Bội chi quỹ bảo hiểm y tế, do đâu? - Bài cuối:Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

.

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố, trong 9 tháng đầu năm 2017, tổng chi khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) là 1.752 tỷ đồng (bằng 149% so với cùng kỳ), trong khi tổng chi của cả năm 2016 chỉ 1.600 tỷ đồng. Ngành y tế thành phố và BHXH đều cho rằng, còn quá nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến chủ trương, chính sách, khiến việc thực hiện và giải quyết ở cơ sở không thể dứt điểm được.

 Nhiều cơ sở y tế cho rằng giao dự toán chi thiếu cơ sở nên dẫn đến việc vượt quỹ.
Nhiều cơ sở y tế cho rằng giao dự toán chi thiếu cơ sở nên dẫn đến việc vượt quỹ.

Việc tự chủ tài chính các bệnh viện công là chủ trương lớn nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng y tế. Tuy nhiên, những rào cản, vướng mắc về mặt chính sách là một trong những nguyên nhân khiến những đơn vị này vượt trần mức dự toán chi KCB BHYT.

Bệnh viện Đà Nẵng là một điển hình. Với quy mô 1.982 giường nhưng thực kê lên đến trên 2.200 giường, đơn vị này chịu ảnh hưởng lớn của chính sách KCB BHYT, nhất là khi Thông tư 37 liên bộ Y tế-Tài chính áp dụng mức giá mới từ năm 2016.

Chưa kể, ngày 29-6-2017, BHXH Việt Nam ban hành Công văn số 2692/BHXH-CSYT liên quan đến việc thanh toán chi phí KCB BHYT, cho biết chỉ thanh toán tối đa 30% số giường vượt kế hoạch đối với bệnh nhân điều trị nội trú.

Trong khi trên thực tế, trong nhiều năm qua, Bệnh viện Đà Nẵng được đánh giá là cơ sở y tế KCB không chỉ cho riêng Đà Nẵng mà còn cả khu vực miền Trung-Tây Nguyên, nên tình trạng quá tải là điều rất dễ lý giải.

Bác sĩ Võ Thị Thu Hà, Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, ưu tiên hàng đầu của bệnh viện vẫn là bảo đảm lợi ích cho người bệnh, mặc dù dự toán chi KCB BHYT năm 2017 có thay đổi, kết hợp với một số khó khăn, vướng mắc về mặt chủ trương.

“Bệnh viện luôn chú trọng việc cải cách thủ tục hành chính như tăng lượt duyệt mổ lên 2 lần mỗi tuần để bảo đảm bệnh nhân được phẫu thuật nhanh, kịp thời, hạn chế tối đa những chi phí phát sinh. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê trong 3 năm gần đây cho thấy, Bệnh viện Đà Nẵng luôn trong tình trạng quá tải. Do đó, những vướng mắc về việc áp dụng định mức kỹ thuật trong KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT khiến bệnh viện cũng như người bệnh gặp khó”, bác sĩ Hà cho biết thêm.

Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng phòng Quản lý hành nghề, Sở Y tế cho biết thêm, thực tế hiện tại, để bảo đảm an sinh xã hội, các cơ sở KCB đã nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng như nới rộng khu điều trị, thu hẹp khu hành chính, kê thêm giường bệnh.

“Việc giao chỉ tiêu giường kế hoạch ban đầu là do việc phân bổ có tính vĩ mô dựa trên số dân thành phố nhưng chưa tính đến việc tiếp nhận điều trị cho các tỉnh lân cận, và ở Đà Nẵng, tỷ lệ này chiếm khoảng 35 – 40%”, bác sĩ Thanh cho biết.

Cũng theo bác sĩ Thanh, xét ở góc độ vĩ mô, nguồn quỹ BHYT thu vào không tỷ lệ thuận với giá các dịch vụ y tế ngày càng tăng cao nên chi phí phát sinh, vượt mức dự toán trong quá trình KCB BHYT là có cơ sở. Tuy nhiên, ở cấp độ cơ sở, những vấn đề phát sinh cần được giải quyết dứt điểm trên cơ sở ưu tiên và bảo đảm lợi ích cho người bệnh, sự hài hòa giữa các cơ sở y tế và BHXH.

