Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 Phạm Bình Minh khẳng định, đối với Việt Nam, APEC là một trong những diễn đàn đa phương quan trọng và mang lại nhiều lợi ích thực chất nhất.
Xác định rõ tầm quan trọng của Năm APEC 2017, nước chủ nhà Việt Nam đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt nhằm tạo dấu ấn đậm nét với các đối tác khi tham gia các hoạt động tại Việt Nam. Ủy ban Quốc gia APEC 2017 (sau đây gọi tắt là Ủy ban Quốc gia) đã được thành lập theo Quyết định số 1082/QĐ-TTg ngày 16-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ, do Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh là Chủ tịch Ủy ban và các ủy viên là lãnh đạo các cơ quan, bộ, ngành, thành phố sẽ tham gia trực tiếp công tác chuẩn bị cho Năm APEC 2017.
Ủy ban Quốc gia có nhiệm vụ chỉ đạo, điều hòa, đôn đốc và phối hợp việc chuẩn bị, tổ chức các hoạt động của Diễn đàn APEC tại Việt Nam trong năm 2017 và trong quá trình chuẩn bị của các cơ quan, địa phương liên quan. Bộ phận thường trực giúp việc cho Ủy ban Quốc gia là Ban Thư ký Quốc gia APEC 2017, do Bộ Ngoại giao chủ trì và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Ủy ban, gồm đại diện của Văn phòng Chính phủ và 14 bộ, cơ quan liên quan. Ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao là Trưởng ban Thư ký Quốc gia APEC 2017 - Chủ tịch SOM.
5 Tiểu ban gồm: Tiểu ban Nội dung, Tiểu ban Lễ tân, Tiểu ban Tuyên truyền và văn hóa, Tiểu ban An ninh và y tế, Tiểu ban Vật chất và hậu cần. Trong đó, Tiểu ban Nội dung có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, chỉ đạo và tổ chức thực hiện toàn bộ công tác về nội dung phục vụ cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 và các hoạt động của Diễn đàn APEC năm 2017 tổ chức tại Việt Nam; đôn đốc và phối hợp hoạt động của tất cả các bộ, cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng nội dung, chương trình nghị sự, báo cáo, văn kiện, thư ngoại giao và các tài liệu khác có liên quan của các hội nghị, sự kiện của APEC tại Việt Nam năm 2017. Tiểu ban Tuyên truyền và văn hóa chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo việc đưa tin, tuyên truyền và quảng bá phục vụ các hội nghị, hoạt động liên quan của APEC 2017.
Đến nay, các tiểu ban đã chủ động, tích cực triển khai công tác chuẩn bị về mọi mặt cho Năm APEC 2017, đặc biệt là chuẩn bị Tuần lễ Cấp cao diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 11 tới. Quá trình chuẩn bị tiến hành theo đúng lộ trình đề ra, bước đầu đạt kết quả tốt. Qua Hội nghị lần thứ nhất và lần thứ 2 các quan chức cao cấp APEC (SOM 1, SOM 2) và các cuộc họp liên quan tại Nha Trang, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Nội, các nền kinh tế thành viên đánh giá cao, bày tỏ ấn tượng với công tác chuẩn bị và tổ chức chu đáo của Việt Nam về các mặt, từ nội dung, đến các vấn đề tổ chức, công tác an ninh, lễ tân, hậu cần...
Riêng đối với Đà Nẵng, sau khi được lựa chọn tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, chính quyền và nhân dân thành phố đã tích cực triển khai công tác chuẩn bị, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao về việc bảo đảm tổ chức thành công, chu đáo trên tất cả các mặt cho Tuần lễ Cấp cao. Đà Nẵng đã thành lập Ban tổ chức do Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban (gồm các tiểu ban tương ứng với các tiểu ban của Ủy ban Quốc gia). Thành phố đang tích cực đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông, thông tin chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
Trong thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước thường xuyên chỉ đạo, tham gia kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị, tổ chức hoạt động cho APEC 2017 của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương. Trong đó, trong đợt khảo sát tại Đà Nẵng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các tiểu ban trong Ủy ban Quốc gia và thành phố Đà Nẵng cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, bảo đảm hoàn thành đúng kế hoạch và chất lượng các công trình; sớm hoàn tất, bảo đảm vận hành tốt các dự án cơ sở hạ tầng, nhất là sân bay Đà Nẵng. Các tiểu ban phải chủ động xây dựng các phương án, kịch bản về lễ tân, hậu cần, tổ chức, đi lại và phối hợp với các khách sạn để vận hành thử; cần tính toán các phương án dự phòng do diễn biến thời tiết hoặc các điều kiện khách quan khác.
Song song đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh yêu cầu phải bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cần tập trung chỉ đạo các lực lượng trực thuộc phối hợp chặt chẽ, lên kế hoạch chi tiết các phương án bảo đảm an ninh, trật tự trên không, trên biển và trên đất liền, nhất là phương án bảo vệ các địa điểm tổ chức sự kiện cấp cao. Công tác y tế phải chuẩn bị thật tốt về nhân lực, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, xây dựng các phương án để chủ động ứng phó trong trường hợp khẩn cấp; chú trọng bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm để phục vụ tốt Tuần lễ Cấp cao và các hoạt động của APEC 2017.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang lưu ý tới công tác thông tin, truyền thông để người dân và doanh nghiệp đồng lòng, ủng hộ; yêu cầu đẩy mạnh truyền thông để người dân nhận thức đúng đắn về ý nghĩa, tầm quan trọng của Năm APEC 2017, Tuần lễ Cấp cao APEC, từ đó có trách nhiệm tích cực đóng góp vào việc quảng bá với bạn bè quốc tế hình ảnh một đất nước Việt Nam đổi mới, năng động, hội nhập và phát triển, con người Việt Nam thân thiện, mến khách, hiện đại.
Diễn đàn APEC 2017 hội tụ 13 trong số 25 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, cùng nhiều đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam. 18 thành viên APEC là các đối tác quan trọng trong các FTA song phương và nhiều bên của nước ta. Các thành viên APEC chiếm tới 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 75% thương mại hàng hóa, 38% viện trợ phát triển chính thức và 79% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam. Do đó, Năm APEC 2017 là một trọng tâm đối ngoại của Việt Nam và là đóng góp quan trọng nhất của nước ta đối với hợp tác APEC trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng. |
TH.S tổng hợp