.

Hòa Vang "chặn" thực phẩm bẩn

.

Thực hiện chương trình “Thành phố 4 an”, trong năm 2017, huyện Hòa Vang đặt mục tiêu không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm tập thể trên địa bàn.

Chỉ riêng trong năm 2016, huyện Hòa Vang ban hành 51 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị triển khai hoạt động an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Nhiều lớp tập huấn được tổ chức cho hộ tiểu thương tại các chợ, chủ cơ sở giết mổ gia súc, nông dân sản xuất rau an toàn… Bốn đoàn kiểm tra liên ngành của huyện và 11 đoàn thuộc 11 xã xử phạt hành chính 34 cơ sở kinh doanh thực phẩm với số tiền trên 54 triệu đồng.

Theo đánh giá chung, nhiều chủ cơ sở vi phạm những lỗi rất cơ bản về ATVSTP như: không cập nhật kiến thức ATVSTP theo quy định; không khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên; vi phạm thực hành bảo hộ lao động; giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP hết hạn. Đặc biệt, có 14 trường hợp bị xử lý vi phạm quy định về giết mổ gia súc, gia cầm; 7 trường hợp kinh doanh thịt heo nhưng không có dấu kiểm soát giết mổ...

Theo ông Bùi Nam Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, công tác triển khai ATVSTP hiện còn gặp nhiều khó khăn. Cán bộ phụ trách công tác ATVSTP từ cấp xã đến huyện đều phải kiêm nhiệm nên ảnh hưởng tới kết quả tham mưu, quản lý. Việc phân cấp quản lý chưa được thực hiện đồng bộ. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm soát mỏng nên khó quản lý cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.

Năm 2017, huyện Hòa Vang đặt ra 14 mục tiêu quan trọng. Theo đó, công tác tuyên truyền, ký cam kết bảo đảm ATVSTP phải được triển khai đồng bộ, tuyệt đối từ các ban, ngành cấp huyện, xã, thôn, đến các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ. 100% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP và thường xuyên có sự kiểm tra, giám sát theo phân cấp. Ngăn chặn kịp thời việc kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm nhập lậu, gian lận thương mại tại các chợ thuộc huyện quản lý. Các ý kiến phản ánh từ cơ sở và người dân đều phải được cơ quan chức năng tiếp thu, xử lý kịp thời.

Mới đây, UBND huyện Hòa Vang yêu cầu các ngành, UBND các xã rà soát cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý; đồng thời tổ chức tập huấn, xác nhận kiến thức, hướng dẫn khám sức khỏe cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Huyện Hòa Vang cũng yêu cầu UBND các xã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam, các đoàn thể xã hội triển khai công tác tuyên truyền cho người dân ở 119 thôn trên địa bàn huyện; vận động người dân cùng giám sát, phát hiện và tố giác những trường hợp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm bẩn, không bảo đảm chất lượng.

PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.