Cơ hội mới cho trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh

.

Lần đầu tiên các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng phối hợp với ê-kíp phẫu thuật Bệnh viện E Hà Nội trực tiếp can thiệp cứu sống một bệnh nhi bị chuyển vị đại động mạch - bệnh tim bẩm sinh nguy hiểm. Kết quả này là “trái ngọt” sau quá trình gần 3 năm chuẩn bị, từ đào tạo nhân lực đến chuyển giao kỹ thuật và mở ra cơ hội điều trị kịp thời cho trẻ em bị tim bẩm sinh tại miền Trung-Tây Nguyên.

Sau 5 tuần can thiệp, phẫu thuật và chăm sóc, bệnh nhi Nguyễn Thành Nh. bị chuyển vị đại động mạch sắp được xuất viện.
Sau 5 tuần can thiệp, phẫu thuật và chăm sóc, bệnh nhi Nguyễn Thành Nh. bị chuyển vị đại động mạch sắp được xuất viện.

Vừa qua, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng tiếp nhận và cứu sống một bệnh nhi (trú xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) bị chuyển vị đại động mạch. Đây là một bệnh lý tim bẩm sinh do bất thường trong quá trình tạo hình trái tim lúc phôi thai dẫn đến động mạch phổi và động mạch chủ “đổi chỗ” cho nhau.

Hơn 30 giờ sau khi chào đời, cháu bé được chuyển ra Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cấp cứu trong tình trạng suy tim, tím tái, suy hô hấp. Sau khi siêu âm tim và chẩn đoán bệnh, ê-kíp bác sĩ lập tức can thiệp phá vách liên nhĩ bằng bóng cấp cứu, giúp mở rộng lỗ thông liên nhĩ, tăng sự hòa trộn máu giữa tâm nhĩ phải và tâm nhĩ trái, xử lý dứt điểm tình trạng suy tim, suy hô hấp.

Ca phẫu thuật kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ được tiến hành sau đó, trong đó có 120 phút các bác sĩ phải cho tim ngừng đập, sử dụng máy tim phổi nhân tạo hoạt động thay cho chức năng của tim và phổi. Các phẫu thuật viên cắt rời 2 động mạch lớn ra khỏi 2 tâm thất, nối lại động mạch vành và nối 2 động mạch lớn lại về đúng vị trí giải phẫu bình thường, đó là động mạch chủ nối với tâm thất trái, động mạch phổi nối với tâm thất phải. Sau hơn 5 tuần can thiệp tạm thời, phẫu thuật và theo dõi hậu phẫu, sự sống “diệu kỳ” đã đến, cháu tự bú sữa mẹ, tăng cân đều.

Theo TS.BS Trần Thị Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, đây là bệnh nhi đầu tiên bị chuyển vị đại động mạch được can thiệp kịp thời và cứu sống tại bệnh viện bằng chính đội ngũ y, bác sĩ ở đây.

Tháng 11-2015, chương trình phẫu thuật can thiệp tim mạch nhi sơ sinh bắt đầu được Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng triển khai với sự hỗ trợ đắc lực từ Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E Hà Nội. Ê-kíp bác sĩ tại Đà Nẵng được cử đi “học việc” tại Bệnh viện E Hà Nội bao gồm các lĩnh vực nội khoa, siêu âm, chạy máy tuần hoàn cơ thể, gây mê, hồi sức hậu phẫu tim trong thời gian từ 6-30 tháng tùy từng vị trí.

Phẫu thuật chuyển vị đại động mạch là những ca phức tạp, đặc biệt là can thiệp phá vách liên nhĩ trước mổ và chăm sóc tim hậu phẫu. Vì vậy, từ giữa năm 2016, ê-kíp gồm 8 bác sĩ, điều dưỡng lại tiếp tục đi học tại Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh để củng cố, nâng cao chuyên môn trong lĩnh vực tim mạch, hồi sức, siêu âm. Từ khi chương trình được triển khai đến nay đã có 114 trẻ được can thiệp, phẫu thuật, mở ra cơ hội mới trong việc cứu sống kịp thời những trẻ mắc chứng tim bẩm sinh này.

Theo bác sĩ Hoàng, những năm qua, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng liên tục tiếp nhận những bệnh nhi bị chuyển vị đại động mạch nhưng do năng lực chuyên môn, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu, các bệnh nhi lại một lần nữa được chuyển ra Huế, Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo bác sĩ Hoàng, khoảng cách địa lý, thời gian di chuyển kéo dài khiến bệnh tình của các cháu càng nguy cấp. Đã có một số bệnh nhi tử vong khi đang trên đường chuyển viện. Thực tế này khiến đội ngũ y, bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản- Nhi trăn trở, tìm mọi cách để tiếp cận phương pháp điều trị, phẫu thuật đối với bệnh lý chuyển vị đại động mạch ở trẻ sơ sinh. Chương trình phẫu thuật can thiệp tim mạch nhi sơ sinh ra đời thực sự đã mang nhiều ý nghĩa.

90% trẻ tử vong nếu không được điều trị

Đảo gốc động mạch (hay còn gọi chuyển vị đại động mạch) là bệnh lý tim bẩm sinh phổ biến ở trẻ sơ sinh (5-7% trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh). Trong đó có sự bất tương hợp giữa các tâm thất và các động mạch lớn, động mạch chủ xuất phát từ tâm thất phải, động mạch phổi xuất phát từ tâm thất trái. Điều này làm 2 vòng tuần hoàn là tuần hoàn hệ thống và tuần hoàn phổi tách biệt nhau.

Máu đỏ giàu oxy từ tĩnh mạch phổi quay về tâm nhĩ trái, xuống tâm thất trái lại được đưa quay lại động mạch phổi lên 2 phổi. Máu đen nghèo oxy từ tĩnh mạch hệ thống trở về tâm nhĩ phải, xuống tâm thất phải lại được bơm vào động mạch chủ đi nuôi cơ thể mà không qua 2 phổi để trao đổi oxy. Hậu quả là cơ thể không được cung cấp oxy. Tỷ lệ tử vong nếu bệnh nhân không được chữa trị là 30% trong tuần đầu, 50% trong tháng đầu và 90% trong năm đầu.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.
.