An toàn giao thông ở các tuyến đường ngang

.

Trên địa bàn thành phố hiện còn 13 đường ngang dân sinh qua đường sắt, trong đó có 8 đường ngang dân sinh có người cảnh giới do Ban An toàn giao thông (ATGT) thành phố và UBND các quận, huyện phối hợp tổ chức.

Hiện nay, Đà Nẵng đang triển khai thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về đóng toàn bộ đường ngang dân sinh qua đường sắt đến năm 2025, nhằm bảo đảm an toàn giao thông và phát triển kinh tế - xã hội.

Các cựu chiến binh canh gác đường ngang dân sinh qua đường sắt ở khu vực Xuân Thiều, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, bảo đảm không để xảy ra tai nạn giao thông đường sắt.
Các cựu chiến binh canh gác đường ngang dân sinh qua đường sắt ở khu vực Xuân Thiều, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, bảo đảm không để xảy ra tai nạn giao thông đường sắt.

Bố trí người cảnh giới ở đường ngang dân sinh

Quận Liên Chiểu là địa phương có 8 đường ngang dân sinh qua đường sắt trên tổng số 13 đường ngang dân sinh toàn thành phố, trong đó có 5 đường ngang dân sinh có người cảnh giới.

Bà Nguyễn Thị Đến (trú tổ 43, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) hiện đảm nhận việc cảnh giới tại đường ngang dân sinh khu vực Nam Ô, cho biết: “Vào những đêm mưa to, tầm nhìn hạn chế, tôi phải chăm chú quan sát, hễ thấy có đèn tàu chiếu pha là ngay lập tức đóng gác chắn”.

Còn ông Lê Thú, cảnh giới đường ngang dân sinh phía nam cầu Nam Ô cho hay: “Chúng tôi phân công nhau túc trực 24/24 giờ, bảo đảm không để xảy ra tai nạn giao thông ở đường ngang dân sinh này”.

Tại đoạn đường sắt qua địa bàn quận Liên Chiểu, mỗi ngày, các trạm gác đường ngang dân sinh đều phải bảo đảm an toàn cho từ 40-45 chuyến tàu chạy qua, nhiều nhất là lúc rạng sáng. Việc này gây thêm áp lực đối với những người gác đường ngang không chuyên.

“Ca trực từ 0 giờ đến 6 giờ có rất nhiều tàu chạy ngang qua, từ 13-17 chuyến. Vì thế, chúng tôi phải bố trí 2 người cho ca trực để bảo đảm an toàn cho người và các phương tiện chạy qua đường ngang dân sinh này”, cựu chiến binh Đặng Hòa (người cảnh giới đường ngang dân sinh ở khu vực Xuân Thiều, phường Hòa Hiệp Nam) nói.

Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Sở Giao thông vận tải cho hay: “Trong 13 đường ngang dân sinh qua đường sắt còn tồn tại trên địa bàn thành phố, có 8 đường ngang đã được Ban ATGT thành phố phối hợp với UBND quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang bố trí tổng cộng 31 người cảnh giới. Kể từ ngày bố trí người cảnh giới, hầu như không xảy ra tai nạn giao thông đường sắt tại 8 đường ngang dân sinh này”.

Còn nhiều bất cập

Tuyến đường sắt tại thành phố Đà Nẵng do người Pháp xây dựng và khai thác hơn 110 năm, trong đó, Ga Đà Nẵng được khánh thành từ năm 1902. Sự tồn tại quá lâu của tuyến đường sắt ở trung tâm thành phố đã nảy sinh những bất cập, gây ra những rào cản phát triển đối với Đà Nẵng. Vì vậy, cần phải có giải pháp trước mắt cũng như giải pháp trung hạn đối với các đường ngang dân sinh trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Đăng Huy, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho hay: “Các đường ngang dân sinh cắt qua đường sắt trên địa bàn quận đã tồn tại từ lâu, có yếu tố lịch sử và xuất phát từ việc tăng dân cư, phát triển đô thị… Các đường ngang có lưu lượng người và phương tiện lưu thông đông. Chính nhờ việc bố trí người cảnh giới nên đã góp phần giảm tai nạn giao thông.

Trong tương lai, sau khi di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố, phải bố trí lại các đường ngang có gác chắn bài bản nhằm hạn chế tối đa tai nạn giao thông. Trong thời gian chưa di dời ga đường sắt, quận Liên Chiểu sẽ kiến nghị thành phố đầu tư xây dựng, nâng các đường ngang dân sinh thành các đường ngang có gác chắn để bảo đảm ATGT”.

Còn ông Nguyễn Hữu Cường đề nghị: “Về lâu dài, tuyến đường sắt qua địa phận thành phố Đà Nẵng phải được đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ. Đồng thời, phải rào chắn hai bên đường sắt tại các đoạn qua khu dân cư để không có người đi qua đường sắt, bảo đảm ATGT”.

Trong khi đó, hiện nay, có rất nhiều chuyến tàu hàng chạy vào trung tâm thành phố, trong đó nhiều chuyến chỉ kéo một vài toa tàu hàng. Lưu lượng tàu hàng lưu thông vào trung tâm thành phố là quá lớn không chỉ gây ùn tắc, tai nạn giao thông tại các đường ngang, mà còn có nhiều xe tải chạy vào trung tâm thành phố để nhận hàng từ các chuyến tàu, gây thêm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Ngành giao thông vận tải thành phố đã nhiều lần đề nghị ngành đường sắt phải chuyển hàng hóa ra 2 ga vệ tinh là Kim Liên và Lệ Trạch để giảm thiểu tàu hàng và xe tải cỡ lớn vào trung tâm thành phố. “Vừa qua, chúng tôi kiên quyết đề nghị với ngành đường sắt là hàng hóa nên tập kết và phát triển ở ga Kim Liên và Lệ Trạch để hạn chế phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố”, ông Nguyễn Hữu Cường nói.

Cũng theo Ban An toàn giao thông thành phố, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định từ nay đến năm 2021, đầu tư để đóng 30% đường ngang dân sinh qua đường sắt; đến năm 2025, đầu tư đóng 100% đường ngang dân sinh.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.