Hỗ trợ sinh viên trong mùa dịch

.

Theo thống kê của Ban Quản lý ký túc xá (KTX) các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố, hiện có khoảng hơn 1.900 sinh viên đang ở tại 16 KTX của 16 trường đại học, cao đẳng và 1.300 em đang ở tại KTX sinh viên Đà Nẵng (KTX DMC). Để bảo đảm cuộc sống cho sinh viên, thời gian qua, các trường đại học cùng các mạnh thường quân chung tay hỗ trợ sinh viên vượt qua khó khăn, phòng, chống Covid-19.

Em Nguyễn Ngọc Trâm, sinh viên ngành Báo chí, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng là một trong 46 sinh viên hiện đang ở tại KTX của trường. Khi thành phố ra quy định không cho bán thức ăn mang về, Trâm và nhiều sinh viên đang sống tại đây khá lo lắng vì nguyên tắc bảo đảm an toàn cháy nổ, KTX của trường không cho nấu ăn. Tuy nhiên, trái ngược với lo lắng ban đầu, những ngày qua, Trâm và các sinh viên tại đây được chăm lo, hỗ trợ đầy đủ từ thức ăn đến đồ dùng hằng ngày.

Cũng như nhiều sinh viên khác, Nguyễn Trường Sơn, sinh viên khoa Điện, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng lựa chọn ở lại thành phố, không về quê trong thời gian giãn cách xã hội. Ngay khi có thông báo ngừng tất cả hoạt động kinh doanh ăn uống, để kịp thời bảo đảm cuộc sống cho hơn 460 sinh viên đang ở KTX trường, Trường Đại học Bách khoa đã bố trí một phòng bếp tập thể, mua mới nhiều bếp từ, nồi cơm điện, dụng cụ nấu ăn, gia vị… để các em tự nấu ăn. Trường cũng liên hệ hợp đồng với một đơn vị cung cấp suất ăn để mở căn tin phục vụ suất ăn cho sinh viên.

PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa cho biết, để bảo đảm cuộc sống cho hơn 460 sinh viên, giúp các em yên tâm thực hiện giãn cách theo quy định của thành phố, nhà trường đã linh hoạt các biện pháp hỗ trợ; đồng thời, vận động, kêu gọi sự giúp đỡ từ các đoàn thiện nguyện để bảo đảm các em có đủ nhu yếu phẩm cần thiết trong thời gian giãn cách xã hội...

Từ sáng 1-8, gần 180 sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật chuyển đồ từ khu KTX B, C sang khu A để nhường chỗ cho người cách ly. Hoàng Văn Khá, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật cho biết: “Khi dịch bùng phát trở lại, em định về nhà nhưng sợ nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, do đó, em với bạn quyết tâm ở lại, thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội. Những ngày đầu khi giãn cách xã hội, cuộc sống gặp không ít khó khăn, nhưng sau đó nhà trường đã kịp thời hỗ trợ”.

Thầy Nguyễn Tấn Hòa, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật cho biết, nhà trường đã tổ chức nấu cơm tập trung cho sinh viên. Trước mắt, giá mỗi suất ăn 15.000 đồng đã được giảm xuống còn 10.000 đồng, khẩu phần ăn uống cũng tăng thêm nhằm bảo đảm chất dinh dưỡng cho các em. Nhà trường cũng kêu gọi các cựu sinh viên, nhà hảo tâm hỗ trợ thêm để chu cấp tốt hơn cho những sinh viên ở lại tránh dịch.

Trong hè này, gần 300 sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ cũng ở lại thành phố Đà Nẵng. Nhằm bảo đảm cuộc sống cho sinh viên, nhà trường kêu gọi các hội, đoàn thể, cũng như các mạnh thường quân quyên góp, hỗ trợ. Sáng 1-8, PGS.TS Trần Hữu Phúc, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ đã đến trao quà nhu yếu phẩm cho các sinh viên. PGS.TS. Trần Hữu Phúc chia sẻ: “Thành phố đang nỗ lực chống dịch, bản thân mỗi sinh viên phải thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, cùng chung tay với thành phố. Những khó khăn ban đầu, Ban Giám hiệu cùng các đoàn thể nhà trường sẽ nỗ lực hết sức hỗ trợ các em”.

Để động viên các sinh viên đang lưu trú trên địa bàn thành phố, vừa qua, lãnh đạo Đại học Đà Nẵng đã đến thăm, trao nhu yếu phẩm, động viên các sinh viên giữ gìn sức khỏe, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho bản thân; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống Covid-19, qua đó, chung tay cùng cộng đồng ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên Đại học Đà Nẵng phát động đoàn viên, hội viên, kêu gọi sự ủng hộ từ các tổ chức, doanh nghiệp nhằm hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các sinh viên đang lưu trú tại KTX. Đoàn Thanh niên, Công đoàn các trường cũng đã có những hỗ trợ kịp thời, thiết thực cho sinh viên đang ở lại KTX, cũng như sinh viên đang lưu trú tại các tổ dân phố bên ngoài trường học.

HOÀNG SA - HUY HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.