Những cây kéo yêu thương

ĐNO - Suốt 2 năm qua, đều đặn vào ngày 1 và 15 hằng tháng, những người thợ hớt tóc trẻ tuổi lại có mặt tại Bệnh viện Đà Nẵng với hộp đồ nghề đựng tông-đơ, dao cạo, gương, lược... Từ đôi bàn tay và tình thương của họ, những bệnh nhân ở đây được cắt tóc, gội đầu miễn phí trong niềm vui được sẻ chia.

 
Buổi hớt tóc miễn phí tại Bệnh viện Đà Nẵng. Video: XUÂN SƠN
 

Trung tuần tháng 11, tiền sảnh tầng 5 và tầng 7 khu B của Bệnh viện Đà Nẵng trở nên nhộn nhịp hơn bởi tiếng nói, tiếng cười của những bệnh nhân và người nhà.

Bệnh nhân Lê Văn Luận (49 tuổi, trú xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) vuốt đi vuốt lại mái tóc điểm bạc vừa được hớt gọn gàng, hào hứng chia sẻ: "Tôi mới nhập viện ở khoa Nội Thần kinh được hơn 1 tuần ni. Người nhà bận bịu nên không ghé chăm thường xuyên được, phải ở một mình đây, may có mấy chú hớt tóc tới, vui lắm!".

Anh Phạm Văn Lành đang cắt tóc cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Anh Phạm Văn Lành đang cắt tóc cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN SƠN

"Mấy chú hớt tóc" mà ông Luận nhắc đến là những "cây kéo" trẻ tuổi, có người bán quán cà-phê, người vẫn giữ nghề hớt tóc bên mình, hơn 2 năm nay, họ đi-về giữa Quảng Nam - Đà Nẵng để mang niềm vui tới cho những bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Trưởng nhóm hớt tóc là anh Phạm Văn Lành (30 tuổi, quê ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Anh Lành cho biết, hơn 2 năm trước, một người bạn của anh tên Trần Phước Bình đã tiên phong liên hệ với Phòng Công tác xã hội (Phòng CTXH) của Bệnh viện Đà Nẵng để được hớt tóc miễn phí cho các bệnh nhân.

Được sự hưởng ứng của lãnh đạo bệnh viện, anh Bình rủ thêm anh Lành sắp xếp lịch hớt tóc đều đặn vào ngày 1 và ngày 15 hằng tháng. Thời gian sau này, do hoàn cảnh công việc và gia đình nên anh Bình chuyển vào nam sinh sống, anh Lành ở lại kêu gọi thêm những người bạn trong nghề, lập nên một nhóm nhỏ, tiếp tục công việc ý nghĩa mà mình đã làm từ trước đến nay. 

Ảnh: XUÂN SƠN
Anh Ngô Quang Thảo hớt tóc cho cụ bà Nguyễn Thị Thuận. Ảnh: XUÂN SƠN

Bây giờ, do sức khỏe không cho phép nên anh Lành không theo nghề hớt tóc nữa. Anh mở quán cà-phê, và buôn bán nhỏ tại nhà, thế nhưng những cây kéo, chiếc tông-đơ của anh chưa thể "nghỉ ngơi". Bây giờ, đúng mỗi tháng 2 lần, bất kể nắng mưa, chúng theo chân anh và những người bạn ra Đà Nẵng. 

Ở Bệnh viện Đà Nẵng, có nhiều bệnh nhân phải nằm một chỗ, di chuyển khó khăn, một số khác thì không có người nhà chăm sóc. Mọi sinh hoạt của họ nhờ vào sự hỗ trợ của đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý và các cán bộ Phòng CTXH. Từ lạ thành quen, dần dần, họ thân quen hơn với những người thợ hớt tóc nhiệt tình, thân thiện.

Ảnh: XUÂN SƠN
Mỗi đợt hớt tóc bắt đầu từ 2 giờ chiều tới hơn 6 giờ tối. Ảnh: XUÂN SƠN

Cùng đi với anh Lành trong chuyến hớt tóc ở bệnh viện vào trung tuần tháng 11 là anh Ngô Quang Thảo (29 tuổi, trú thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam). Lúc gặp chúng tôi, anh Thảo đang cắt tóc tận giường bệnh cho cụ bà Nguyễn Thị Thuận (90 tuổi, trú thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Chứng kiến bàn tay anh cẩn thận tỉa từng ngọn tóc, chải từng nếp tóc cho bà Thuận, những người có mặt đều mỉm cười và khen ngợi.

Anh Thảo chia sẻ: "Có nhiều bệnh nhân vì sức khỏe không thể di chuyển ra tiền sảnh được thì anh em chúng tôi sẵn sàng vào phòng bệnh để cắt. Ở đây còn có các anh chị của Phòng CTXH hỗ trợ chúng tôi gội đầu cho bệnh nhân nữa, nên công việc diễn ra nhanh chóng lắm".

Theo các anh, việc hớt tóc ở đây cũng không khác gì tại tiệm, bởi cơ bản mỗi bệnh nhân cũng như mỗi khách hàng, đều có nhu cầu riêng về kiểu tóc, kiểu râu nên mỗi người thợ đều "chiều" và tư vấn hết mình.

Ảnh: XUÂN SƠN
Những bệnh nhân và người nhà chờ đợi cắt tóc tại tiền sảnh khu B, Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN SƠN

Bà Nguyễn Thị Thuận cho biết: "Được các cháu hớt tóc, tôi vui lắm, vui hơn nữa vì nhìn các cháu mà nhớ tới cháu mình ở xa. Cháu tôi cũng là thợ hớt tóc đó".

Ảnh: XUÂN SƠN
Từng nhát kéo, đường tông-đơ đều được những người thợ chăm chút. Ảnh: XUÂN SƠN

Mỗi đợt hớt tóc diễn ra từ 2 giờ chiều cho tới hơn 6 giờ tối. Càng về chiều, những bệnh nhân xếp hàng chờ được hớt tóc ngày một nhiều hơn. Có người được người nhà đẩy đi bằng xe lăn, người mang theo bên mình chai dịch truyền, người bước đi khó nhọc phải ngồi lại trong phòng bệnh để chờ.

Người nào được hớt xong thì có đội ngũ cán bộ Phòng CTXH gội đầu, lau mặt hộ. Cứ thế, một buổi hớt tóc thiện nguyện của anh Lành và những người bạn trôi qua trong niềm vui của những bệnh nhân và người nhà.

Trời sẩm tối, anh Lành cùng bạn thu xếp đồ đạc, lên xe ra về, khi gương mặt và tấm áo của họ đã đẫm mồ hôi, nhưng tất cả đều vui vì việc mình đang làm. Sau lưng họ, những bệnh nhân tạm biệt, nói lời cảm ơn. Bệnh nhân Đặng Hương (76 tuổi) quay sang nói với chúng tôi: "Tự nhiên thấy cảm động thiệt, thấy mấy đứa (ý nói những người thợ) cứ như cháu, như con trong nhà".

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.