4 an
Cấm kinh doanh nếu vi phạm về an toàn thực phẩm
Quy định về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đối với các sản phẩm nông-lâm-thủy sản đã qua chế biến không bao gói sẵn và sản phẩm rau củ quả, thủy sản tiêu thụ tại thành phố Đà Nẵng, do Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ ký quyết định (Quyết định số 35/2016/QĐ-UBND) sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2017. Điểm đặc biệt của quyết định này là sẽ cấm kinh doanh nếu chủ hộ vi phạm ATVSTP.
Theo ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản thành phố, có hai điểm mới được đề cập trong Quyết định 35 mà các hộ kinh doanh cần nắm rõ. Thứ nhất, hàng hóa không bao gói như nem, chả, tré lâu nay được sản xuất thủ công, ít được quan tâm về nhãn mác, mẫu mã.
Trước đây, những mặt hàng này khi đưa ra thị trường thì cơ quan quản lý Nhà nước không biết truy xuất nguồn gốc từ đâu và khó có thể gắn trách nhiệm của người sản xuất vào sản phẩm. “Từ thực tế này, sắp đến Đà Nẵng sẽ yêu cầu chủ sản xuất phải gắn nhãn mác với 3 mục đích chính: gắn trách nhiệm của người làm ra sản phẩm, giúp người tiêu dùng có thêm thông tin; tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý Nhà nước trong quản lý, kiểm soát, xử lý”, ông Tứ cho biết.
Ngoài ra, nguồn nông sản nhập về chợ Đầu mối Hòa Cường trong thời gian đến cũng sẽ được kiểm soát tốt về nguồn gốc xuất xứ. Hiện mỗi năm chợ đầu mối này nhập khoảng 171.000 tấn rau củ quả các loại phục vụ nhu cầu của người dân thành phố.
Từ 1-1-2017, chủ hộ kinh doanh hàng hóa rau củ quả phải xuất trình chứng từ về nguồn gốc hoặc nộp bảng kê khai cho Ban quản lý chợ trước khi đưa hàng trên xe xuống tiêu thụ. Ngoài ra, các tiểu thương phải chấp hành các đợt kiểm tra, thanh tra, chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa do mình kinh doanh. Thực tế hiện nay, nhiều loại rau củ quả nhập về Đà Nẵng không được kê khai nguồn gốc nên rất khó kiểm soát chất lượng, khó truy xuất khi xảy ra sự cố.
Nhiều tiểu thương chỉ quan tâm lợi nhuận mà không có trách nhiệm với nguồn hàng, chất lượng sản phẩm. Nếu Quyết định 35 có hiệu lực, nguồn hàng hóa được nhập về chợ đầu mối cung cấp cho toàn thành phố sẽ được kiểm soát từ nơi xuất xứ. Cơ quan quản lý sẽ tiến hành lấy mẫu phân tích, nếu có vi phạm sẽ thông báo cho các tiểu thương chuyên thu mua, phân phối không được nhập hàng của nơi có thực phẩm bị phát hiện không bảo đảm an toàn.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, lâu nay, việc triển khai quy định ATVSTP gặp rất nhiều khó khăn, trong đó một phần xuất phát từ thói quen chối bỏ trách nhiệm của một số tiểu thương. Theo quy định mới, nếu các thực phẩm như chả, nem không được gắn thông tin cụ thể trên sản phẩm thì cơ quan quản lý Nhà nước có quyền xử phạt hành chính, với mức tối thiểu từ 400.000 đồng đến mức tối đa theo giá trị lô hàng. Mức xử lý này cũng áp dụng cho các loại rau củ quả được nhập về chợ đầu mối.
“Ngoài ra, thành phố cũng có những chế tài nghiêm khắc hơn, cụ thể, nếu vi phạm mà không khắc phục, sửa chữa, khi cơ quan quản lý Nhà nước phát hiện lần thứ hai sẽ không cho kinh doanh ở chợ nữa. Chúng tôi sẽ phối hợp với ban quản lý các chợ thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về ATVSTP”, ông Tứ khẳng định.
PHAN CHUNG