Chăm sóc, điều trị phụ nữ mang thai nhiễm HIV

.

Việc chăm sóc, quản lý thai nghén sớm cùng phác đồ điều trị thích hợp sẽ giúp phụ nữ mang thai nhiễm HIV tăng khả năng đề kháng với vi khuẩn và có cơ hội sinh con khỏe mạnh, phòng lây truyền từ mẹ sang con.

Tất cả phụ nữ mang thai nên đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn xét nghiệm, sàng lọc HIV. TRONG ẢNH: Bác sĩ tư vấn chăm sóc thai nghén cho phụ nữ mang thai.  Ảnh: Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố cung cấp
Tất cả phụ nữ mang thai nên đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn xét nghiệm, sàng lọc HIV. TRONG ẢNH: Bác sĩ tư vấn chăm sóc thai nghén cho phụ nữ mang thai. Ảnh: Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố cung cấp

Theo thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố, từ đầu năm đến nay, các cơ sở sản khoa trên địa bàn thành phố xét nghiệm sàng lọc HIV cho hơn 11.300 phụ nữ mang thai; qua đó phát hiện 4 phụ nữ nhiễm HIV.

Tính đến nay, lũy tích số trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV được phát hiện là 58. Những trường hợp này đều được tư vấn, chăm sóc thai sản, dinh dưỡng và điều trị suốt quá trình từ mang thai đến chuyển dạ và sau sinh.

Bác sĩ Lê Thành Chung, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố cho biết, người mẹ nhiễm HIV có thể truyền cho con qua 3 giai đoạn. Khi người mẹ mang thai, HIV từ mẹ qua nhau thai vào cơ thể thai nhi rất sớm, có thể ngay từ tuần thứ 8 của thai kỳ. Có khoảng 17 - 25% trẻ sơ sinh có khả năng lây nhiễm HIV ở giai đoạn này.

Khi sinh, HIV lây từ các dịch và máu của mẹ nhiễm HIV vào cơ thể trẻ. Khoảng 50 - 60% trẻ sơ sinh bị lây nhiễm từ giai đoạn này. Và khi cho con bú, HIV có thể lây qua sữa mẹ hoặc các vết nứt, trầy xước ở núm vú mẹ sang cơ thể trẻ. Khoảng 15 - 25% trẻ bị lây HIV ở giai đoạn bú mẹ.

Chính vì thế, với những phụ nữ nhiễm HIV đang điều trị thuốc kháng HIV (ARV) ở phòng khám ngoại trú người lớn (Bệnh viện Da liễu), hoặc phụ nữ mang thai phát hiện nhiễm HIV trong thai kỳ đều được chuyển đến Khoa Sản (Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng) để các bác sĩ tư vấn, hướng dẫn, điều trị, phòng lây truyền từ mẹ sang con.

Theo bác sĩ Lê Thị Ánh Tuyết, Phó khoa Sản bệnh lý (Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng), tất cả phụ nữ mang thai nên đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt. Nếu phát hiện bệnh và được uống thuốc theo phác đồ điều trị sớm, có thể bảo đảm hiệu quả tối ưu trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con.

Với những phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV, bên cạnh việc chăm sóc thai nghén như bao bà mẹ khác, người mẹ còn được chăm sóc, uống thuốc điều trị ARV và điều trị về HIV, phòng tránh lây truyền sang con.

Phụ nữ mang thai được xác định HIV dương tính sẽ được giới thiệu đến cơ quan chuyên môn để đánh giá về lâm sàng và xét nghiệm. Nếu đủ tiêu chuẩn điều trị bằng thuốc ARV sẽ được tiến hành điều trị. Tùy thuộc thời điểm xác định HIV dương tính vào giai đoạn nào của thai kỳ, các bác sĩ sẽ có chỉ định dự phòng phù hợp, việc dùng thuốc điều trị ARV sẽ theo một phác đồ khác nhau.

Sau khi sinh, tốt nhất trẻ nên được nuôi bằng sữa ngoài thay thế sữa mẹ để tránh nguy cơ lây nhiễm từ sữa mẹ. Cả mẹ và bé đều dùng thuốc điều trị theo chỉ định. Tùy thời gian điều trị bệnh của mẹ mà bé được điều trị thuốc lâu hay nhanh.

“Tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, phụ nữ mang thai đến khám đều được tư vấn để tham gia xét nghiệm sàng lọc HIV. Các bác sĩ chuyên môn đều được tập huấn, nâng cao kiến thức về phòng, chống HIV lây truyền từ mẹ sang con, sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ bệnh nhân.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn phụ nữ mang thai chưa tiếp cận dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, nhiều phụ nữ e ngại tiếp cận các dịch vụ hoặc tiếp cận ở giai đoạn muộn, thậm chí không đồng ý điều trị bệnh vì sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

Vì thế, điều quan trọng nhất của việc tuyên truyền là nhắm vào tâm lý thương con của người mẹ. Một khi nghĩ đến tương lai của đứa con, người mẹ sẽ sẵn sàng tham gia xét nghiệm và điều trị HIV”, bác sĩ Tuyết cho hay.

Theo bác sĩ Lê Thành Chung, hiện nay, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đều triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tại các trạm y tế phường, xã, khi người mẹ mang thai đến tiêm phòng uốn ván sẽ được tư vấn tham gia xét nghiệm tự nguyện HIV.

Với các chương trình truyền thông rộng rãi trong cộng đồng, số phụ nữ mang thai nhiễm HIV đều được điều trị, chăm sóc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và 100% trẻ nhiễm HIV từ mẹ được điều trị tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.

THU THẢO
 

;
.
.
.
.
.
.