Thay đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu: Tăng đầu thẻ cho tuyến quận, huyện

.

Từ năm 2018, việc đăng ký khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu trên địa bàn thành phố có sự thay đổi. Theo đó, số lượng đầu thẻ BHYT đăng ký tại Bệnh viện Đà Nẵng giảm so với năm trước, ngược lại đầu thẻ BHYT cho các cơ sở y tế quận, huyện tăng đáng kể.

Các cơ quan y tế tuyến quận, huyện tăng đầu tư để nâng cao năng lực khám, chữa bệnh. Trong ảnh: Đón tiếp, tư vấn cho người khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Hải Châu .Ảnh: Phan Chung
Các cơ quan y tế tuyến quận, huyện tăng đầu tư để nâng cao năng lực khám, chữa bệnh. Trong ảnh: Đón tiếp, tư vấn cho người khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Hải Châu .Ảnh: Phan Chung

Tăng, giảm theo lộ trình

Là bệnh viện hạng 1, mỗi ngày Bệnh viện Đà Nẵng thu dung điều trị trên dưới 2.400 bệnh nhân. Năm nay, số đầu thẻ KCB BHYT tại Bệnh viện Đà Nẵng giảm nhiều so với năm 2017. Bà Phạm Thị M. (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), đang điều trị bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim tại Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, mấy tuần qua bà lo lắng không yên khi bắt đầu từ năm 2018, thẻ BHYT của bà mua theo hộ gia đình ghi nơi đăng ký KCB ban đầu tại Trung tâm Y tế quận Sơn Trà.

“Ba năm qua, thẻ BHYT của tôi đều ghi nơi đăng ký KCB ban đầu tại Bệnh viện Đà Nẵng và tôi cũng đã quen với việc điều trị ở đây. Nay nếu chuyển về Bệnh viện Sơn Trà thì tôi phải làm thế nào khi phác đồ điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng còn dang dở. Nếu tôi chuyển viện thẳng thì có xem là trái tuyến và có được thanh toán BHYT không?”, bà M. lo lắng.

Bà M. không phải là trường hợp hiếm hoi băn khoăn trước sự điều chỉnh của Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố về việc phân bổ đầu thẻ BHYT năm 2018.

Được biết, ngày 29-12-2017, Sở Y tế thành phố có Công văn số 3732 về việc phân bổ thẻ đăng ký KCB BHYT ban đầu tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố năm 2018. Dựa trên đề xuất này, BHXH thành phố đã cắt giảm gần 7.000 thẻ KCB BHYT tại Bệnh viện Đà Nẵng. Trong khi đó, một số trung tâm y tế quận, huyện lại tăng đầu thẻ KCB BHYT, như Bệnh viện Đa khoa Sơn Trà tăng 20.000 thẻ, Bệnh viện Đa khoa Hải Châu tăng 15.000 thẻ, Bệnh viện Đa khoa Thanh Khê tăng 15.000 thẻ, Bệnh viện Đa khoa Cẩm Lệ tăng 13.000 thẻ…

Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết: “Bệnh viện Đà Nẵng lâu nay luôn phải đối mặt với tình trạng quá tải do tiếp nhận điều trị cả bệnh nhân ngoài địa bàn thành phố. Việc giảm đầu thẻ BHYT theo chủ trương chung hiện nay là cách để bệnh viện tuyến trên giảm áp lực, tập trung chuyên môn, tăng hiệu quả chăm sóc, điều trị người bệnh”.

Cũng theo bác sĩ Nhân, lựa chọn bệnh viện hạng 1 để điều trị là tâm lý chung của người dân, mặc dù có nhiều bệnh lý mà các cơ sở y tế tuyến dưới hoàn toàn điều trị được. Điều này vô tình tạo áp lực lên cơ sở y tế hạng 1, gây tình trạng quá tải và ảnh hưởng chất lượng KCB, tâm lý người bệnh lẫn bác sĩ cũng căng thẳng.

“Tuy nhiên, việc điều chỉnh đầu thẻ BHYT cần phải có lộ trình trên cơ sở cân đối nguồn lực của các cơ sở y tế, tránh tình trạng lãng phí khi trang thiết bị, nhân lực đã được đầu tư đầy đủ”, bác sĩ Nhân cho biết thêm.

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng phòng Quản lý hành nghề, Sở Y tế, việc điều chỉnh đầu thẻ KCB BHYT ban đầu đang được triển khai theo đúng lộ trình Bộ Y tế đã ban hành tại Thông tư 40/2015/TT-BYT ngày 16-11-2015, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018.

