.

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm: Tạo niềm tin cho người tiêu dùng

.

Sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, Đà Nẵng là địa phương thứ 3 trong cả nước triển khai truy xuất nguồn gốc thực phẩm nhằm bảo đảm an toàn chất lượng hàng hóa. Đây cũng là mục tiêu hướng tới xây dựng môi trường văn minh thương mại, hiện đại, tạo niềm tin cho người dân và du khách đến Đà Nẵng.

Sở Công thương cho biết, đề án “Xây dựng hệ thống quản lý thông tin kiểm soát thực phẩm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” được UBND thành phố giao cho sở chủ trì cùng với các cơ quan liên quan. Đề án được tiến hành giai đoạn 1 thí điểm kiểm soát thực phẩm đối với sản phẩm không bao gói sẵn đang tiêu thụ tại chợ Hàn. Qua đó, xây dựng hệ thống thông tin quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trên cơ sở ứng dụng công nghệ tam mã vạch 2 chiều (QR code) nhằm kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm không bao gói sẵn (rau, củ, thịt, cá…) từ điện thoại thông minh (smartphone). Hệ thống này thiết lập quy cách tem dán chuẩn về ATVSTP của thành phố để phân phối cho các đối tượng là nhà sản xuất, cung ứng, phân phối và người bán lẻ tại các chợ, cửa hàng thực phẩm…
Tem dán đã in sẵn mã vạch hằng ngày sẽ gắn thông tin của từng đối tượng kinh doanh (họ, tên, tổ chức, cá nhân kinh doanh, địa chỉ liên hệ, điện thoại, địa điểm kinh doanh, mặt hàng/lĩnh vực kinh doanh). Việc tiến hành phân phối tem được xác nhận và có kiểm tra, giám sát thực hiện dán tem lên bao bì. Người tiêu dùng sử dụng smartphone rọi vào tem để biết được những nội dung cần biết như trên đối với sản phẩm mình đang sử dụng.

Nói về việc dán tem trên sản phẩm, ông Đoàn Công Thượng Đức, Phó Ban quản lý (BQL) chợ Hàn cho rằng, nội dung trên tem chưa đáp ứng mong mỏi của người tiêu dùng, vì người bán chỉ nhập hàng, bán hàng chứ chưa chắc nắm được quy trình sản xuất, cũng như nguồn gốc của thực phẩm. Tuy nhiên, từ thông tin về người bán, người tiêu dùng sẽ có cơ sở để truy nguồn gốc thực phẩm nếu xảy ra sự cố. Bên cạnh đó, lộ trình thực hiện việc dán tem cho hàng hóa tại chợ cũng khá khó khăn, vì tem phải được cấp phát mới hằng ngày, đòi hỏi BQL chợ phải hình thành một bộ phận cấp tem cho các hộ kinh doanh. Theo lộ trình, đến đầu tháng 5, chương trình này sẽ triển khai, nhưng hiện tại BQL chợ Hàn vẫn chưa được tập huấn về việc sử dụng và cấp phát tem. Đặc biệt, nỗi lo lớn là chưa có con người để thực hiện các phần việc theo yêu cầu đặt ra.

Trong khi đó, tại chợ Đầu mối Hòa Cường, mỗi ngày lưu lượng hàng hóa đổ về rất lớn, nhất là thời điểm từ 0-2 giờ sáng, càng khiến công tác kiểm tra thực phẩm gặp nhiều khó khăn. Thời gian đầu, để hỗ trợ BQL chợ Đầu mối Hòa Cường triển khai quản lý chất lượng các mặt hàng, UBND thành phố đã thành lập tổ công tác liên ngành gồm Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, UBND quận Hải Châu… Tổ này có trách nhiệm giám sát việc đăng ký thông tin khai báo nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; đồng thời giải thích, ngăn ngừa những hộ kinh doanh, chủ phương tiện chưa hiểu Quyết định 35/2016/QĐ-UBND quy định quản lý ATVSTP của UBND thành phố Đà Nẵng và không hợp tác với BQL.

“Trước đây, hàng hóa về đến chợ, đội bốc xếp tại chợ sẽ nhận và bốc dỡ đến từng quầy kinh doanh. Còn bây giờ, tất cả các phương tiện về đến chợ, muốn bốc dỡ hàng hóa phải đến điểm tiếp nhận xuất trình hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc thực phẩm. Chỉ khi nào được BQL ký nhận, đóng dấu xác minh là nguồn hàng đã được khai báo, chủ phương tiện mới được phép dỡ hàng. Từ ngày thực hiện việc khai báo, nhận thức và ý thức chấp hành của các hộ kinh doanh tại chợ tăng lên rõ rệt. Bởi lẽ, tất cả tiểu thương đều yêu cầu thương lái phải truy xuất nguồn gốc thực phẩm để việc xuất trình giấy tờ, kê khai thuận lợi, không làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa cũng như khâu lưu thông…”, ông Diệp Hoàng Thông Anh, Trưởng BQL chợ Đầu mối Hòa Cường cho biết.

Cũng theo BQL chợ này, sau 3 tháng triển khai, 100% phương tiện, sản lượng hàng hóa đều được khai báo với BQL trước khi vào chợ tiêu thụ. Từ việc đăng ký khai báo, BQL thống kê có 95 doanh nghiệp và thương lái từ 10 tỉnh, thành phố cung cấp mặt hàng trái cây cho Đà Nẵng; 73 doanh nghiệp và thương lái từ 12 tỉnh, thành phố cung cấp mặt hàng laghim cho Đà Nẵng. Việc đăng ký kê khai giúp thống kê những số liệu cần thiết, làm cơ sở dữ liệu để thành phố ký hợp đồng cung ứng thực phẩm với các tỉnh, thành phố có thực phẩm đạt chất lượng trong thời gian tới.

Theo thông tin từ Sở Công thương, sau khi triển khai tại chợ Hàn, các chợ loại 1 của Đà Nẵng tiếp tục được nhân rộng theo hướng bài bản hơn.

* Cô Nguyễn Thị Minh Hòa, giáo viên quận Hải Châu: Tôi ủng hộ việc dán tem này. Đúng là khi mua con cá, mớ rau, tâm lý của người mua rất muốn biết cá đó được đánh bắt ở ngư trường nào, được ướp lạnh bảo quản ra sao; rau được trồng ở khu vực nào, theo phương pháp gì, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu có đúng kỹ thuật hay không… thì mới yên tâm khi chế biến. Song, theo tôi, cần đẩy mạnh dán tem QR ở nhiều sản phẩm chứ không chỉ bó hẹp những mặt hàng thông thường. Điều quan trọng là phải kiểm soát chặt từ nơi sản xuất vì sau khi tiểu thương dán tem cho sản phẩm, có thể xảy ra tình trạng trà trộn, đánh đồng sản phẩm không rõ nguồn gốc vào tiêu thụ như sản phẩm an toàn.

* Chị Lê Thị Tuyết Mai, tiểu thương ngành rau, quả chợ Hàn: Việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm là cách làm mới nhằm tạo ra uy tín cho người bán hàng ở chợ, nhất là chợ Hàn vốn được nhiều du khách trong và ngoài nước biết tới. Nếu dịp lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF 2017), hàng hóa của chúng tôi được dán tem truy xuất nguồn gốc, chúng tôi sẽ không ngần ngại giới thiệu với khách hàng những sản phẩm đặc trưng của Đà Nẵng.

DUYÊN TRANG

;
.
.
.
.
.