Tiếp cận cộng đồng phòng, chống HIV/AIDS

.

Tại Đà Nẵng, thời gian qua, hoạt động tiếp cận cộng đồng đã giúp người dân, nhất là các nhóm nguy cơ cao nhận thức đúng và thay đổi hành vi dự phòng lây nhiễm, cũng như xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

Các nhân viên tiếp cận cộng đồng chia sẻ thông tin về phòng, chống HIV/AIDS.
Các nhân viên tiếp cận cộng đồng chia sẻ thông tin về phòng, chống HIV/AIDS.

Theo số liệu mới nhất từ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố, tính đến cuối tháng 6 năm nay, số người bị phát hiện nhiễm HIV ở Đà Nẵng là hơn 2.300 trường hợp; trong đó 6 tháng đầu năm 2018 phát hiện 82 trường hợp nhiễm HIV, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao cũng tăng hơn so với cùng kỳ.

Qua đó cho thấy, công tác truyền thông, tiếp cận của các nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng giữ vai trò rất quan trọng và cần thiết trong việc giúp người dân, nhất là các nhóm nguy cơ cao nhận thức đúng và thay đổi hành vi dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Các nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng giúp các đối tượng nguy cơ cao tiếp cận với các dịch vụ dự phòng cũng như thực hiện xét nghiệm để biết được tình trạng bệnh của mình và tham gia điều trị sớm, giảm nguy cơ lây nhiễm cho người thân, cộng đồng.

Nối tiếp những tiêu chí, phương pháp, kỹ năng tiếp cận đối tượng nguy cơ cao từ các dự án Life-GAP, Dfid, World Bank, hiện nay, với nguồn ngân sách địa phương, Chương trình tiếp cận cộng đồng phòng, chống HIV/AIDS do Khoa Truyền thông và can thiệp thuộc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố quản lý đang hoạt động với 30 nhân viên tiếp cận cộng đồng. Gần 2 năm nay, các nhóm đã quản lý 579 khách hàng thường xuyên, tiếp cận hơn 1.100 khách hàng mới, thực hiện 10.800 lượt tiếp cận, truyền thông cho hơn 1.600 khách hàng, giới thiệu thành công cho hơn 800 khách hàng sử dụng dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện, cấp phát hơn 49.000 bao cao su và 2.500 bơm kim tiêm miễn phí.

Mặc dù phụ cấp hằng tháng rất thấp, chỉ khoảng 500.000 đồng/người/tháng, nhưng các nhân viên tiếp cận cộng đồng đều làm việc nhiệt tình. Anh Nguyễn Văn Tình, nhân viên tiếp cận cộng đồng nhóm sau cai cho biết, hoạt động của anh và các cộng sự là hướng dẫn những người có hành vi nguy cơ tiếp cận các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV, sử dụng bơm kim tiêm sạch trong tiêm chích ma túy, sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục để tránh lây nhiễm HIV/AIDS.

Theo anh Tình, việc tiếp cận để động viên người nghiện hoặc người có nguy cơ cao đi xét nghiệm không hề dễ dàng. Các nhân viên tiếp cận cộng đồng như anh phải kiên trì, nhẫn nại bởi đối tượng thường né tránh, thậm chí xua đuổi vì muốn giấu thông tin.

Ông Phạm Chải, cán bộ chuyên trách thuộc Đội Y tế dự phòng, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu cho biết: “Trong lúc nguồn lực hạn chế thì cần ưu tiên truyền thông nhóm đối tượng đích, tác động mạnh tới tình hình bệnh AIDS như nhóm nghiện chích ma túy, mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới và vợ hoặc bạn tình của họ. Ngoài ra, cũng cần chú trọng nhóm đối tượng dễ bị tổn thương là học sinh, sinh viên và công nhân lao động xa nhà”.

Bác sĩ Lê Thành Chung, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, tiếp cận cộng đồng là một chương trình đặc thù, đòi hỏi người thực hiện và phương pháp thực hiện mang tính chất riêng. Tuy nhiên, mục tiêu chung vẫn là làm giảm những trường hợp nhiễm mới trong nhóm có hành vi nguy cơ cao như: tiêm chích ma túy, người bán dâm và nam quan hệ tình dục đồng giới. Chính vì thế, chương trình luôn hướng tới việc tuyên truyền thay đổi hành vi và can thiệp giảm tác hại cho các đối tượng có hành vi nguy cơ cao.

Theo bác sĩ Chung, nhân viên tiếp cận cộng đồng là nhịp cầu nối giữa những người làm công tác phòng, chống HIV/AIDS với bệnh nhân HIV/AIDS và đối tượng có nguy cơ cao. Nếu không có họ, việc đưa các dịch vụ phòng tránh lây nhiễm bệnh đến các đối tượng có nguy cơ sẽ rất khó khăn. Số lượng đối tượng có nguy cơ tương đối đông và phân tán, trong khi nguồn nhân lực ngành y tế còn hạn chế.

Bài và ảnh: PHƯƠNG MINH

;
.
.
.
.
.
.