.

Vận động nữ tiểu thương thực hiện an toàn thực phẩm

.

Tiểu thương ở các chợ trên địa bàn Đà Nẵng cho biết, vì lợi nhuận, nhiều người lấy hàng không có nhãn mác, không nguồn gốc về bán khiến người tiêu dùng bất an. Từ đầu năm 2017, Hội LHPN các chợ đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn thực phẩm trong chương trình “Thành phố 4 an” đến toàn thể nữ tiểu thương nhằm hạn chế tình trạng trên.

Buôn bán cần cái tâm

Bà Phạm Thị Bình, tiểu thương chợ Đống Đa (quận Hải Châu), giới thiệu các loại trái cây trên quầy của mình và chỉ rõ nguồn gốc, xuất xứ của từng loại từ trong nước đến ngoài nước như: nho, cam, xoài, thanh long... Tất cả hàng được lấy từ chợ đầu mối Hòa Cường và một số vựa tại TP. Hồ Chí Minh. Cũng theo bà Bình, khi lấy hàng, các chủ vựa đều giới thiệu rõ nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng để tiểu thương lựa chọn. Tiểu thương hiểu rõ mặt hàng nào bảo đảm an toàn, mặt hàng nào không an toàn nhưng nhiều người ham rẻ, ham lợi nên mua hàng không chất lượng về bán.

“Tôi bán trái cây hơn 30 chục năm từ hồi ở chợ Nguyễn Du qua chợ Đống Đa. Tôi thấy rằng, chợ truyền thống ngày càng khó cạnh tranh, người tiêu dùng ngày càng lựa chọn kỹ. Vì thế, hướng đến buôn bán sản phẩm an toàn là xu thế chung buộc chúng tôi phải thích nghi để tồn tại. Điều quan trọng là chúng tôi ý thức buôn bán cũng cần cái tâm”, bà Bình nói.

Chọn thực phẩm sạch, an toàn cũng là cách mà nhiều tiểu thương bán mặt hàng thịt, cá, rau, củ tại các chợ thực hiện. Bà Phượng, tiểu thương bán mặt hàng thịt tại chợ Thanh Bình (quận Hải Châu) chia sẻ, muốn tạo uy tín với khách hàng thì phải buôn bán đàng hoàng. Bà lấy hàng từ cơ sở giết mổ Đà Sơn, có đóng dấu thú y, với kinh nghiệm nhiều năm, bà nhận biết được thịt thế nào là tươi ngon.

Tăng cường kiểm soát đầu vào

Hiện trên địa bàn Đà Nẵng có tất cả 74 chợ với hơn 23.000 hộ kinh doanh, phần lớn do phụ nữ đảm nhận. Do đó, nữ tiểu thương có vai trò quan trọng trong thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Từ đầu năm đến nay, Ban quản lý chợ phối hợp Hội LHPN chợ tổ chức phổ biến, tuyên truyền đến tiểu thương về tầm quan trọng của ATVSTP với sức khỏe của bản thân, gia đình, cộng đồng và vai trò, trách nhiệm của phụ nữ trong kinh doanh thực phẩm an toàn. Ngoài ra, vận động tiểu thương cam kết “Nói không với kinh doanh thực phẩm bẩn; thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ”; kinh doanh, chế biến thức ăn bảo đảm ATVSTP; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực về Luật ATVSTP, kiến thức về VSATTP...

Bà Mai Thị Hòa, Chủ tịch Hội Phụ nữ chợ Đống Đa, hiện cũng buôn bán tại chợ cho biết, các tiểu thương là hội viên phụ nữ đã tham gia khóa tập huấn, tuyên truyền và ký cam kết về ATVSTP. Hằng ngày, Ban quản lý chợ phát bản tin nhắc nhở tiểu thương kinh doanh thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ, bảo đảm ATVSTP. Nếu phát hiện hành vi vi phạm thì sẽ bị lập biên bản...

Có thể nói, công tác tuyên truyền đã tạo chuyển biến nhận thức của tiểu thương về ATVSTP. Tuy nhiên, điều mà tiểu thương không an tâm là làm sao để biết khâu giết mổ có an toàn hay không, có dùng chất tạo nạc hay bị bơm nước trước khi giết mổ… Tiểu thương tại các chợ kỳ vọng các ngành chức năng liên quan đẩy mạnh kiểm soát an toàn thực phẩm từ gốc; người dân cũng cần kiên quyết không mua bán các loại sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bao bì và nhãn mác.

HÀ THU

;
.
.
.
.
.