Không để người tiêu dùng 'quay lưng' với thịt heo

.

Lãnh đạo thành phố vừa đề nghị Ban Quản lý (BQL) An toàn thực phẩm (ATTP) thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu đúng về dịch tả heo châu Phi nhằm hỗ trợ người chăn nuôi và các hộ kinh doanh thực phẩm từ heo. Hiện, Đà Nẵng đang làm tốt công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi nhưng người tiêu dùng vẫn còn e ngại, thậm chí quay lưng với thịt heo.

Hai tuần nay, chị Lê Thị Hường, tiểu thương kinh doanh thịt heo tại chợ Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) phải bán kèm thêm một số thịt gia súc, gia cầm khác như vịt, gà và bò để duy trì ki-ốt của mình. Dịch tả heo châu Phi khiến việc kinh doanh thịt heo của chị bị ảnh hưởng. “Ngày thường mỗi phiên chợ bán được khoảng 60kg thịt, sườn, giò heo các kiểu nhưng bây giờ cố gắng lắm chỉ được khoảng 20 - 25kg.

Người ta quay sang mua các loại thực phẩm khác hết. Một số bạn hàng quen thuộc cũng ngừng lấy thịt heo trong một thời gian dài”, chị Hường cho biết. Một số ki-ốt xung quanh chị Hường thậm chí đã đóng cửa nghỉ bán do người tiêu dùng quay sang sử dụng các loại thực phẩm khác. Việc người tiêu dùng quay lưng với thịt heo không chỉ khiến các tiểu thương hoạt động khó khăn, cầm chừng mà còn khiến các cơ sở cung cấp thịt heo bị ảnh hưởng.

Anh Chương, đại diện cửa hàng thịt heo sạch thảo mộc Pig Eco (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) chia sẻ, một số đơn vị là trường học, các cửa hàng, siêu thị cũng giảm, tạm ngừng nhập các sản phẩm từ heo khiến sản lượng thịt cung ứng cho thị trường giảm 40-50%.

Theo ông Nguyễn Tứ, Phó Trưởng BQL ATTP thành phố, nắm bắt tâm lý e ngại của người tiêu dùng, từ giữa tháng 3, đơn vị này đã tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh thịt heo trên địa bàn thành phố.

Ngoài các cơ sở phân phối lớn như Siêu thị Big C, Lotte Mart, chợ Cồn, chợ Hàn, lực lượng chức năng còn kiểm tra hơn 10 cơ sở chế biến, kinh doanh thịt heo khác. Ngoài việc kiểm tra việc chấp hành các quy định về ATTP nói chung, lực lượng chức năng cũng tuyên truyền về sự nguy hiểm, đường lây lan bệnh và các biện pháp chủ động ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi.

“Có thể nói, việc ngăn chặn dịch tại Đà Nẵng được thực hiện hết sức nghiêm ngặt, kỹ lưỡng và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan nên đến nay chúng ta vẫn đang trong vùng an toàn. Và người tiêu dùng cũng nên hiểu rõ, là dịch tả heo châu Phi chỉ xảy ra với heo, hoàn toàn không lây nhiễm, lây bệnh với động vật khác cũng như con người. Đây là thông tin đã được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) khẳng định nhiều lần”, ông Tứ nhấn mạnh.

Hiện nay, ngoài tăng cường thiết lập “3 hàng rào” (nhập vào, giết mổ và lưu thông), việc kiểm tra cũng được thực hiện kỹ lưỡng hơn trước không chỉ đối với các thủ tục hành chính mà còn thực hành kiểm tra lâm sàng đối với heo được nhập vào thành phố.

Vừa qua, tại cuộc họp về tình hình ATTP, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đã đề nghị các lực lượng chức năng phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động vận chuyển, giết mổ heo trên địa bàn thành phố. Lãnh đạo thành phố đề nghị duy trì tăng cường kiểm soát tiêu độc chặt chẽ phương tiện vận chuyển qua các trạm kiểm dịch động vật, bổ sung thêm cán bộ thú y tại các điểm chốt chặn, sẵn sàng dự trữ hóa chất để phục vụ công tác phòng chống dịch.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đề nghị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu đúng về dịch tả heo châu Phi, giải quyết tình trạng người tiêu dùng quay lưng với thịt heo như hiện nay, từ đó có sự hỗ trợ kịp thời đối với người kinh doanh và chăn nuôi.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.