Tháng 10-2016, Việt Nam công bố chủ đề của Năm APEC 2017: “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.
“Động lực mới” phản ánh mối quan tâm chung của 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trong quá trình hội nhập, liên kết và tăng trưởng kinh tế khu vực. Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, thương mại khu vực và toàn cầu đang chậm lại, động lực này trở thành nhu cầu cấp bách.
Việc cùng nỗ lực để đẩy mạnh liên kết kinh tế, quan hệ thương mại, cải cách cơ cấu, phát huy mạnh mẽ vai trò các doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với đổi mới sáng tạo có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp APEC nắm bắt những cơ hội mới của cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ tư và làn sóng thương mại toàn cầu lần thứ ba.
Trong khi đó, “vun đắp tương lai chung” hướng tới sự hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng chính là mục tiêu dài hạn của APEC. Chủ đề này cũng chính là kỳ vọng về những phát triển mới của APEC trong năm 2017, góp phần khẳng định vị thế của diễn đàn trong cục diện thế giới mới.
Nhằm thể hiện chủ đề này, Việt Nam lựa chọn 4 ưu tiên:
1. Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm
Ưu tiên này được đưa lên hàng đầu trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chưa vững chắc và bất bình đẳng gia tăng. Tính “bền vững” và “bao trùm” của phát triển được nhấn mạnh, nhằm góp phần thực hiện “Chiến lược APEC về tăng trưởng chất lượng giai đoạn đến năm 2020” và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (LHQ). Cải cách cơ cấu và đổi mới sáng tạo cũng đóng vai trò quan trọng nhằm tạo sự năng động mới cho tăng trưởng, thông qua việc cải thiện năng suất lao động, phát triển nguồn nhân lực và bảo đảm phân bổ nguồn lực hiệu quả. Mô hình tăng trưởng này lấy người dân và doanh nghiệp và cộng đồng làm trung tâm.
2. Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng
Trong những năm vừa qua, đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng và tăng cường kết nối được đề cao trong chương trình nghị sự APEC nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng liên kết kinh tế sâu rộng hơn và phát triển của APEC. Trong năm 2017, các nền kinh tế APEC tiếp tục đẩy mạnh hoàn tất các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020; đồng thời tăng cường kết nối trên 3 phương diện: cơ sở hạ tầng, thể chế và con người, giúp APEC duy trì vai trò động lực thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng.
3. Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trong kỷ nguyên số
MSME là một động lực đối với tăng trưởng và tạo việc làm tại các nền kinh tế APEC. Sự phát triển và tham gia sâu vào các chuỗi giá trị của các doanh nghiệp này tạo ra những xung lực mới cho sự phát triển của các nền kinh tế APEC. Việc “nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo” của các MSME càng trở nên quan trọng hơn trong kỷ nguyên số với những cơ hội và thách thức mới. Ưu tiên này cũng thể hiện sự tiếp nối và thúc đẩy triển khai tiếp những chương trình hoạt động của APEC trong lĩnh vực liên quan đến MSME.
4. Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu
Châu Á - Thái Bình Dương cung ứng khoảng 55% tổng sản lượng nông sản thế giới nên an ninh lương thực luôn được đề cao. Đây cũng là mục tiêu thứ hai trong các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ đến năm 2030. Trong những năm gần đây, APEC chú trọng nhiều hơn việc giải quyết các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với các nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững. An ninh lương thực gắn với “nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu”, giúp các nền kinh tế APEC ứng phó hiệu quả hơn các tác động ngày càng gay gắt của biến đổi khí hậu.
Ý nghĩa biểu trưng Với Năm APEC 2017, Việt Nam chọn biểu trưng có hình 21 tia mặt trời, tượng trưng cho 21 nền kinh tế thành viên liên kết chặt chẽ. Ba màu chủ đạo xanh nước biển, đỏ và vàng thể hiện 3 trụ cột hợp tác của APEC (tự do hóa thương mại và đầu tư; thuận lợi hóa kinh doanh; hợp tác kinh tế và kỹ thuật). Biểu trưng có bố cục chuyển động tròn, thể hiện hình ảnh động cơ phản lực - sự năng động của APEC. Họa tiết đàn chim Lạc bay bên trong vòng tròn lớn thể hiện tinh hoa văn hóa Việt, một đất nước truyền thống và luôn hướng về cội nguồn. Đàn chim được phác họa sáng tạo bằng 21 nét vẽ mạnh, đơn giản nhưng vẫn giữ được những nét đặc trưng, độc đáo của họa tiết trống đồng Đông Sơn Việt Nam, vừa tượng trưng cho 21 nền kinh tế thành viên APEC. |
K.NINH - D.ANH tổng hợp