đã và đang được gấp rút đầu tư xây mới, mở rộng các chuyên khoa, triển khai có hiệu quả các hoạt động trong lĩnh vực điều trị và dự phòng.

Tại cuộc họp HĐND thành phố vừa qua, lãnh đạo Sở Y tế đã có tờ trình về quy hoạch phát triển mạng lưới các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên cơ sở định hướng phát triển theo Quyết định 4704/QĐ-UBND ngày 15-6-2012 của UBND thành phố về Quy hoạch tổng thể phát triển ngành y tế đến năm 2020 với điểm đáng chú ý là sẽ có nhiều bệnh viện được xây mới trong thời gian tới.

Theo đó, Bệnh viện Đà Nẵng cơ sở 2 sẽ được quy hoạch xây mới tại phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), Bệnh viện Phụ sản-Nhi sẽ được mở rộng thêm 750 giường với kinh phí gần 1.500 tỷ đồng, các Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu… sẽ được mở rộng, xây mới các khu đa chức năng, tăng thêm giường bệnh để đáp ứng nhu cầu.

“Việc đầu tư, mở rộng mạng lưới y tế sẽ giảm công suất sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện, nhất là các bệnh viện hạng 1. Ngành y tế phấn đấu đến năm 2020, công suất sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện đạt 95%-100%, không còn tình trạng người bệnh nằm ghép tại các bệnh viện, đồng thời thực hiện các giải pháp cải tiến quy trình và thủ tục trong KCB, rút ngắn thời gian chờ, tránh gây phiền hà và tăng sự hài lòng cho người bệnh”, bà Yến cho biết thêm.

PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.