Tăng mức xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm

.

Từ ngày 20-10, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4-9-2018 của Thủ tướng Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (ATTP) (sau đây gọi tắt là Nghị định 115) chính thức có hiệu lực.

Đây là hành lang pháp lý thay thế Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013, trong đó, mức xử phạt cảnh cáo trước đây được thay bằng hình thức xử phạt hành chính, với mức tăng gấp 7 lần so với giá trị sản phẩm hàng hóa vi phạm.

Nghị định 115 gồm 4 chương, 39 điều, quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về ATTP có tính chất răn đe hơn so với Nghị định 178. Đáng chú ý, mức trần xử phạt không vượt quá 100 triệu đồng đã được bãi bỏ. Khung phạt tiền với hành vi sử dụng hóa chất cấm cũng được tăng lên ở mức 80 đến 100 triệu đồng.

Nghị định 115 cũng quy định nhiều mức phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm; thu hồi bản tự công bố sản phẩm; buộc tiêu hủy thực phẩm, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn…

Theo ông Nguyễn Tứ, Phó ban Quản lý (BQL) ATTP thành phố, việc ban hành và áp dụng Nghị định 115 sẽ giúp việc thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm ATTP hiệu quả hơn; trong đó, nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm cũng như vai trò giám sát của cộng đồng trong lĩnh vực này.

“Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có 10.000 cơ sở đăng ký kinh doanh thực phẩm, trong khi nhân lực của BQL ATTP thành phố chỉ có 60 người, còn cán bộ ở các địa phương đều làm công tác kiêm nhiệm. Việc áp dụng Nghị định 115 sẽ giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn xã hội, còn cơ quan quản lý Nhà nước chỉ đóng vai trò hậu kiểm”, ông Tứ cho biết.

Cũng theo ông Tứ, từ năm 2018, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung có hiệu lực, trong đó tăng hình phạt đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực ATTP cũng là một cột mốc quan trọng.

Nếu các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm bẩn vẫn mang tư tưởng bất chấp quy định pháp luật như trước thì sẽ bị thiệt thòi rất lớn, bởi mức độ xử phạt tăng lên nhiều, thậm chí bị xử lý hình sự.

“Các thể chế pháp lý cho lĩnh vực ATTP không ngừng được hoàn thiện, bổ sung; trong đó nhấn mạnh việc xử lý các hành vi vi phạm là cách hiệu quả nhất để nâng cao nhận thức của cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Tại Đà Nẵng, nếu từ năm 2010, chúng tôi kiểm tra và ghi nhận có khoảng 10% lượng rau, củ, quả tồn dư thuốc bảo vệ thực vật thì đến nay, tỷ lệ này xuống còn 2 - 3%. Điều này thể hiện sự thay đổi nhận thức của các tổ chức, cá nhân, trong đó có tác động từ sự điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện khung hành lang pháp lý”, ông Tứ cho biết thêm.

Thời gian qua, BQL ATTP thành phố cũng đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, phổ biến kiến thức và triển khai Nghị định 115 nhằm nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân tham gia chế biến, sử dụng, kinh doanh thực phẩm, góp phần hạn chế việc sử dụng thực phẩm bẩn và bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.

PHAN CHUNG
 

;
.
.
.
.
.
.
.