Nhiều khởi sắc ở xã Hòa Bắc

.

Từ mô hình “Vườn mẫu” đến khôi phục làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tình hình kinh tế xã miền núi Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) đang có nhiều chuyển biến tích cực.

UBND xã Hòa Bắc triển khai thực hiện 7 mô hình Vườn mẫu từ năm 2017 và bước đầu đem lại nhiều kết quả khả quan. Những hộ được chọn làm vườn mẫu phải siêng năng lao động và có vườn rộng từ 500m2 trở lên. Các hộ này được hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ để đầu tư canh tác hoặc làm chuồng trại, hàng rào, cổng ngõ.

Tại từng vườn mẫu, chủ hộ chọn trồng các loại cây hoặc nuôi những con vật có năng suất cao, phù hợp đặc điểm thổ nhưỡng. Đơn cử như ông Nguyễn Hồng (thôn Nam Yên) trồng bưởi, ổi, mít Thái Lan và nuôi gà Đông Tảo. Đến nay, bưởi và ổi đều phát triển tốt, mít Thái Lan bắt đầu có quả bán, riêng gà Đông Tảo cho thu nhập ổn định 4-5 triệu đồng/tháng. Hay như ông Lê Ngọc Anh (thôn Phò Nam) đầu tư nuôi dê và làm phân hữu cơ từ nguồn phân dê. Dê chỉ ăn lá cây cỏ, không tốn chi phí thức ăn nhưng rất mắn đẻ, mỗi năm cho 2-3 lứa. Dê 1 năm tuổi, nặng khoảng 30kg, giá 120.000-130.000 đồng/kg, thương lái đến mua tại chuồng, có bao nhiêu cũng bán hết.

Đặc biệt, xã Hòa Bắc đã đầu tư xây dựng mô hình trồng lan Mokara tại hộ ông Nguyễn Văn Thạnh ở thôn Lộc Mỹ đạt năng suất rất cao, thu nhập mỗi năm hơn 1 tỷ đồng và trở thành mô hình trồng lan Mokara đầu tiên trên miền núi Hòa Vang. Chủ tịch UBND xã Lê Thị Thu Hà cho biết: “Qua 2 năm thực hiện cho thấy các vườn mẫu đều có hiệu quả tốt. Xã đang đúc kết kinh nghiệm, đầu tư làm tiếp 20 vườn mẫu trong năm 2019”.

Từ đầu năm 2018, lãnh đạo xã Hòa Bắc chủ trương khôi phục nghề dệt thổ cẩm ở thôn Giàn Bí và thôn Tà Lang nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình và góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Cơ tu ở hai thôn này. Trong quá trình tuyên truyền, vận động khôi phục nghề dệt thổ cẩm, cán bộ xã cũng mặc trang phục dân tộc, tạo sự gần gũi, gắn bó với bà con nơi đây. UBND xã Hòa Bắc hỗ trợ kinh phí cho phụ nữ Cơ tu đi tham quan học tập nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại các huyện Đông Giang, Nam Giang và Tây Giang (tỉnh Quảng Nam). Sau đó, UBND xã tổ chức lớp học nghề dệt thổ cẩm tại nhà Gươl thôn Giàn Bí với sự giảng dạy của 2 nghệ nhân dệt thổ cẩm ở huyện Đông Giang và vận động được Tổ chức Cứu trợ phát triển quốc tế FIDR (Nhật Bản) tài trợ cho chương trình khôi phục nghề dệt thổ cẩm tại địa phương. Cán bộ xã hằng ngày theo dõi, chỉ đạo và động viên cả lớp cố gắng học tập.  

Khóa học nghề dệt thổ cẩm diễn ra trong 8 tháng và kết thúc vào cuối năm 2018. Qua đó, học viên đã làm được nhiều sản phẩm như: quần áo, khăn mặt, khăn bàn. Trong đó, chị Ngô Thị Thùy ở thôn Tà Lang, chị Đinh Thị Tin và chị Nguyễn Thị Nga (thôn Giàn Bí) được UBND huyện Hòa Vang khen thưởng vì dệt được các sản phẩm đẹp.  

Sau khóa học, chính quyền địa phương tiếp tục vận động kinh phí tài trợ cho các học viên mua sắm dụng cụ, vật liệu để dệt thổ cẩm tại nhà. Ban đầu, sản phẩm của chị em được sử dụng trong gia đình và tặng người thân, bạn bè. Một số chị mang sản phẩm ra chợ bán, thu hút nhiều người quan tâm và được khách hàng ưa chuộng. Chị Ngô Thị Thùy hồ hởi chia sẻ: “Từ khi học xong đến nay tôi bán được 27 sản phẩm, chủ yếu là các loại khăn mặt và trang phục Cơ tu”. Cùng tâm trạng, chị Nguyễn Thị Nga cho biết: “Tôi đã bày lại cho con gái tôi cách dệt thổ cẩm và hiện nay con đã dệt được rồi”.

LÊ VĂN THƠM

;
;
.
.
.
.
.