Cẩm Lệ nỗ lực kiểm soát an toàn thực phẩm

.

Quận Cẩm Lệ luôn chú trọng công tác tuyên tuyền, nâng cao nhận thức cũng như tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn thực phẩm không an toàn, bảo đảm người tiêu dùng sử dụng thực phẩm sạch.

Ông Phạm Nam Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho biết, trong thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận, các đoàn thể quận đã phối hợp tuyên truyền kiến thức an toàn thực phẩm (ATTP) đến cán bộ, hội viên, tiểu thương các chợ, các tầng lớp nhân dân thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: hội nghị triển khai kế hoạch vận động và giám sát về ATTP; triển khai điểm cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đô thị văn minh” gắn với xây dựng phường đạt chuẩn đô thị văn minh bảo đảm tiêu chí an toàn thực phẩm.

Ban quản lý các chợ, Hội LHPN và Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân và các phường… tổ chức tuyên truyền tại cộng đồng với hơn 2.000 lượt người tham dự và 123 cuộc nói chuyện chuyên đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) với 11.200 lượt người tham dự. Mặt trận các phường phối hợp với các ngành ở phường tuyên truyền tại 123/123 khu dân cư với hơn 30.000 lượt người tham gia.

Ngoài ra, Hội LHPN quận thường xuyên mở các lớp tập huấn về kỹ năng giám sát tại các chợ và các cơ sở dịch vụ ăn uống cho hội viên. Hiện nay, quận đã xây dựng thành công và duy trì “Tuyến phố bảo đảm an toàn thực phẩm” tại tuyến đường Thành Thái (phường Khuê Trung); đồng thời tiếp tục xây dựng mô hình “Tuyến phố đảm bảo an toàn thực phẩm” trên đường Tố Hữu. Các chợ Cẩm Lệ, Hòa An, Hòa Cầm đã đạt nội dung tiêu chí của chợ ATTP; các chợ Hòa Xuân, Hòa Phát được kiểm soát ATTP.  

Bà Ngô Thị Lẫm, Trưởng phòng Y tế quận Cẩm Lệ - cơ quan thường trực ATVSTP quận - cho hay, năm 2018, quận đã tổ chức kiểm tra 175/175 cơ sở (201 lượt), đạt tỷ lệ 100%; qua đó, phát hiện 14 cơ sở vi phạm, xử phạt 26.750.000 đồng. Các phường kiểm tra 1.266/1.387 cơ sở, đạt tỷ lệ 91,3%, không có cơ sở vi phạm.

Ngành nông nghiệp kiểm tra 303/312 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, đạt tỷ lệ 97%; kiểm tra 58/58 cơ sở thuộc đối tượng quản lý theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25-12-2018 về quy định việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện ATTP thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đạt tỷ lệ 100%). Ngành Công thương kiểm tra 105/110 cơ sở sản xuất (đạt tỷ lệ: 95%); kiểm tra 1.047/1.047 cơ sở kinh doanh, đạt tỷ lệ 100%.

Bà Lẫm cho hay, thông qua các hoạt động kiểm tra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ý thức được trách nhiệm của mình; từ đó, cam kết thực hiện các nội dung về ATTP. Đến nay, 312/312 cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ thuộc ngành nông, lâm, thủy sản ký cam kết sản xuất thực phẩm bảo đảm điều kiện ATTP theo Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT; 1.047/1.047 cơ sở kinh doanh thực phẩm thuộc ngành công thương quản lý đăng ký bản cam kết bảo đảm điều kiện ATTP.

Tuy nhiên, bện cạnh những nỗ lực của các ngành, các cấp trong công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát vệ sinh ATTP, quận Cẩm Lệ cũng gặp không ít khó khăn về nhân lực cũng như phương tiện để kiểm tra, kiểm soát. Theo bà Lẫm, hiện tại, đội ngũ cán bộ làm chuyên trách an toàn vệ sinh thực phẩm tại các phường vừa thiếu và yếu, hầu hết chưa được đào tạo và tập huấn chuyên sâu; đội ngũ thực hiện nhiệm vụ quản lý ATVSTP chưa được trang bị đầy đủ chuyên môn nghiệp vụ và điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ nên việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về ATVSTP còn lúng túng.

Ngoài ra, theo dự báo, để gia tăng lợi nhuận, có khả năng một số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm có thể sử dụng nhiều loại hóa chất mới không rõ nguồn gốc, phụ gia thực phẩm không nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế để sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm với thủ đoạn ngày càng tinh vi nhằm tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm soát chất lượng ATTP. Trong khi đó, tuyến cơ sở hiện chỉ sử dụng các loại test nhanh không thể phát hiện các loại phụ gia mới.

Việc triển khai sổ sách ghi chép nguồn gốc thực phẩm được các ngành chức năng triển khai thường xuyên, liên tục trong các đợt tập huấn cũng như kiểm tra, thẩm định. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ có bếp ăn tập thể trong các trường học làm tốt; nhóm trẻ gia đình làm tương đối tốt, còn lại nhóm thức ăn đường phố, quán ăn, sản xuất kinh doanh thực phẩm không thực hiện việc ghi chép theo quy định hoặc có ghi chép nhưng chỉ đối phó với cơ quan kiểm tra.

NGỌC HÂN

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.