Hưởng ứng Ngày Tránh thai thế giới 26-9

Không có biện pháp tránh thai an toàn tuyệt đối

.

Ngày 26-9 hằng năm được chọn là Ngày Tránh thai thế giới và hơn 70 quốc gia hưởng ứng ngày này nhằm giúp giới trẻ có sự lựa chọn dựa trên đầy đủ thông tin và hiểu biết về đời sống tình dục, sức khỏe sinh sản.

Buổi tập huấn về các biện pháp tránh thai hiện đại.
Buổi tập huấn về các biện pháp tránh thai hiện đại.

Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 250.000 đến 300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức. Trung bình một phụ nữ có 2 con thì cũng 2 lần nạo phá thai. Đáng chú ý, tỷ lệ phá thai trên 12 tuần tuổi chiếm gần 80%.

Ghi nhận từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Hùng Vương cho thấy, số lượng phụ nữ đến nạo thai trong những năm qua gần như không giảm, trung bình mỗi ngày các bệnh viện tiếp nhận 60-80 ca.

Nguyên nhân chủ yếu của việc có thai ngoài ý muốn là không áp dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) chiếm 55,6% và thất bại của việc sử dụng các BPTT như sử dụng không đúng cách, sử dụng các BPTT truyền thống, kém hiệu quả chiếm 39,5%.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, hiện nay, có nhiều BPTT như: đặt vòng, dùng viên uống tránh thai, bao cao su, tính vòng kinh, xuất tinh ngoài và triệt sản nam, nữ… Tuy nhiên, tùy cơ địa mỗi người có thể áp dụng BPTT khác nhau để đạt hiệu quả cao nhất.

Không có BPTT nào là tốt nhất cho tất cả mọi người, mà cần tư vấn tránh thai để giúp lựa chọn BPTT phù hợp. Riêng với BPTT hiện đại là dùng viên uống tránh thai, hiện nay, giới trẻ có xu hướng lạm dụng viên uống khẩn cấp. Khuyến cáo của các nhà sản xuất là không sử dụng quá 2 viên/tháng, nhưng nhiều người sử dụng thường xuyên sau mỗi lần quan hệ, gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Tình trạng mang thai ngoài ý muốn không chỉ ở các bạn trẻ chưa lập gia đình mà còn xảy ra ở rất nhiều cặp vợ chồng không có kế hoạch tốt. Việc mang thai ngoài ý muốn dẫn đến hệ lụy cho sức khỏe, tính mạng và cuộc sống của người phụ nữ. Vì vậy, phụ nữ cần sử dụng BPTT an toàn để tự bảo vệ sức khỏe của chính mình, chủ động trong việc sinh con để nuôi con khỏe, dạy con ngoan và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Tại hội thảo “Chủ động tránh thai, tròn vai thiên chức”, do Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng ngày 19-9, bác sĩ Ngô Thị Yên, Bệnh viện Từ Dũ chia sẻ, phá thai không phải là BPTT. Hãy chủ động sử dụng các BPTT để tránh mang thai ngoài ý muốn, sử dụng BPTT phù hợp là bảo vệ sức khỏe sinh sản.

Không có BPTT nào là tốt nhất cho tất cả mọi người mà cần tư vấn tránh thai để lựa chọn biện pháp phù hợp… Với hơn 25 triệu phụ nữ Việt Nam đang trong độ tuổi sinh sản hiện nay, trang bị kiến thức chính xác thông qua giáo dục, cung cấp thông tin và các dịch vụ tránh thai để vị thành niên và thanh niên tự bảo vệ mình trước việc mang thai và sinh con ngoài ý muốn cần được đặt thành ưu tiên hàng đầu.

Khi phụ nữ và trẻ em gái được tiếp cận BPTT một cách toàn diện, số bé gái bỏ học, hay bị lỡ mất cơ hội học tập và phát triển vì mang thai ngoài ý muốn và số ca tử vong mẹ sẽ giảm đáng kể. Điều này đồng nghĩa với việc tăng thêm nguồn lực lao động cho quốc gia.

Giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình chính là một trong những cách thức đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất. Trong đó, phòng tránh thai mang lại rất nhiều lợi ích trong việc chủ động sinh con, giúp phụ nữ chủ động thời gian sinh đẻ, khoảng cách sinh và số lượng con; tránh được những tai biến sản khoa và không bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Nhờ việc không sinh con sớm và sinh quá dày, quá nhiều hay quá muộn, đặc biệt khi người phụ nữ chưa phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn sinh lý sẽ hạn chế các tai biến cho bà mẹ và thai nhi. Đẻ quá muộn làm tăng tỷ lệ dị tật thai. Đẻ quá nhiều và dày khiến phụ nữ hao mòn thể lực, dễ tai biến khi sinh đẻ, thậm chí trẻ chết lưu và suy dinh dưỡng.

Bài và ảnh: MAI HOA

;
.
.
.
.
.
.