“Ngành y tế luôn quán triệt chủ trương xử lý nghiêm những tình trạng trục lợi BHYT bằng cách tăng cường công tác thanh, kiểm tra hoạt động KCB tại các cơ sở y tế, nếu phát hiện sai phạm chúng tôi sẽ xử lý theo quy định”, bác sĩ Thanh nói.

Mới đây, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế, ngành y tế thành phố Đà Nẵng đã nêu một số khó khăn, vướng mắc về mặt chủ trương, chính sách ở mức độ vĩ mô, cần sớm được giải quyết. Theo đó, việc BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Y tế giao dự toán chi KCB BHYT cho các cơ sở y tế là không đúng thẩm quyền, không đúng quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn.

Thực tế tại Đà Nẵng, việc giao dự toán là không phù hợp, nhiều đơn vị mới sử dụng khoảng 6 tháng đã gần hết kinh phí được giao, nếu sử dụng tiếp để điều trị cho bệnh nhân thì sẽ bị thâm hụt quỹ và bị xuất toán. Ngược lại, nếu không cho bệnh viện hưởng BHYT thì bệnh nhân sẽ phải đóng viện phí. Đó cũng là lý do chính dẫn đến tình trạng thực chi vượt so với dự toán chi năm 2017 tại các cơ sở y tế.

Theo ông Phạm Quốc Khánh, Trưởng phòng Giám định BHYT, BHXH thành phố, Đà Nẵng là 1 trong 10 địa phương bội chi quỹ KCB BHYT cao nhất nước. Vừa qua, BHXH Việt Nam đã cử đoàn công tác làm việc với địa phương liên quan đến những vấn đề thực chi trong KCB BHYT và sẽ có câu trả lời trong thời gian tới. Liên quan đến vấn đề chưa thanh, quyết toán kinh phí KCB BHYT tại một số cơ sở, ông Khánh cho biết đang trong thời gian thẩm định.

“Dù chưa quyết toán nhưng chúng tôi đã cấp ứng đầy đủ trên nguyên tắc cái gì đáng chi thì vẫn phải chi. Tuy nhiên, phía ngành y tế cũng nên chuẩn hóa dữ liệu các danh mục kỹ thuật trên cơ sở triển khai đồng bộ, có hiệu quả các phần mềm quản lý KCB. Điều này sẽ làm chậm quá trình nhập dữ liệu, thanh quyết toán”, ông Khánh cho biết.

Sẽ điều chỉnh Thông tư liên tịch số 37

Tại buổi làm việc giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam tổ chức ngày 19-10 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thời gian qua, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng lên rõ rệt, vượt chỉ tiêu đặt ra. Sự điều chỉnh giá dịch vụ y tế, thông tuyến cũng đã giúp người dân được hưởng các kỹ thuật cao, thay vì phải trả tiền túi như trước kia. Tuy nhiên, việc không ít cơ sở y tế, bệnh viện chỉ định các dịch vụ kỹ thuật, thuốc... vượt quá khả năng chi trả của quỹ BHYT, cùng với đó là việc giám định, xuất toán những chi phí KCB BHYT không hợp lý đã gây ra nhiều bức xúc cho người bệnh, khó khăn cho cơ sở y tế.

Trong khi đó, đại diện BHXH Việt Nam lại cho rằng, tình trạng trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT vẫn đang nghiêm trọng. Trong 9 tháng đầu năm 2017, số người khám bệnh bằng BHYT tăng bất thường. Đến nay đã có 35 tỉnh, thành trên cả nước chi trên 100% quỹ BHYT, thậm chí chi trên 200% quỹ. Qua giám định, BHXH phát hiện nhiều thủ thuật trục lợi quỹ BHYT như chia nhỏ ngày điều trị, tính thêm ngày giường bệnh nhân ra viện, lạm dụng chỉ định điều trị...

Để phục vụ tốt hơn nhu cầu KCB của người dân tham gia BHYT, Bộ Y tế cho biết trong thời gian tới sẽ tích cực phối hợp với BHXH Việt Nam tiếp tục giải quyết các vướng mắc trong vấn đề thanh toán, quản lý quỹ bảo hiểm; đồng thời sẽ điều chỉnh Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc để giảm giá dịch vụ y tế cho phù hợp hơn với thực tiễn hiện nay, cũng như tăng cường giám sát, thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về lạm dụng kỹ thuật, trục lợi quỹ BHYT.

P.C

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.