Việc phân bổ đầu thẻ hiện nay căn cứ trên việc phân bố dân cư, đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn thành phố cũng như tình hình nhân lực, cơ sở vật chất, tuyến chuyên môn kỹ thuật và khả năng hoàn thành chỉ tiêu trong năm 2017. Tùy tình hình thực tế, Sở Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với BHXH thành phố điều chỉnh lại.

Các cơ sở y tế cùng hạng tuyến quận, huyện phải tự thay đổi để thu hút người bệnh. TRONG ẢNH: Người dân sử dụng phần mềm đăng ký khám bệnh tự động tại Bệnh viện Đa khoa Sơn Trà.
Các cơ sở y tế cùng hạng tuyến quận, huyện phải tự thay đổi để thu hút người bệnh. TRONG ẢNH: Người dân sử dụng phần mềm đăng ký khám bệnh tự động tại Bệnh viện Đa khoa Sơn Trà.

Cạnh tranh giữa các bệnh viện tuyến dưới

Theo BHXH thành phố, để bảo đảm quyền lợi của người bệnh, đơn vị này đã phối hợp với ngành y tế thay đổi thủ tục hành chính, bảo đảm người bệnh vẫn được chuyển tuyến kịp thời trong những trường hợp cần thiết.

Ông Văn Phú Long, Trưởng phòng Quản lý thu, BHXH thành phố cho rằng, BHXH ký hợp đồng KCB BHYT đều dựa vào đề xuất của Sở Y tế trên tinh thần hiện thực hóa Thông tư 40 của Bộ Y tế về những quy định đăng ký KCB BHYT ban đầu và thực hiện các thủ tục chuyển tuyến. Trong những năm qua, Bệnh viện Đà Nẵng luôn quá tải, mặc dù giường kế hoạch chỉ đạt 1.250 giường (vừa tăng lên 1.982 giường) nhưng số lượng bệnh nhân điều trị tại đây luôn từ 2.000-2.200, lúc cao điểm lên đến 2.600 bệnh nhân.

Trước thực trạng này, tháng 6-2017, UBND thành phố có Văn bản số 4884/UBND-KGVX gửi ngành y tế, BHXH thành phố và các quận, huyện đề nghị tăng cường một số giải pháp thực hiện chính sách BHYT, đặc biệt “thực hiện nghiêm túc, có kế hoạch, lộ trình cụ thể, thống nhất để giảm mạnh số thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở KCB tuyến thành phố”.

Các cơ sở y tế tuyến quận, huyện được tăng đầu thẻ BHYT ngoài việc góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên còn tạo “cuộc đua” tích cực cho các bệnh viện. Theo lý giải của BHXH thành phố, từ đầu năm 2016, các cơ sở y tế tuyến quận, huyện đều đã được thông tuyến, nghĩa là người bệnh có thể lựa chọn cơ sở KCB cùng hạng theo ý muốn.

Điều này kết hợp với việc thực hiện Thông tư 37-Bộ Y tế đưa chi phí tiền lương vào dịch vụ y tế, đã tạo nên sự cạnh tranh giữa các cơ sở y tế cùng tuyến quận, huyện. Mỗi đơn vị phải đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, kỹ thuật, thay đổi thái độ phục vụ để thu hút người bệnh.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Cúc, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sơn Trà, năm 2018, cơ sở này tăng thêm 20.000 đầu thẻ KCB BHYT; trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 900 lượt bệnh nhân. Ngoài việc tăng số bàn khám, cơ sở này đã xây dựng phần mềm bấm số tự động khi đăng ký khám bệnh, giúp người bệnh chủ động, rút ngắn thời gian chờ đợi và phân loại bệnh, nhóm bệnh ngay từ đầu.

Cùng quan điểm này, bác sĩ Nguyễn Trọng Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hải Châu cho hay: “Ngoài việc nâng cao thái độ phục vụ của y bác sĩ, cán bộ, nhân viên, Bệnh viện còn thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đầu tư trang thiết bị, triển khai các kỹ thuật mới, trong đó ưu tiên các phương pháp KCB ngoại trú nhằm rút ngắn thời gian điều trị nội trú cho bệnh nhân, giải quyết tình trạng quá tải trong bệnh viện”.

Đối với những bệnh, nhóm bệnh nằm ngoài khả năng điều trị của cơ sở y tế tuyến quận, huyện, ông Long cho biết: “Thông tư 40 cũng đã ban hành danh mục gồm 62 bệnh, nhóm bệnh được phép chuyển lên tuyến trên.

Điều đặc biệt là trong trường hợp này, các cơ sở y tế tuyến quận, huyện sẽ cấp giấy chuyển tuyến và giấy này sẽ có giá trị trong một năm dương lịch, thay vì chỉ một lần điều trị như trước. Đây được xem là sự cải cách cần thiết, giúp giảm thủ tục hành chính phiền hà cho cả bệnh viện lẫn bệnh nhân”.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.
.