Hiệu quả từ phong trào phụ nữ khởi nghiệp ở Hòa Thọ Tây

.

Ở phường Hòa Thọ Tây (quận Cậm Lệ), phong trào phụ nữ khởi nghiệp phát triển mạnh với những kết quả khả quan, tạo việc làm ổn định cho nhiều người, thiết thực góp phần hoàn thành mục tiêu xóa nghèo và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Chị Trương Thị Ánh Tuyết sản xuất bún sợi các loại đạt hiệu quả cao. Ảnh: LÊ VĂN THƠM
Chị Trương Thị Ánh Tuyết sản xuất bún sợi các loại đạt hiệu quả cao. Ảnh: LÊ VĂN THƠM

Bà Nguyễn Thị Chín ở tổ 28 tự tìm tòi, nghiên cứu kỹ thuật trồng nấm, rồi mạnh dạn đầu tư mở cơ sở sản xuất nấm bào ngư tại khuôn viên gia đình. Từ làm thủ công quy mô nhỏ, bà Chín nỗ lực mở rộng quy mô sản xuất và tạo nguồn đầu ra, đồng thời mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới, làm ra nhiều loại sản phẩm. Đến nay, bà đã có trại nấm rộng hơn 200m2, thường xuyên sản xuất 4 loại sản phẩm nấm bào ngư và nấm linh chi. Các loại nấm bào ngư dùng để chế biến thức ăn, hiện giá bán từ 30.000 - 65.000 đồng/kg; còn nấm linh chi là loại dược phẩm chữa bệnh rất tốt, giá từ 900.000 - 1 triệu đồng/kg.

Bà Chín đã đăng ký nhãn hiệu sản phẩm “Nấm Chín Khang Thịnh” và ngày càng được nhiều người tin dùng. Với mô hình này, bà Chín đã tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động (mức lương từ 6-7 triệu đồng/người/tháng) và đã giành giải Nhì tại Ngày hội Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp năm 2019, do Hội LHPN quận Cẩm Lệ tổ chức. “Mấy năm nay, tôi đã sử dụng lò hấp điện thay thế hò hấp thủ công, mỗi tháng hấp từ 2-3 lần, mỗi lần cho ra 1.000 bịch nguyên liệu; sản phẩm Nấm Chín Khang Thịnh luôn có bán tại chợ Đầu mối Hòa Cường, đồng thời nhiều người còn đến mua tại chỗ”, bà Chín chia sẻ.

Còn chị Vi Thị Phong ở tổ 36, khởi nghiệp bằng mô hình may gia công tại nhà. Vốn là thợ may lành nghề, chị Phong tích cực liên hệ với các cửa hàng may đo ở nhiều nơi để nhận may gia công các loại sản phẩm. Mặt khác, chị Phong làm hồ sơ vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội theo Đề án 938 của Chính phủ về công tác khởi nghiệp.

Từ vốn vay và nguồn tích lũy của gia đình, chị Phong đầu tư mua máy may, tủ đựng hàng cùng các dụng cụ phụ trợ. Mô hình may gia công của chị Phong bước đầu thu hút 5 lao động có việc làm thường xuyên với nguồn đầu vào, đầu ra khá ổn định. Hiện tại, thu nhập của các thành viên từ 4-5 triệu đồng/tháng. Không chỉ giỏi tay nghề, chị Phong còn tận tình hướng dẫn và kiểm tra thường xuyên sản phẩm của các thành viên, qua đó, được các chủ hàng hết sức tin tưởng. Nhờ vậy, chị liên tục ký được hợp đồng gia công với số lượng lớn. “Việc may gia công không nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo; sắp tới, tôi sẽ mua thêm máy may và nhận thêm lao động”, chị Phong cho biết.

Không chỉ bà Nguyễn Thị Chín hay chị Vi Thị Phong, trên địa bàn phường Hòa Thọ Tây còn nhiều gương phụ nữ khởi nghiệp đạt hiệu quả, vừa nâng cao đời sống gia đình, vừa tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động. Nơi đây, phong trào phụ nữ khởi nghiệp phát triển đa dạng, thu hút nhiều người tham gia, nhất là những chị em lớn tuổi, không còn cơ hội đào tạo nghề mới. Có chị mở mô hình buôn bán nhỏ. Có chị làm dịch vụ vui chơi giải trí. Nhiều chị năng nổ liên hệ với các công ty, xí nghiệp nhận gia công đan dụng cụ khai thác thủy sản. Đặc biệt, bà Thái Thị Nhiên ở tổ 28 đầu tư cải tiến kỹ thuật tráng mỳ lá, tạo ra sản phẩm đẹp và ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tương tự, chị Trương Thị Ánh Tuyết (tổ 29) đã nâng cấp thiết bị, sản xuất bún sợi các loại đạt hiệu quả cao… 

Theo Thường trực Hội LHPN phường Hòa Thọ Tây, những mô hình phụ nữ khởi nghiệp được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể hết sức quan tâm tạo điều kiện phát triển và đã đóng góp quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương.         

 LÊ VĂN THƠM

;
;
.
.
.
.
.